Câu chuyện môi trường

Biến tường mốc thành con đường gốm sứ

Xuân Hà 23/12/2024 - 11:30

(TN&MT) - Với tình yêu và trách nhiệm cộng đồng, người dân làng Liên Mạc (phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội) đã chung tay, góp sức biến những bức tường ẩm mốc, xám xịt và đơn điệu quanh làng thành chuỗi tranh ghép gốm, sứ… mang đầy hơi thở cuộc sống.

Giống với nhiều ngôi làng ven đô, Liên Mạc dẫu là làng đã lên phố, song vẫn ẩn trong mình vẻ đẹp cổ kính, với ngõ xóm quanh co cùng những mái nhà khuất sau tán cây xanh mát. Thời gian qua, nơi đây thu hút thêm sự chú ý của mọi người nhờ những bức tranh tường đa sắc chạy dài như một triển lãm thu nhỏ. Điều khiến khách đến thăm làng thích thú ngoài sự gần gũi, mộc mạc, đầy tính nghệ thuật còn từ việc nguồn vật liệu đặc biệt làm ra những tác phẩm này hầu hết đều là đồ phế liệu, như: Mảnh chai, lọ thủy tinh; bát, đĩa, gạch, ngói vỡ… được tận dụng để tái chế, qua đó khơi gợi ý thức bảo vệ môi trường của người dân...

lm_bao-tn-mt1.jpg
Mỗi bức tranh nhỏ mang đến một chủ đề riêng nhưng đều hướng đến chủ đề chung là ca ngợi cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp mang bản sắc đặc trưng của làng quê Việt Nam

Từ những vật liệu tưởng chỉ để bỏ đi đã hồi sinh thành những tác phẩm nghệ thuật đầy sắc màu cuộc sống. Qua đó người xem thấy được bóng dáng làng quê Bắc Bộ, với hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình, ao sen, chiếu chèo ngày hội… cũng như ký ức riêng của mỗi gia đình về cảnh đẹp làng mình khi xưa.

img_8978.jpg
Nhiều chi tiết đòi hỏi sự mềm mại, uyển chuyển, chi tiết trang trí rất mảnh đều được bà con thể hiện rất sinh động

Sinh sống và gắn bó với làng Liên Mạc, mang trong mình tình yêu quê hương đất nước, chứng kiến tình trạng rác thải ra môi trường ngày một nhiều và tình trạng ô nhiễm ngày một nặng nề, họa sĩ Quỳnh Liên bắt đầu nhen nhóm ý tưởng biến những bức tường ẩm mốc, mất mỹ quan trở thành những bức tranh nghệ thuật làm từ rác thải rắn.

img_8975.jpg
Một bức tranh lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường

Họa sĩ Quỳnh Liên chia sẻ, dự án được triển khai từ cuối năm 2020 với ý tưởng bắt nguồn từ ước mơ bình dị “làm đẹp cho làng xóm, quê hương”. Ý tưởng hay đã được lan tỏa, nhân rộng. Những mảng tường lớn lâu nay vốn chỉ sơn màu truyền thống thì nay được cải tạo để biến thành những bức tranh gốm sứ. Mỗi nhà lựa chọn một chủ đề song bà con trong khu phố đều thống nhất “bám” theo chủ điểm chính là hướng tới cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp mang bản sắc đặc trưng của làng quê Việt Nam như cây đa, bến nước, con đò; hoa sen, lũy tre, con trâu, cây cầu… phù hợp với vùng đất vẫn lưu giữ nét đẹp văn hoá làng đang vươn lên phát triển mạnh mẽ.

img_8969.jpg
Những mảng tường cũ đã được "thay áo mới"

Sau khi được sự thống nhất, hoạ sĩ sẽ thể hiện hình vẽ nền và chỉ định màu; phần lắp ghép và hoàn thiện do người dân trong phố thực hiện. Những bức tranh gốm đầu tiên còn có phần chưa nuột nà do “các họa sĩ không chuyên” chưa quen việc thì càng về sau càng đẹp hơn, hoàn hảo hơn. Đặc biệt, có những hình vẽ như bông hoa, lá hoa rủ xuống đòi hỏi sự mềm mại, uyển chuyển, chi tiết trang trí rất mảnh đều được bà con thể hiện rất sinh động.

lm_bao-tn-mt122.jpg
Thông điệp bảo vệ môi trường trên các bức tranh

Ban đầu, khi mới khởi công, họa sĩ Quỳnh Liên cùng 5 người cộng sự của mình đã gặp không ít khó khăn trong việc thu gom nguyên vật liệu, thiếu hụt nhân lực,… May mắn thay, hành động ý nghĩa này nhanh chóng được lan tỏa và nhận được sự ủng hộ của người dân làng Liên Mạc. Từ người già đến trẻ nhỏ, mỗi người một tay, không kể ngày nắng ngày mưa, đã góp sức, góp của để cùng nhau hoàn thiện những bức tranh gốm sứ ghét trên tường.

img_8990.jpg
Những bức tranh tường làm xóm ngõ thêm sinh động, tươi đẹp

Nói về thông điệp từ trong những bức tranh, họa sĩ Quỳnh Liên chia sẻ hai điều muốn lan tỏa đến cộng đồng. Đầu tiên là ý thức bảo vệ môi trường từ việc mình sẽ phân loại rác tại nguồn, tái sử dụng những chất thải rắn còn tác dụng phù hợp với mục đích, giảm lượng rác thải ra môi trường gây ách tắc nguồn nước, gây mất cân bằng hệ sinh thái trong môi trường nước và dẫn tới nhiều dịch bệnh.

img_8989.jpg

“Điều sâu xa chúng tôi muốn lan tỏa là những mảnh gốm vỡ tưởng như bỏ đi nhưng nếu mình biết trân trọng, biết sử dụng và tái tạo lại, những mảnh vỡ này sẽ được “tái sinh” thêm một vòng đời mới và mang lại những điều đẹp, có ý nghĩa cho bản thân và cho cộng đồng”, họa sĩ Quỳnh Liên tâm sự.

img_8988.jpg

Phố nhỏ yêu thương đã được “khoác áo mới”, khang trang và rực rỡ. Đón khách đến chơi nhà, người dân Liên Mạc ai nấy đều phấn khởi và tự hào giới thiệu về tác phẩm của mình - những tác phẩm được làm nên từ sự sáng tạo, đoàn kết của những người dân trong phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biến tường mốc thành con đường gốm sứ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO