Quy hoạch sử dụng đất tích hợp
Quy hoạch sử dụng đất bao gồm: Bổ sung quy hoạch sử dụng đất tích hợp quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Bổ sung quy hoạch vùng, Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chi tiết cấp tỉnh, chi tiết cấp huyện. Đối với cấp tỉnh, phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện là một nội dung của quy hoạch tỉnh.
Quy hoạch sử dụng đất tích hợp dựa trên các công cụ: kết nối hài hòa và liên kết sử dụng đất tích hợp theo liên ngành, liên lĩnh vực, liên khu vực nhằm phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo thích ứng biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học; tạo cơ chế công khai, minh bạch và có sự tham gia của người dân trong việc xây dựng chính sách, quy hoạch, khai thác và giám sát việc sử dụng đất. Quy hoạch sử dụng đất tích hợp là quy hoạch sử dụng đất theo không gian đa chiều, bao gồm mặt đất, tầng ngầm, trên không, và thuộc tính gắn với việc sử dụng đất theo thời gian.
Quy hoạch sử dụng đất tích hợp thể hiện thông tin tọa độ, không gian và bản đồ sử dụng đất tách lớp cho tất cả các loại quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch, bao gồm: Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên cả nước (bao gồm cả 39 quy hoạch ngành quốc gia và 39 quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành)
Khái niệm quy hoạch sử dụng đất tổng thể là phát triển vùng bền vững sẽ mang lại các nhu cầu kinh tế - xã hội được thực hiện trên một khu vực phù hợp với các chức năng sinh thái của nó và kết quả là một trật tự ổn định trên một quy mô lớn. Trong đó, quyền tự thực hiện trong cộng đồng và chịu trách nhiệm cho các thế hệ tương lai sẽ được đảm bảo; Tài nguyên thiên nhiên được bảo vệ và phát triển; Các điều kiện tiên quyết về vị trí cho phát triển kinh tế sẽ được tạo ra; Khả năng sử dụng đất được mở trong dài hạn; Sự đa dạng đặc trưng của từng vùng sẽ được tăng cường; Các tiêu chuẩn sống tương tự sẽ được thiết lập ở tất cả các vùng…
Để thực hiện công tác này, Đức đặt ra nguyên tắc lập quy hoạch sử dụng đất theo vùng. Cụ thể: Hệ thống các khu định cư và không gian mở được cân bằng tốt sẽ được phát triển trong toàn bộ lãnh thổ. Dự phòng phải được thực hiện để duy trì một hệ sinh thái hoạt động trong các khu vực xây dựng và không xây dựng. Cần phải nỗ lực để thiết lập các điều kiện kinh tế, cơ sở hạ tầng, xã hội, sinh thái và văn hóa cân bằng trong các khu vực tương ứng.
Hệ thống không gian mở mở rộng và tích hợp sẽ được duy trì và cải thiện. Tầm quan trọng của không gian mở để sử dụng đất sản xuất, cân bằng nước, động thực vật và khí hậu sẽ được đảm bảo hoặc phục hồi chức năng của chúng.
Cơ sở hạ tầng được hài hòa với hệ thống các khu định cư và không gian mở. Trung tâm đô thị được thành lập như các trung tâm dân cư, sản xuất và dịch vụ. Việc phát triển các khu định cư sẽ được điều chỉnh bởi mục tiêu thiết lập một hệ thống giao thông tích hợp và tạo điều kiện duy trì và mở rộng các không gian mở.
Tại Pháp, để quản lý về không gian ngầm, Chính phủ có chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng xây dựng công trình ngầm |
Quy hoạch sử dụng đất theo không gian đa chiều
Nhiều quốc gia cũng thực hiện quy hoạch sử dụng đất tích hợp là quy hoạch sử dụng đất theo không gian đa chiều, bao gồm mặt đất, tầng ngầm, trên không, và thuộc tính gắn với việc sử dụng đất theo thời gian được xác định bởi các điểm khống chế tọa độ GPS theo quy hoạch phát triển không gian ngầm, quy hoạch sử dụng đất công trình ngầm hoặc quy hoạch xây dựng công trình ngầm được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Công trình ngầm là một phần của không gian ngầm được xây dựng công trình ổn định dưới mặt đất, nhằm phục vụ một mục đích nào đó của con người.
Đăng ký quyền sử dụng đất không gian ngầm và quyền sở hữu công trình ngầm là việc ghi nhận quyền sử dụng đất hợp pháp đối với khối không gian ngầm xác định vào hồ sơ địa chính nhằm xác lập quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không gian ngầm và quyền sở hữu công trình ngầm là Giấy chứng nhận do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cho người sử dụng đất để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.
Đơn cử như tại Pháp, để quản lý về không gian ngầm, Chính phủ có chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng xây dựng công trình ngầm. Trong đó, quy định về bồi thường và trưng dụng không gian dưới lòng đất khi xây dựng công trình tàu điện ngầm: Không gian ngầm dưới lòng đất có độ sâu từ 0 m đến dưới 3 m theo chiều thẳng đứng từ ranh giới đất trong khuôn viên đất của người đang sử dụng đất thì được bồi thường bằng 30% giá đất; Không gian ngầm dưới lòng đất có độ sâu từ 3 m đến dưới 6 m theo chiều thẳng đứng từ ranh giới đất trong khuôn viên đất của người đang sử dụng đất thì được bồi thường bằng 15% giá đất.
Không gian ngầm dưới lòng đất có độ sâu từ 6 m đến dưới 9 m theo chiều thẳng đứng từ ranh giới đất trong khuôn viên đất của người đang sử dụng đất thì được bồi thường bằng 10% giá đất. Không gian ngầm dưới lòng đất có độ sâu đến 30 m theo chiều thẳng đứng từ ranh giới đất trong khuôn viên đất của người đang sử dụng đất thì việc bồi thường bằng 0% giá đất.
Nhà nước giao đất không gian ngầm là việc Nhà nước trao quyền sử dụng đất không gian ngầm bằng Quyết định hành chính cho đối tượng có nhu cầu sử dụng đất để xây dựng. Nhà nước cho thuê đất không gian ngầm là việc Nhà nước trao quyền sử dụng đất không gian ngầm bằng hợp đồng cho đối tượng có nhu cầu sử dụng đất để xây dựng. Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất không gian ngầm và quyền sở hữu công trình ngầm đối với người đang sử dụng đất ổn định là việc Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không gian ngầm và quyền sở hữu công trình ngầm lần đầu cho người đó.