Hà Nội “thúc” huyện Gia Lâm xử lý ô nhiễm môi trường tại sông Giàng
(TN&MT) – TP. Hà Nội cho biết đã có kế hoạch nạo vét tuyến sông Giàng trong năm 2024, đồng thời đề nghị UBND huyện Gia Lâm kiểm tra, xử lý việc xả thải từ các khu chăn nuôi không tập trung để giảm tình trạng ô nhiễm môi trường.
Những năm vừa qua, cử tri huyện Gia Lâm liên tục có ý kiến kiến nghị, phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra tại tuyến sông Giàng. Cử tri huyện Gia Lâm cho biết, sông Giàng có chiều dài khoảng 9,1 km chảy qua địa bàn 4 xã gồm: Đặng Xá, Dương Xá, Phú Thị, Dương Quang. Những năm trở lại đây, đất bùn bồi đắp ảnh hưởng đến tiêu thoát nước trong mùa mưa, nước chảy ngược vào ruộng của nhân dân, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân các xã trong khu vực. Không chỉ vậy, do tuyến sông không được nạo vét thường xuyên, kết hợp với tình trạng người dân xả thải trực tiếp ra sông đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Cử tri đề nghị TP. Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan nạo vét, có giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nêu trên.
Tại Phụ lục gửi kèm Báo cáo số 432/BC-UBND ngày 20/11/2023 trả lời kiến nghị cử tri, UBND TP. Hà Nội đã thông tin cụ thể vấn đề trên. Theo đó, sông Giàng dài hơn 9,1 km, có điểm đầu là hồ Hoàng Long (xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm) và điểm cuối là cống Giáp Ranh (xã Song Liễu, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Tuyến sông được thành phố giao Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội quản lý, khai thác.
Đơn vị này thường xuyên thực hiện công tác duy tu, duy trì vớt bèo rác, vật cản theo diện tích khối lượng đặt hàng hàng năm để đảm bảo tiêu thoát nước phục vụ nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn. Tuy nhiên, tuyến kênh tiêu này được nạo vét từ năm 2014, qua quá trình vận hành đã bị bồi lắng nhiều nên việc đầu tư nạo vét, khơi thông dòng chảy đảm bảo mục tiêu thoát nước là hết sức cần thiết. Mặt khác, tại một số đoạn kênh, nhiều hộ gia đình có hoạt động vi phạm công trình thủy lợi như: Khống chế mực nước trong kênh tại vị trí các cống qua đường để thả cá. Điều này làm cản trở dòng chảy, tiêu thoát nước của khu vực chậm.
Ngoài ra, do dòng chảy sông Giàng hiện nay nhận nước thải từ các khu dân cư và các khu chăn nuôi không tập trung của các hộ dân trong khu vực nên toàn bộ nước thải đổ vào sông đều chưa qua xử lý dẫn đến chất lượng nguồn nước bị ảnh hưởng.
TP. Hà Nội đề nghị UBND huyện Gia Lâm kiểm tra, xử lý việc xả thải từ các khu chăn nuôi không tập trung của các hộ dân trong khu vực vào sông Giàng để giảm tình trạng ô nhiễm như phản ánh của cử tri. TP. Hà Nội cũng yêu cầu huyện Gia Lâm chỉ đạo UBND xã Dương Xá xử lý dứt điểm các vi phạm liên quan tới việc người dân khống chế mực nước trong kênh tại vị trí các cống qua đường để thả cá làm ảnh hưởng tới dòng chảy.
Bên cạnh đó, ngày 18/8/2023, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4163/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục dự án duy tu bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo, mở rộng, xây dựng mới các công trình đê điều, thủy lợi, trụ sở làm việc thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên của ngân sách thành phố Hà Nội năm 2024 và các năm tiếp theo, trong đó có danh mục: Nạo vét tuyến sông Giàng.
Được biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao nhiệm vụ quản lý thực hiện các dự án cho Ban Quản lý và Duy tu các công trình nông nghiệp, nông thôn (tại Quyết định số 1385/QĐ-SNN ngày 23/8/2023), thời gian triển khai dự kiến nạo vét trong năm 2024.