Các nội dung chủ yếu của Kế hoạch gồm khảo sát, thu thập các thông tin cơ bản về các hộ chế biến cà phê trên địa bàn. UBND cấp huyện, thành phố (thông qua Phòng TN&MT) chỉ đạo các xã tiến hành thu thập thông tin các hộ gia đình chế biến cà phê bằng phương pháp ướt.
Phổ biến, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường với việc chế biến cà phê bằng phương pháp ướt quy mô hộ gia đình để các hộ gia đình hiểu và thực hiện, tập trung vào các nội dung chính: Những hành vi bị nghiêm cấm; Trách nhiệm của chủ dự án, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sau khi kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận; Trách nhiệm của cơ quan xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường; Bảo vệ môi trường cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; Đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường; Xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường; Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà không có kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường; các quy chuẩn Việt Nam về môi trường liên quan.
Đồng thời, sẽ tổ chức hướng dẫn lập Kế hoạch bảo vệ môi trường; xác nhận đăng ký bảo vệ môi trường; đầu tư và vận hành hệ thống xử lý môi trường (nước thải, bã thải cà phê); đảm bảo thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường, không gây ô nhiễm môi trường.
Dự kiến, Sở TN&MT sẽ tổ chức 08 hội nghị tuyên truyền tại 05 huyện, thành phố: Mai Sơn, Thuận Châu, Yên Châu, Sông Mã và thành phố Sơn La. Hội nghị sẽ được tổ chức tại 01 xã có đông cơ sở chế biến cà phê nhất, và mời các cơ sở chế biến tại các xã lân cận, để đảm bảo số lượng tuyên truyền, phổ biến khoảng từ 60-80 cơ sở chế biến cà phê.