Sơn Tây (Quảng Ngãi): Phát triển rừng bền vững ứng phó BĐKH
(TN&MT) - Nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, huyện miền núi Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi đã và đang tập trung đẩy mạnh bảo vệ và phát triển diện tích rừng bền vững.
Rừng giữ một vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện miền núi Sơn Tây, vừa tạo nguồn sinh thủy cung cấp nước và phòng hộ, vừa bảo vệ cảnh quan, môi trường, giảm biến đổi khí hậu và cung cấp nguyên liệu gỗ, lâm sản phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Đồng bào Sơn Tây chủ yếu sống dựa vào nghề rừng. Do vậy, tại nhiều xã ở Sơn Tây hiện nay không những phát triển mạnh rừng nguyên liệu, rừng lấy gỗ mà còn thực hiện bảo vệ chặt chẽ những khu rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ.
Để ứng phó với biến đổi khí hậu khắc nghiệt và thực trạng khai thác gỗ trái phép, nạn phá rừng làm nương, rẫy... ảnh hưởng cuộc sống người dân và môi trường thiên nhiên, Huyện ủy Sơn Tây đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Bảo vệ và phát triển rừng bền vững; phục sinh các nguồn nước; bảo vệ môi trường sinh thái, môi trường cuộc sống cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Trân, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, qua 5 năm triển khai thực hiện, công tác bảo vệ và phát triển rừng được tăng cường, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng đã hạn chế đáng kể; công tác bảo vệ và phục sinh các nguồn nước, giữ vệ sinh môi trường trong đời sống cộng đồng dân cư được quan tâm thực hiện, các nguồn nước từng bước được quản lý và bảo vệ; ý thức của người dân trong việc chăn nuôi có chuồng trại, làm nhà tiêu hợp vệ sinh được nâng lên; vệ sinh môi trường ở các khu dân cư được cải thiện...
Thời gian tới, Sơn Tây tiếp tục đẩy mạnh công tác giao rừng gắn với giao đất cho người dân, cộng đồng để quản lý bảo vệ và hưởng lợi; Thực hiện mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng để bảo vệ rừng và tăng thu nhập kinh tế từ rừng... đẩy mạnh tuyên truyền về quản lý bảo vệ rừng tới tận thôn bản, người dân.
Đặc biệt, đẩy mạnh việc trồng rừng thay thế, trồng cây phân tán theo kế hoạch hàng năm, trồng bổ sung cây xanh (trồng dặm thay thế cây chết, cây chậm phát triển); tích cực vận động nhân dân được giao đất rừng thực hiện các mô hình trồng cây dược liệu, cây nguyên liệu phù hợp với điều kiện sinh trưởng dưới tán rừng và thổ nhưỡng của từng địa bàn xã, nâng cao giá trị kinh tế rừng, tạo thu nhập ổn định cho người dân, góp phần phát triển rừng bền vững.
Khuyến khích trồng cây phát triển rừng, phục hồi rừng tái sinh, thảm thực vật, phụ hồi các giống cây có khả năng lưu giữ ẩm lưu vực đầu các nguồn nước để khắc phục tình trạng thiếu nước trong mùa khô.
Thực hiện tốt các chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng gắn với công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm vi phạm; tăng cường quản lý bảo vệ rừng bền vững; gắn mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn với hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, ổn định việc làm cho người chăm sóc, bảo vệ rừng.