Xã hội

Nhiều ý kiến đề xuất tháo gỡ chế độ chính sách của giáo viên

Mai Đan 15/08/2023 - 12:38

(TN&MT) - Sáng 15/8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gặp gỡ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên. Tại chương trình, đã có nhiều giáo viên đề xuất Bộ xem xét các chế độ chính sách đối với giáo viên.

nvm_5667.jpg
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại chương trình

Tham dự chương trình còn có các Thứ trưởng: Phạm Ngọc Thưởng, Ngô Thị Minh; lãnh đạo Công đoàn Giáo dục Việt Nam; lãnh đạo các cục, vụ thuộc Bộ GD&ĐT; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố, các sở, ngành, Công đoàn Giáo dục, các phòng GD&ĐT; cùng với sự tham dự trực tuyến kết hợp trực tiếp của 700.000 giáo viên mầm non, phổ thông.

Đây là dịp để Bộ trưởng thông tin về tình hình của ngành; chia sẻ, động viên đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên các đơn vị, trường học, cơ sở giáo dục trong cả nước chuẩn bị năm học mới. Đồng thời qua Chương trình, Bộ trưởng lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn của nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên trong quá trình thực hiện đổi mới giáo dục hiện nay; giúp việc định hướng chính sách phù hợp để phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành GD-ĐT và thực hiện thành công đổi mới GD-ĐT.

Hơn 6.500 câu hỏi gửi đến Bộ GD&ĐT

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Đây là cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ GD&ĐT, các cục, vụ với toàn thể nhà giáo; để gần nhau hơn, để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, cùng chia sẻ để tăng thêm sức mạnh chung.

ntd_0272.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và các Thứ trưởng: Phạm Ngọc Thưởng, Ngô Thị Minh; ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam; Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức chủ trì chương trình

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Ngành Giáo dục đang triển khai những việc rất lớn, rất khó. Có việc khó tựa như rời non, lấp bể. Để làm việc khó phải đồng tâm, hiệp lực. Việc càng khó, càng lớn, càng phải hiệp lực, đồng tâm. Cả triệu người cùng nhìn về một phía thì khó mấy, lớn mấy chúng ta cũng làm được”.

Với hơn 6.500 câu hỏi được gửi bằng nhiều nguồn khác nhau, không thể trả lời hết trong một buổi, Bộ trưởng cho biết ngoài các vấn đề được trao đổi trực tiếp tại buổi gặp gỡ, sẽ chỉ đạo các cục, vụ tiếp tục phân tích câu hỏi và có cách trả lời theo từng chủ đề phù hợp; quan trọng hơn là lắng nghe ý kiến để có những điều chỉnh về mặt chính sách.

nvm_5735.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam báo cáo 

Báo cáo tổng hợp ý kiến của giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên các cơ sở giáo dục, ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết: Rất nhiều ý kiến phản ánh về thực trạng việc tổ chức dạy học và giáo dục học sinh theo những chỉ đạo đổi mới của ngành trong thời gian qua đã thu được những kết quả nổi bật trên nhiều phương diện.

Giáo viên nỗ lực cố gắng nâng cao năng lực ứng đáp với yêu cầu đặt ra. Các trường học, các cơ sở giáo dục khắc phục khó khăn, tích cực thực hiện xã hội hóa, tận dụng các nguồn đầu tư để xây dựng cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc, đổi mới phương thức quản trị điều hành, cách thức quản lý chuyên môn theo hướng dân chủ, tập trung, hướng tới nâng cao chất lượng hiệu quả công việc của mỗi cá nhân. Các tổ chức đoàn thể có nhiều hỗ trợ, tài trợ, động viên nhà giáo yên tâm công tác, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Cũng có nhiều ý kiến tán thành và bày tỏ sự cảm kích về việc tổ chức chương trình “Bộ trưởng gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục”. Theo đó, đây là cơ hội để giáo viên được biết rõ, được hiểu thêm một cách chính thống các thông tin về công việc, các quan điểm chỉ đạo của ngành, các lý giải về khoa học giáo dục trong tiến trình đổi mới.

Đặc biệt, nhiều giáo viên hy vọng chương trình tạo cơ hội cho giáo viên cả nước hiểu biết thêm về cách làm mới, cách làm hay, những sáng tạo của đồng nghiệp trong quá trình đối mặt với những thách thức, khó khăn của đổi mới giáo dục, trước những yêu cầu của xã hội, trong bối cảnh đa dạng hóa thông tin như hiện nay.

