Cảnh báo lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh ở khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An
(TN&MT) - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong ngày và đêm 24/4, khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 15-30mm, có nơi trên 50mm.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc và tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.Cảnh báo rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá cấp độ 1.
Đêm qua và sáng sớm nay (24/4), khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lượng mưa tính từ 19h ngày 23/4 đến 08h ngày 24/4 có nơi trên 40mm như: Yên Sơn (Tuyên Quang) 40.2mm, Phổ Yên (Thái Nguyên) 48mm, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 41mm, Sao Vàng (Thanh Hóa) 89.4mm, Châu Phong (Nghệ An) 69.2mm...
Đặc biệt, tại Nghệ An, chiều 23/4 đã xảy ra lốc xoáy kèm theo mưa đá xảy ra ở các xã Bắc Lý, Mỹ Lý của huyện Kỳ Sơn làm hư hại hàng chục ngôi nhà của các hộ dân và 2 trường học. Rất may không có thiệt hại về người.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã gửi văn bản đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An chủ động ứng phó với mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Cụ thể, theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, người dân để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại; sẵn sàng lực lượng tại chỗ để kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả (nếu có); khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả các đợt mưa lớn, dông lốc và gió giật mạnh vừa qua để sớm ổn định đời sống.
Ban chỉ huy các địa phương cũng chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với đài truyền hình cấp tỉnh, các cơ quan thông tin truyền thông, nhất là tại cơ sở tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh để giảm thiểu thiệt hại. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết, thiên tai, thường xuyên tổng hợp báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai.
Trong khi miền Bắc có mưa dông giảm nhiệt, khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên tiếp tục nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-38 độ C, có nơi trên 38 độ C. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C.
Khu vực Tây Bắc Bắc Bộ, vùng núi phía Tây của khu vực Bắc Trung Bộ, từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất có nơi trên 35 độ.