Thông tin với PV, lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế xác nhận, đơn vị vừa phối hợp với Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh cùng các đơn vị liên quan tổ chức đấu giá quyền khai thác mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh đợt 1 năm 2020.
Theo kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2020 ở Thừa Thiên Huế, có 37 khu vực mỏ khoáng sản được đưa ra đấu giá gồm: Đất sét làm gạch ngói 10 khu vực; Đất làm vật liệu san lấp 13 khu vực. Cát, sỏi làm vật liệu xây dựng 7 khu vực. Cát nội đồng 1 khu vực; Đá làm vật liệu xây dựng thông thường 5 khu vực; Than bùn 1 khu vực.
Việc đấu giá khoáng sản diễn ra công khai, minh bạch |
Trên cơ sở đó, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt phương án đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn đợt 1 năm 2020, với 23 khu vực. Sau khi đấu giá công khai, minh bạch, kết quả có 18 khu vực mỏ được đấu giá thành công, với tổng số tiền đấu giá là hơn 99 tỉ đồng. Cụ thể:
Khu vực khoáng sản cát nội đồng làm vật liệu xây dựng thông thường tại xã Phong Hiền (huyện Phong Điền), diện tích 20,4ha; Khai thác khoáng sản cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường bãi bồi Cặp Đồng Mụ Nọ và bãi bồi Đội 4 Tân Mỹ (xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền), tổng diện tích 13,2ha; Khai thác khoáng sản đất sét làm gạch ngói tại xã Phong Thu (huyện Phong Điền), diện tích 17ha. Khai thác khoáng sản cát sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường tại bãi bồi thôn Lê Lộc 1 (xã Hồng Bắc, huyện A Lưới và bãi bồi thôn A Sóc (xã Hồng Bắc, huyện A Lưới), diện tích 5,55ha.
Khai thác khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại thượng nguồn Khe Băng (xã Hương Bình, thị xã Hương Trà), diện tích 10ha; Khai thác khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại vị trí liền kề mỏ đá Khe Đáy (phường Hương Vân, thị xã Hương Trà), diện tích 4ha; Khai thác đất làm vật liệu san lấp tại khu vực Dòng (thôn Hòa An, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà), diện tích 10ha; Khai thác đất làm vật liệu san lấp tại thôn Xuân Phú (xã Hương Phú, huyện Nam Đông), diện tích 10ha.
Khai thác đất làm vật liệu san lấp tại xã Lộc Bổn (huyện Phú Lộc), diện tích 20ha; Khai thác đất làm vật liệu san lấp tại xã Lộc Sơn (huyện Phú Lộc); diện tích 10ha; Khai thác đất làm vật liệu san lấp tại Cụm 2 (thị trấn A Lưới, huyện A Lưới), diện tích 10,6ha; Khai thác đất làm vật liệu san lấp tại Đồi Kiền Kiền (xã Phong Thu, huyện Phong Điền), diện tích 10ha; Khai thác đất làm vật liệu san lấp tại đồi Tróc Voi 3 (phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, khu vực 1), diện tích 14,91ha. Khai thác đất làm vật liệu san lấp tại đồi Tróc Voi 3 (phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, khu vực 2), diện tích 13,17ha.
Có thêm 18 vị trí được quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản tại Huế |
Khai thác đất sét làm gạch ngói tại xã Lộc Bổn 2 (huyện Phú Lộc), diện tích 6ha; Khai thác đất sét làm gạch ngói tại xã Lộc Hòa (huyện Phú Lộc), diện tích 15ha; Khai thác đất sét làm gạch ngói tại xã Phong An (huyện Phong Điền), diện tích 11,6ha; Khai thác khoáng sản than bùn tại xã Phong Chương (huyện Phong Điền), diện tích 3,3ha.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Mạnh Đại Lân - Trưởng phòng Quản lý Tài nguyên - Sở TN&MT Thừa Thiên Huế cho hay, việc đấu giá khoáng sản sẽ là cơ sở quan trọng, tạo sân chơi minh bạch cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, tăng hiệu quả kinh tế, phục vụ các dự án trọng điểm trên địa bàn cũng như giảm thiểu tác động đến môi trường...
Được biết, dự báo thời gian đến tại Thừa Thiên Huế, tổng nhu cầu các công trình dự kiến cần khoảng 10 triệu m3 đất san lấp. Riêng dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn cần khoảng 4 triệu m3 giai đoạn 2020 - 2021; dự án mở rộng nhà ga T2 sân bay Phú Bài khoảng 1 triệu m3 năm 2020. Đây là những dự án quan trọng của quốc gia, có nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, Khu hành chính tập trung tỉnh (tại khu đô thị mới An Vân Dương) cần khoảng 300 nghìn m3 đất, hạ tầng 6 khu định cư còn lại trong tổng số 8 khu định cư ở phía Bắc Hương Sơ thuộc đề án di dời dân cư khỏi khu vực 1 Kinh thành Huế rộng khoảng 10ha cũng cần thêm vài triệu m3 đất san lấp... Vì vậy, việc cấp các mỏ đất mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi để đáp ứng đủ công suất cho các dự án.