Nhiều ý kiến phản ánh thực trạng việc tổ chức dạy học và quản lý ở các cơ sở trường học hiện nay; các chế độ chính sách liên quan đến đời sống việc làm; những khó khăn bất cập, những đề xuất giải quyết, tháo gỡ và những câu hỏi đặt ra với Bộ trưởng.

Nhiều giáo viên đề xuất tăng lương và dạy thêm

Phát biểu tại buổi gặp gỡ, thầy Đinh Văn Hải, giáo viên mầm non xã Tú Nang, huyện Yên Châu (Sơn La) cho biết thời gian qua, do vừa trải qua Covid-19 và tình hình kinh tế khó khăn, cùng với đó, giá cả nông sản, tiền điện, tiền nước tăng khiến cuộc sống của giáo viên vùng cao gặp 1 số khó khăn về thu nhập trang trải cuộc sống.

Thầy Hải cho hay: "Lương giáo viên bây giờ chưa đáp ứng được chi tiêu trong cuộc sống. Thời gian giảng dạy nhiều, nên không có cơ hội làm thêm việc khác để tăng thu nhập. Tôi mong muốn Bộ trưởng kiến nghị xem xét tăng lương cho giáo viên".

Cô Vì Thu Trang, giáo viên tiểu học - THCS xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình chia sẻ: Những năm qua, các trường học thuộc nông thôn của tỉnh gặp không ít khó khăn trong việc tổ chức giảng dạy, do địa bàn có địa hình đồi núi hiểm trở, đường sá đi lại khó khăn. Cùng với đó, chính sách tiền lương và trợ cấp còn thấp nên không đáp ứng được chi phí sinh hoạt cuộc sống.

Cô Trang cho biết: "Từ khi đến công tác tại trường, tôi phải di chuyển quãng đường dài đến giảng dạy cho các em ở đây. Đường đi lại xa, nên tôi phải ăn ngủ tại trường. Cứ cuối tuần nghỉ dạy về nhà, tôi phải ra chợ mua nhu yếu phẩm lên trường để bảo đảm sinh hoạt trong 6 ngày. Tôi rất yêu nghề dạy học, tuy nhiên lương và trợ cấp chưa cao. Tôi mong muốn nhà nước mở cơ chế và cho giáo viên dạy thêm. Qua đó, có thể giúp giáo viên có thêm thu nhập".

Cũng tại Hòa Bình, cô Nguyễn Thị Hoà, giáo viên Tiếng Anh Trường tiểu học - THCS TP. Hoà Bình bày tỏ: "Lương giáo viên hiện nay thấp, nếu chưa có chế tăng lương thì nên tạo điều kiện cho giáo viên dạy thêm. Hiện, có 1 số trung tâm Anh ngữ ở thành phố cần giáo viên có chuyên môn nghiệp vụ giảng dạy cho các con. Nếu có cơ chế thuận lợi, sẽ giúp chúng tôi tăng nguồn thu để ổn định kinh tế gia đình".

Tương tự, cô Lưu Trương Kim Tuyền - Giáo viên Trường Tiểu học Nghĩa Lộ, thành phố Quảng Ngãi cho rằng lương và phụ cấp của nhà giáo thấp so với mặt bằng chung, do đó dẫn đến tình trạng giáo viên khó yên tâm công tác; nhiều giáo viên bỏ việc. Cô Tuyền kiến nghị Bộ GD&ĐT tham mưu Chính phủ có chính sách hỗ trợ nâng cao thu nhập cho đội ngũ giáo viên đảm bảo cuộc sống.

nvm_5767.jpg
Quang cảnh sự kiện

Tại điểm cầu Hải Phòng, cô Nguyễn Thị Thu Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền cho rằng mong mỏi lớn nhất của thầy cô là được Bộ trưởng tháo gỡ về chế độ chính sách như chính sách tiền lương, hưởng lương theo bằng cấp; có cơ chế để giáo viên có thể được làm thêm bằng chính nghề của mình.

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn sẽ gặp gỡ giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên của các đại học, trường đại học.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều ý kiến đề xuất tháo gỡ chế độ chính sách của giáo viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO