Sìn Hồ (Lai Châu) trước tác động của biến đổi khí hậu

Hà Thuận| 12/12/2019 17:12

(TN&MT) - Những năm qua, tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) kéo theo những hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về người và của.

Sìn Hồ (Lai Châu) thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai.

Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Thu Hiền, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sìn Hồ cho biết: Những năm trở lại đây, tác động của BĐKH đối với huyện Sìn Hồ ngày càng rõ rệt. Giai đoạn 2016 - 2019 sự thay đổi bất thường của thời tiết ngày càng gay gắt dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng trong sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn huyện.

Cụ thể, mùa khô 2016 – 2017, nhiều nơi trên địa bàn huyện Sìn hồ phải hứng chịu thời tiết khô hạn, nắng nóng kéo dài dẫn đến việc không chủ động được nước tưới, gây ảnh hưởng đến thời vụ và việc gieo trồng của cây ngô vụ xuân sớm, xuân hè, diện tích theo kế hoạch không đảm bảo, thời vụ gieo trồng bị chậm làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng của cây ngô với diện tích ước khoảng 70ha.

Mùa đông 2017 kéo dài hơn mọi năm, nhiệt độ xuống quá thấp dưới -10 độ C làm 70ha lúa Đông Xuân mất trắng, 230ha bị ảnh hưởng từ 30% -  50%, năng suất lúa Đông Xuân của toàn huyện giảm xuống còn 36 tạ/ha. Cùng với đó, khiến hàng trăm con gia súc, gia cầm bị chết rét.

Đầu mùa khô năm 2018, khô hạn ảnh hưởng đến 297ha ngô, gần 500ha lúa vụ mùa phải gieo trồng muộn. Thế nhưng, mùa mưa lại đến sớm (từ tháng 4 kéo dài đến tháng 11-12 trong năm), lượng mưa lớn làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, tính mạng của nhân dân. Mưa lũ kéo dài đã khiến 13 người chết, 5 người mất tích và 7 người bị thương; 79 ngôi nhà bị sập hoặc lũ cuốn trôi hoàn toàn; 367 nhà trong diện sạt lở rất cao cần phải di chuyển.

Trạm y tế xã Căn Co, huyện Sìn Hồ bị đất đá tràn vào sau trận mưa lớn tháng 6/2018.

Mưa lũ cũng đã khiến 583ha lúa mùa, 135,2ha lúa nương, 295,6ha ngô, 40,8ha cây hoa màu bị thiệt hại, ảnh hưởng; 25ha ao cá bị thiệt hại; 314,5ha ruộng, nương bị sạt lở, vùi lấp không thể khắc phục; 17,09ha rừng bị thiệt hại; 350 con gia súc và 7.824 con gia cầm bị chết do lũ cuốn, ngập úng, đất, đá sạt lở vùi lấp. 32 công trình nước sinh hoạt, 41 công trình thủy lợi, 4 trường học, 4 Trạm y tế bị hư hỏng; 32 tuyến đường bị hư hỏng, sụt sạt. Mưa lớn cũng gây ảnh hưởng đến việc đóng và thả nước của các thủy điện, ảnh hưởng đến diện tích cây ngô bán ngập khoảng 100ha và 45ha lúa mùa sớm gieo trồng trên đất bán ngập không được thu hoạch.

Trong năm 2019, tình hình thời tiết khí hậu tiếp tục diễn biến bất thường. Ngay từ nửa cuối tháng 4, nắng nóng và khô hạn diễn ra trong một thời gian dài đã làm ảnh hưởng đến 102ha ngô xuân hè bị héo lá và có nguy cơ chết và gần 1.000ha lúa trà sớm và trà chính vụ phải gieo trồng muộn…

Bà Trần Thị Thu Hiền, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sìn Hồ cho biết thêm: Trên cơ sở các nguồn vốn cấp bách được tỉnh quan tâm phân bổ, phòng NN&PTNT huyện Sìn Hồ đã tiến hành rà soát nhu cầu của nhân dân, lập kế hoạch hỗ trợ giống mới ngắn ngày, chất lượng bổ sung, thay thế diện tích bị ảnh hưởng có thể khắc phục. Mặt khác, hỗ trợ và sử dụng phân bón để nhân dân tiến hành thâm canh cao cho cây lương thực chủ yếu như lúa, ngô nhằm tăng năng suất, chất lượng bù lại diện tích, năng suất, sản lượng đã bị ảnh hưởng do đó tổng sản lượng lương thực trong năm vẫn đạt và vượt kế hoạch giao.

Nông nghiệp Sìn Hồ đã chủ động hướng dẫn người dân chuyển đổi khung thời vụ trong sản xuất để chủ động ứng phó BĐKH.

Chỉ đạo nhân dân sản xuất đúng khung thời vụ theo quy định của sở NN&PTNT tỉnh, giảm diện tích bán ngập, tăng diện tích 2 vụ. Chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi theo hướng tiềm năng về khí hậu, đất đai, kinh nghiệm canh tác sản xuất; lựa chọn cây trồng đặc thù thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị để phát triển, tiêu thụ sản phẩm đặc thù của huyện như: chè, cây ăn quả ôn đới, quế, sơn tra, nuôi cá lồng lòng hồ… Rà soát các công trình bị hư hỏng lập kế hoạch nâng cấp sửa chữa kịp thời để phục vụ cho người dân sản xuất. Xây dựng phương án và tổ chức di chuyển dân cư ra khỏi vùng có nguy cơ thiên tai.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên, môi trường. Tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Quản lý, sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả nguồn chi cho bảo vệ tài nguyên, môi trường, BĐKH.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sìn Hồ (Lai Châu) trước tác động của biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO