COP29 kết thúc với thoả thuận về tài chính
Tại phiên họp thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29), các quốc gia phát triển đã cam kết đóng góp 300 tỷ USD mỗi năm và hướng tới mục tiêu tài tăng khoản trợ chung cho khí hậu đạt "ít nhất 1,3 nghìn tỷ USD vào năm 2035".
Cam kết được đưa ra trong phiên họp cuối cùng, kéo dài tới rạng sáng ngày 24/11 (giờ địa phương) tại Baku (Azerbaijan). Đây là một phần nỗ lực thúc đẩy các công cụ tài chính triển khai các cam kết về net zero.
Cũng tại Hội nghị, các quốc gia cũng đã nhất trí về các quy tắc cho một thị trường carbon toàn cầu. Thị trường này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch tín chỉ carbon, khuyến khích các quốc gia giảm phát thải và đầu tư vào các dự án thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, COP29 cũng khép lại với nhiều tiến bộ, bao gồm việc mở rộng chương trình tập trung vào giới và biến đổi khí hậu; và thỏa thuận hỗ trợ các nước kém phát triển nhất thực hiện các kế hoạch thích ứng quốc gia.
Hội nghị thượng đỉnh này được gọi là 'COP tài chính khí hậu' và đại diện từ tất cả các quốc gia đang tìm cách thiết lập một mục tiêu tài chính khí hậu mới, cao hơn.
Mục tiêu, còn được biết đến là mục tiêu định lượng tập thể mới (NCQG), sẽ thay thế mục tiêu huy động nguồn vốn trị giá 100 tỷ USD, sắp hết hạn vào năm 2025, cho các hành động khí hậu.
Kết quả đầy tham vọng
Chia sẻ về kết quả đạt được tại COP29, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho biết, việc đạt được thoả thuận tài chính tại Hội nghị là bước đi cần thiết để thế giới bảo đảm mục tiêu giới hạn mức nhiệt tăng toàn cầu dưới 1,5 độ C tính đến cuối thế kỷ. Tuy nhiên, người đứng đầu Liên hợp quốc kỳ vọng về một kết quả tham vọng hơn cả về mặt tài chính và nỗ lực giảm thiểu tác động từ khí hậu “để đáp ứng thách thức lớn mà chúng ta đang phải đối mặt”.
Dù vậy, thoả thuận tài chính tại COP29 sẽ là một “cơ sở cho việc xây dựng và triển khai thêm nhiều thoả thuận khác”.
“Các quốc gia cần tôn trọng thoả thuận này một cách đầy đủ và thực hiện cam kết đúng thời hạn”, ông Guterres lưu ý.
Đối với nhiều quốc gia dễ bị tổn thương, thoả thuận mang đến một một tia hy vọng. Tuy nhiên, các cam kết cần được chuyển thành hành động để đạt được hiệu quả thật.
“Các quốc gia cần nhanh chóng chuyển cam kết thành tiền mặt”, Tổng thư ký nhấn mạnh, kêu gọi tất cả các quốc gia cùng nhau làm việc để đạt được mục tiêu cao nhất trong mục tiêu tài chính mới đề ra.
Ngoài vấn đề tài chính, chương trình nghị sự tại COP29 cũng tiếp tục thảo luận về những thành quả trước đó, bao gồm mục tiêu giảm phát thải, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng và một thỏa thuận về thị trường carbon. Những thành tựu này đạt được trong “bối cảnh địa chính trị bất ổn và chia rẽ”, đe dọa làm chệch hướng các cuộc đàm phán.
Tổng thư ký Liên hợp quốc khen ngợi các nhà đàm phán vì đã tìm được tiếng nói chung. Ông nhấn mạnh: “Các bạn đã chứng minh rằng chủ nghĩa đa phương – tập trung vào Thỏa thuận Paris – có thể tìm ra con đường vượt qua những vấn đề khó khăn nhất”.
“Chính sách bảo hiểm cho nhân loại”
Người đứng đầu Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu Simon Stiell mô tả mục tiêu tài chính mới được nhất trí tại COP29 là “một chính sách bảo hiểm cho nhân loại”.
“Thỏa thuận này sẽ duy trì đà phát triển của năng lượng sạch và bảo vệ hàng tỷ người trên Trái đất. Thoả thuận sẽ giúp tất cả các quốc gia chia sẻ những lợi ích to lớn của hành động khí hậu táo bạo: nhiều việc làm hơn, tăng trưởng mạnh mẽ hơn, năng lượng rẻ hơn và sạch hơn cho tất cả mọi người. Nhưng giống như bất kỳ chính sách nào, thoả thuận chỉ có hiệu quả khi chi phí bảo hiểm được thanh toán đầy đủ và đúng hạn”.
Ông thừa nhận rằng không có quốc gia nào có được mọi thứ họ muốn. Sau khi rời Baku, thế giới còn nhiều việc phải làm để biến cam kết thành thực tế.
“Vì vậy, đây không phải là lúc để ăn mừng chiến thắng. Chúng ta cần đặt mục tiêu và tăng gấp đôi nỗ lực trên con đường đến Belém (Brazil), nơi sẽ tổ chức COP30 vào năm tới”, ông nhấn mạnh.
Cần tăng cường hành động
Các phái đoàn từ các nước đang phát triển, bao gồm Bolivia và Nigeria, bày tỏ sự thất vọng sâu sắc về mục tiêu tài chính mới đạt được tại COP29.
Đại diện của Ấn Độ đã lên án mạnh mẽ mục tiêu mới, gọi đó là “số tiền ít ỏi” và nhấn mạnh: “Chúng tôi tìm kiếm các thoả thuận với mức tham vọng cao hơn nhiều từ các nước phát triển và số tiền đã thỏa thuận không đủ để chúng ta thoát khỏi vấn đề nghiêm trọng này về biến đổi khí hậu”.
Một đại diện khác, đến từ nhóm các quốc đảo nhỏm chia sẻ: “Sau khi COP29 này kết thúc, chúng tôi không thể cứ thế trôi dạt. Chúng tôi thực sự đang chìm dần. Kết quả của hội nghị cho thấy các quốc gia dễ bị tổn thương như chúng tôi đang ở trên một con thuyền rất khác so với các nước phát triển”.
Đại diện của Sierra Leone cho biết các quốc gia châu Phi đã thất vọng về kết quả này, điều này "cho thấy sự thiếu thiện chí của các nước phát triển". Trên thực tế, thỏa thuận trị giá 300 tỷ USD/năm "chỉ bằng chưa đến 1/4 số tiền cần thiết và hầu như không đủ để ngăn chặn thảm họa khí hậu".
Về vấn đề trên, một đại diện từ phái đoàn Liên minh châu Âu cho biết mục tiêu tài chính khí hậu mới “đơn giản là sẽ mang lại nhiều nguồ tiền hơn từ tư nhân, và đó là điều chúng ta cần. Và với số tiền này, chúng tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ đạt được mục tiêu 1,3 nghìn tỷ USD cho hành động khí hậu”.