Sáng 24/2, tại TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị.
Về phía các cơ quan Trung ương có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương; Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai; Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Trần Hồng Nguyên…
Về phía tỉnh Quảng Bình, có Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng; đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh Quảng Bình. Về phía các địa phương khác thuộc khu vực miền Trung, có Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Quang Nam; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Đệ; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hồ Thị Phương Thảo. Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà.
Xây dựng dự án Luật có tầm nhìn xa, sức sống dài
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, trong thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ xác định việc thể chế hoá Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Trung ương về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” để hoàn thiện Luật Đất đai (sửa đổi). Đây sẽ kỳ vọng thành một bộ luật được người dân trông đợi, bộ luật giải quyết được những vấn đề khó khăn, vướng mắc hiện nay của các địa phương, bộ luật có tầm nhìn xa, sức sống dài, có tính khả thi, giải phóng được nguồn lực đất đai là nhiệm vụ chung, quan trọng.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định rằng việc sớm đưa Luật Đất đai (sửa đổi) vào thực tiễn sẽ tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc của các địa phương, doanh nghiệp hiện nay đồng thời giải phóng được nguồn lực về đất đai hỗ trợ quyền lợi chính đáng cho người dân.
Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị, tại Hội nghị Lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại khu vực Bắc Trung Bộ, các đại biểu tham dự sẽ cùng nhau trao đổi, đưa ra những ý kiến đóng góp cụ thể, xác thực, tới từng Chương, Mục, Điều khoản để dự án Luật vừa phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của vùng vừa xây dựng nhiều chính sách trong Luật thống nhất với các dự án Luật khác đồng thời có tầm nhìn xa, dài hạn và khi triển khai trong thực tiễn người dân áp dụng thực hiện dễ dàng.
Phó Thủ tướng gợi ý các đại biểu một số vấn đề cụ thể cần trao đổi, góp ý sâu hơn nữa. Thứ nhất là phải làm rõ, cụ thể về khái niệm, chủ thể “Nhà nước”, “toàn dân” để từ đó quy định quyền hạn, trách nhiệm, phân cấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng đất đai một cách hợp lý, trong đó cần hết sức lưu ý vai trò cấp xã, phường.
Thứ hai là đánh giá tính đồng bộ, thống nhất giữa hệ thống quy hoạch đất đai với quy hoạch các ngành, địa phương theo quy định trong dự thảo Luật Đất đai.
Thứ ba là tính khả thi, toàn diện của các quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về thu thập, xây dựng dữ liệu giá đất, khuyến khích người dân công khai giá đất giao dịch… nhằm khắc phục tình trạng định giá đất đang rất chậm trễ ở các địa phương dù đang có tới 5 phương pháp định giá đất.
Thứ tư là các chính sách về thu hồi, giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư trong dự thảo Luật Đất đai đã phù hợp với thực tiễn, tháo gỡ được những khó khăn trong thực hiện chuyển dịch đất đai, từ nông nghiệp sang công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch đến đâu, còn vấn đề gì cần đẩy mạnh hơn nữa như: Tách khâu giải phóng mặt bằng, tái định cư thành những dự án riêng nhằm triển khai đồng bộ với dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Thủ tướng chia sẻ, vừa qua, khi ông đi khảo sát các đoạn tuyến cao tốc Bắc – Nam, nhiều địa phương đã làm rất tốt công tác tạo quỹ đất, xây khu tái định cư đồng thời với thi công tuyến đường nên người dân rất phấn khởi, ủng hộ.
“Từ một con đường đã hình thành một khu đô thị mới có hạ tầng đầy đủ, đồng bộ, hiện đại”, Phó Thủ tướng nói và mong muốn các địa phương làm tốt tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay. Bên cạnh đó, các ý kiến cần đóng góp về những chính sách mới đặt ra như: Sử dụng đất đa mục tiêu, hình thức trả tiền thuê đất hàng năm, tập trung đất nông nghiệp sản xuất quy mô lớn,…
Tại hội nghị, đại biểu các tỉnh, thành phố đã báo cáo về kết quả lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), một số ý kiến đóng góp dự thảo luật của các tầng lớp nhân dân, những vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Đại diện các bộ, ngành, địa phương cũng đã góp ý cụ thể vào từng chương, mục, điều khoản của dự thảo Luật; những kiến nghị sửa đổi các điều luật cụ thể đến Ban soạn thảo dự án luật; những khó khăn vướng mắc từ thực tế địa phương.
