Tăng lương cho người lao động: Người ngóng, người lo

24/07/2019 15:13

(TN&MT) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Tại dự thảo, Bộ này đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2020 tăng từ 150.000 - 240.000 đồng/tháng có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Câu chuyện tăng lương định kỳ hàng năm luôn là điều mong mỏi của đại đa số người lao động song nó cũng làm nhiều doanh nghiệp “tâm tư” lo lắng.

ảnh minh họa
Ảnh minh họa 

… Doanh nghiệp lo áp lực chi phí 

Bình luận về quyết sách tăng lương cơ bản hàng năm như hiện nay, TS. Nguyễn Minh Phong chia sẻ: Tăng lương góp phần bình đẳng hơn mức thu nhập giữa các bộ phận người lao động trong xã hội. Dễ dàng thấy rằng tăng lương là tốt đối với người nhận lương, nhưng luôn có tác động đa chiều và nhiều hệ lụy mặt trái về chi phí và sức cạnh tranh, ổn định tài chính vĩ mô và vi mô, cũng như công bằng xã hội. Doanh nghiệp lo lắng tăng lương sẽ phải cõng thêm hàng loạt chi phí. Mỗi lần tăng lương tối thiểu là chi phí nhân công tăng theo do doanh nghiệp phải bù thu nhập cho những người lao động mới tuyển, tay nghề yếu, những người khả năng lao động có hạn; phải tăng các khoản trích nộp bảo hiểm, kinh phí công đoàn… vì lương tối thiểu là căn cứ để xác định mức lương khởi điểm trong hệ thống thang, bảng lương theo quy định của Chính phủ.

Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp cho biết, trong khi công nhân sống tằn tiện với mức lương hiện tại, các doanh nghiệp cũng phải “đau đầu” để cân đối các khoản chi phí. Đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam - ngành có số lượng công nhân đông nhất nước cho hay: Tăng lương tối thiểu là một bài toán khó cho các doanh nghiệp. Đây không chỉ là vấn đề lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam mà với tất cả các nước trong khu vực vì nó gắn liền với năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo đại diện của Hiệp hội này, chỉ trong khoảng 5 năm trở lại đây, chi phí tiền lương của các doanh nghiệp dệt may ở Việt Nam đã tăng thêm từ 28 - 30%; thêm vào đó giá nguyên liệu tăng cao khiến chi phí sản xuất một số sản phẩm tăng thêm tới 46%. Trong khi đó, giá bán không được phép tăng vì phải cạnh tranh với nhiều quốc gia khác, thậm chí có khách hàng còn yêu cầu phải giảm giá thành mới tiếp tục thu mua. Để duy trì khả năng cạnh tranh của ngành Dệt may, một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, các doanh nghiệp ngành Dệt may cho rằng, chưa nên điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2010, hoặc nếu tăng sẽ chỉ ở mức 1 - 2%. 

Ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn cho rằng, quy định tăng lương tối thiểu nghĩa là doanh nghiệp phải trả thêm chi phí cho mức năng suất, sản lượng như cũ, làm tăng giá thành sản phẩm đồng nghĩa với giảm khả năng cạnh tranh. Việc tăng lương mà không có giải pháp tăng năng suất, tăng lương nhưng không tạo điều kiện để doanh nghiệp tăng trưởng thì hệ quả lâu dài là doanh nghiệp không tồn tại được, người lao động mất việc làm sẽ kéo theo nhiều vấn đề xã hội khác. 

Người lao động luôn ngóng tăng lương…

Trái ngược với mối lo ngại của hầu hết các doanh nghiệp, người lao động vẫn trong tình trạng thấp thỏm vì lương không đủ trang trải cuộc sống. Bà Bùi Phương Chi, Trưởng phòng Công tác giới - Ban nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, kết quả khảo sát mới đây của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, tiền lương tiếp tục là vấn đề gây bức xúc đối với người lao động. Có tới 25,7% người lao động cho rằng, mức lương hiện nay còn thấp so với nhu cầu cơ bản của cuộc sống, không đủ để trang trải cho các chi phí cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày. Do vậy, 88% công nhân phải đi làm thêm giờ để tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống.

Chị Hoàng Thị Hiệp, công nhân phân xưởng may, Công ty CP May Hưng Yên (Hưng Yên) cho biết, sau 25 năm làm công nhân, lương cơ bản của chị hiện được 4,6 triệu đồng/tháng. Nếu làm tăng ca, làm đêm, tổng thu nhập của chị cũng chỉ hơn 7 triệu đồng/tháng. Chị Hiệp cũng cho biết thêm, mức lương cơ bản hiện tại của hai vợ chồng, không đủ để trang trải chi phí cho sinh hoạt gia đình khi hai con nhỏ còn trong tuổi ăn học. Các khoản phí khác như học hành, sách vở, quần áo của các con phải tiêu vào khoản thu nhập từ làm thêm mới đủ. “Chúng tôi rất mong nhà nước xem xét tăng lương cho người lao động như chúng tôi được đủ sống bằng lương để chúng tôi yên tâm cống hiến” - Chị Hiệp chia sẻ.

Tại phiên họp thứ hai của Hội đồng tiền lương quốc gia đã thống nhất với mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 bình quân 5,5%. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho hay, thông thường đại diện cho người lao động bao giờ cũng mong muốn cải thiện đời sống cho người lao động nên các mức đề xuất bao giờ cũng lạc quan. Về phía đại diện người sử dụng lao động, bên cạnh việc mong muốn cải thiện đời sống của người lao động, họ còn mong muốn có dư địa để doanh nghiệp phát triển. Mức tăng 5,5% là hài hòa lợi ích giữa các bên.

Phân tích kỹ hơn về điều này, ông Doãn Mậu Diệp cho hay, theo khảo sát của bộ phận kỹ thuật Hội đồng tiền lương quốc gia, với mức tăng bình quân 5,3% năm 2019, lương tối thiểu đã đáp ứng được khoảng 95% nhu cầu sống tối thiểu. Cho nên, mức điều chỉnh lương tối thiểu thêm 5,5% vừa bảo đảm lương thực tế có cải thiện, vừa bảo đảm khả năng chi trả của doanh nghiệp, tương ứng với mức tăng năng suất lao động và bảo đảm yêu cầu của Nghị quyết 27.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng lương cho người lao động: Người ngóng, người lo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO