Xã hội

Sìn Hồ (Lai Châu) thoát nghèo từ cây dược liệu

Hoàng Châu 29/08/2024 - 11:14

(TN&MT) - Tận dụng tiềm năng, lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển cây dược liệu, những năm qua, huyện vùng cao Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu xác định phát triển dược liệu là hướng đi phù hợp nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh của huyện, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân.

Những năm qua, nhiều hộ dân ở các xã vùng cao của huyện Sìn Hồ đã vươn lên thoát nghèo nhờ trồng dược liệu. Bên cạnh đó, thông qua thực hiện các chính sách 30a, 135, nguồn vốn xây dựng nông thôn mới… lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất khuyến khích, người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng các cây dược liệu phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Nhờ đó, diện tích trồng dược liệu được mở rộng ra nhiều bản ở các xã vùng cao trên địa bàn huyện.

Hiện nay, các sản phẩm dược liệu này đã khẳng định hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa, ngô hay các cây hoa màu khác và được tiêu thụ nhiều trên thị trường trong, ngoài tỉnh, giúp nhân dân có thu nhập ổn định, gắn bó lâu dài với cây dược liệu. Nhận thấy hiệu quả kinh tế mà cây dược liệu đem lại người dân mạnh dạn đầu tư với quy mô lớn.

a1.jpg
Toàn huyện Sìn Hồ có hơn 600ha dược liệu các loại.

Ông Trần Văn Sứng, Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, cho biết: Huyện Sìn Hồ có hơn 600 ha dược liệu các loại như: Đương quy, atisô, sâm cát cánh, thất diệp lục nhất chi hoa... tập trung ở các xã Sà Dề Phìn, Làng Mô, Tả Phìn, Phăng Sô Lin, Tả Ngảo, thị trấn và rải rác tại một số địa phương có tiểu vùng khí hậu phù hợp. Cây dược liệu đang thực sự đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân huyện Sìn Hồ, giúp đồng bào các dân tộc có nguồn thu nhập ổn định, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo.

Hiện nay cấp ủy, chính quyền huyện Sìn Hồ xác định dược liệu là một trong những cây trồng chủ lực để đầu tư phát triển thành sản phẩm nông nghiệp hàng hóa đặc sản của địa phương. Huyện đặt mục tiêu đến năm 2030 toàn huyện có khoảng 1.000 ha cây dược liệu các loại. Sản phẩm dược liệu được người dân trồng ra đã có một số đơn vị bao tiêu. Điều này tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy người dân phát triển trồng cây dược liệu.

a2.jpg
Nhiều hộ dân của huyện Sìn Hồ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ trồng cây dược liệu.

Ngoài việc khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích trồng dược liệu, huyện Sìn Hồ còn có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các Hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia phát triển cây dược liệu quy mô lớn. Thông qua các HTX, đồng bào dân tộc Mông, Dao trên địa bàn các xã đã nắm bắt được kỹ thuật cải tạo đất, nhân giống, chăm sóc dược liệu đến những kiến thức nâng cao về liên kết sản xuất, dược liệu hữu cơ, sản phẩm đặc sản…

Để hỗ trợ phát triển dược liệu, huyện Sìn Hồ đã có cơ chế về đất đai, cơ chế đầu tư hỗ trợ cơ sở hạ tầng. Từ những chính sách hỗ trợ, huyện thường xuyên và tạo điều kiện thuận lợi nhất để giúp đỡ cho các HTX, doanh nghiệp vào triển khai các chương trình, dự án trên địa bàn huyện. Thời gian tới huyện Sìn Hồ tiếp tục phát triển diện tích các loại cây dược liệu hiện có; trồng cải tạo, bổ sung, thay thế diện tích cây dược liệu đã khai thác; tích cực thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với người dân để bảo tồn, phát triển một số loại dược liệu quý như: sâm Lai Châu, thất diệp nhất chi hoa…

Có thể thấy, nhờ nguồn thu ổn định từ trông cây dược liệu, nhiều hộ dân tại huyện Sìn Hồ đã thoát nghèo, có điều kiện vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sìn Hồ (Lai Châu) thoát nghèo từ cây dược liệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO