Qua 6 năm, Bình Định đã có 367 công trình (tổng kinh phí hơn 531,8 tỉ đồng) được đầu tư triển khai trên địa bàn 3 huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão từ nguồn vốn Nghị quyết 30a. Những công trình trọng điểm thiết yếu về điện, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, y tế, giao thông… đã thật sự làm vùng cao của tỉnh bừng thêm sức sống mới.
Tròn 40 năm quê hương giải phóng, bà con Bana ở làng Kon Trú (xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh) hân hoan đón điện lưới quốc gia về làng. Sau con đường bê tông vượt núi dẫn “phố” về làng, những cột điện bê tông vững chắc với cánh tay xà sứ vươn ra đón sợi cáp điện tiếp tục trở thành một niềm tự hào của người dân ở bản vùng cao này. Một luồng sinh khí mới đang phả lên mảnh đất này.
Ông Đinh Văn Nghép, Bí thư làng Kon Trú, chia sẻ trong vui mừng: "Bây giờ làng đổi thay, khang trang lắm rồi. Những năm qua, nhờ vào chính sách của Đảng, Nhà nước, Kon Trú được hỗ trợ định canh định cư, được mở đường về làng, có điện thắp sáng... Đời sống vật chất, tinh thần của bà con cũng theo đó mà được nâng cao lên”.
Nhiều làng vùng cao khác cũng có những đổi thay, ở “cổng trời” Canh Liên, huyện Vân Canh, kỳ tích về điện, đường đã mở ra nhiều niềm vui lớn. Con đường bê tông vững chãi nối từ huyện về trung tâm xã là “giấc mơ có thật” nhiều năm qua. Ngay sau đó, đường bê tông tiếp tục trải khắp 4/8 làng của xã, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con Bana nơi đây đi lại, làm ăn phát triển kinh tế. Hơn thế, các công trình về nước sạch, trường học cũng đã phần nào thu ngắn khoảng cách về cơ sở hạ tầng giữa xã vùng cao và các xã đồng bằng.
Bên cạnh đầu tư về cơ sở hạ tầng, nhiều chính sách về hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm của Nghị quyết 30a đã đi vào cuộc sống, giúp người dân địa phương ổn định cuộc sống, tăng thu nhập. 4.404 hộ dân được thụ hưởng chính sách khoán chăm sóc, bảo vệ rừng và giao đất để trồng rừng sản xuất với 51.395ha. Nhằm đảm bảo lương thực, chính sách khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang để sản xuất nông nghiệp đã được đẩy mạnh. Làng Đak Chum (xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh) được hỗ trợ khai hoang tạo ruộng lúa nước. Người dân xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) được hỗ trợ khai hoang tạo ruộng bậc thang. 85 hộ dân huyện An Lão đã có 4.573 ha đất sản xuất nhờ vào chính sách này.
Đến cuối năm 2014, tỉ lệ hộ nghèo 3 huyện còn 40,26%, trung bình mỗi năm giảm từ 4 đến 5%.
Đáng nói, nhận thức của người dân, đặc biệt là hộ nghèo dân tộc thiểu số trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến, từng bước đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.