Các địa phương cho rằng, thời gian thảo luận, lấy ý kiến của người dân hơi ngắn, khó có thể tìm hiểu kỹ, thống nhất trong nhân dân.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh: Khắc phục các điểm còn chồng chéo, mâu thuẫn trong Dự thảo Luật Thực tiễn cho thấy có một số nội dung bất cập không chỉ liên quan đến Luật Đất đai mà còn liên quan đến các Luật khác, do vậy, kiến nghị Chính phủ, Bộ TN&MT xem xét chỉ đạo trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Luật và các Văn bản quy phạm dưới luật.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Đệ đề nghị bổ sung làm rõ trường hợp nào phải được HĐND tỉnh thông qua danh mục công trình, khu vực thu hồi đất; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến phát biểu về nội dung nghiên cứu bỏ giá đất cụ thể; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hồ Thị Nguyên Thảo, qua nhiều lần, tiếp thu, giải trình, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã điều chỉnh, giải quyết được rất nhiều vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn về thẩm quyền giao đất, thu hồi đất, căn cứ định giá đất, cho thuê đất hàng năm theo hướng mở rộng phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ cụ thể…
Hội nghị cũng nghe thêm ý kiến của lãnh đạo Sở TN&MT của các địa phương là lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan trung ương. Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân, đại diện các bộ: Tài chính, Tư pháp, Xây dựng đã trao đổi trực tiếp về một số vấn đề, vướng mắc cụ thể trong công tác quản lý đất đai được các địa phương nêu ra tại hội nghị về định giá đất, giao thuê đất; góp ý vào những điều khoản, thuật ngữ, quy định mới cần điều chỉnh, bổ sung trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bảo đảm tương thích với các luật liên quan…
Tạo chính sách công bằng về đất đai cho mọi tầng lớp nhân dân
Đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng công tác lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của các địa phương, Phó Thủ tướng cho rằng công tác lấy ý kiến đang được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, xuống đến khu phố, khu dân cư, sát với từng đối tượng, để ghi nhận sự đánh giá, phản biện, góp ý của từng người dân, tổ chức. Nhiều bộ ngành cũng tổ chức lấy ý kiến sát với tinh thần của Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ…
“Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức lấy ý kiến các tổ chức thành viên của mặt trận ở các cấp cho đến tận người dân; nhiều bộ ngành cũng hết sức quan tâm, triển khai lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị trực thuộc, ngành dọc… một cách thực chất, khoa học, dân chủ, tập hợp trí tuệ rộng rãi của nhân dân, doanh nghiệp, các nhà khoa học, các nhà quản lý. Đây là hoạt động, sự kiện trung tâm pháp lý của Quốc hội, Chính phủ trong nhiệm kỳ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng, những ý kiến đóng góp sát với thực tiễn, những vấn đề đang đặt ra, có nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện quản lý, đất đai tại địa phương như phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan nhà nước, hệ thống chính trị cũng như quyền lợi, nghĩa vụ của nhân dân trong sở hữu đất đai, và cần tăng cường tuyên truyền để người dân có nhận thức đúng đắn về vấn đề này; đồng thời, bảo đảm sự thống nhất trong các luật về tổ chức Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương… với Luật Đất đai nhằm xác định rõ trách nhiệm của các cấp quản lý, trên cơ sở đó thực hiện cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai;
Bên cạnh mối quan hệ giữa quy hoạch đất đai với các quy hoạch tổng thể, quốc gia, ngành, địa phương bảo đảm sự phối hợp thống nhất, Phó Thủ tướng cho rằng phải giải quyết mối quan hệ kế hoạch sử dụng đất đai giữa cấp tỉnh (5 năm) với cấp huyện (thực hiện hàng năm), giữa cấp huyện với cấp xã, làm cơ sở phân bổ chỉ tiêu đất đai.
Về vấn đề định giá đất, Phó Thủ tướng lưu ý phải xác định trong điều kiện ổn định bình thường với những cơ chế thu thập dữ liệu giao dịch đất đai thường xuyên, kế thừa các phương pháp định giá cụ thể khác như so sánh, thặng dư, hiệu quả kinh doanh, định giá đất theo hệ số... “Cần có nghiên cứu cơ bản để có “bức tranh” đầy đủ về phương pháp định giá đất, nhằm hài hoà, điều tiết lợi ích giữa các khu vực; có cơ chế kiểm soát hiệu quả về chính sách giá đất, hỗ trợ, đền bù để bảo đảm quyền lợi của người dân”, Phó Thủ tướng nói.
Ghi nhận các ý kiến về công tác đền bù, hỗ trợ, tái định cư, Phó Thủ tướng cho rằng chuyển đổi đất đai song hành với chuyển đổi kinh tế, mục tiêu là mỗi dự án khi triển khai thì các chủ thể liên quan phải được hưởng lợi, trong đó người dân phải có mức sống, sinh kế tốt hơn.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng cũng trao đổi và yêu cầu cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến về phương thức tạo quỹ đất sạch; công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình; Phó Thủ tướng cũng khẳng định Đảng, Nhà nước luôn tạo ra chính sách công bằng về đất đai cho đồng bào dân tộc, thiểu số, các tổ chức, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng…
Bên cạnh việc tổ chức nhiều hình thức tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, người dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan báo chí tăng cường đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về việc triển khai lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương hết sức đa dạng, kỹ lưỡng, bài bản, sâu rộng, toàn diện, thiết thực. Qua đó đánh giá năng lực tiếp thu, lắng nghe ý kiến, trí tuệ của nhân dân; đồng thời quán triệt, phổ biến chủ trương của Đảng thông qua Nghị quyết 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".