Quảng Ninh: Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường

05/10/2018 16:45

(TN&MT) - Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế hàng hải, xuất nhập khẩu, du lịch, dịch vụ từ biển, góp phần gia tăng giá trị trong cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh.

ảnh 1
Rót than xuống tàu tại cảng Cửa Ông, TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh

Với những tiềm năng về vị trí địa lý, tỉnh Quảng Ninh còn có đường bờ biển dài trên 250km, diện tích mặt biển rộng trên 6.100 km2 và trên 40.000 ha bãi triều cùng với 20.000 ha eo vịnh với hơn 2.000 hòn đảo lớn nhỏ trên Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long… Đây là tiềm năng, lợi thế về biển có giá trị rất lớn trong phát triển kinh tế biển đảo, cũng như đóng vai trò quan trong trong sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh Quảng Ninh. Phát huy những tiềm năng, lợi thế nêu trên, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp nhằm phát triển kinh tế biển với những ngành mũi nhọn như: khai thác và chế biến hải sản, phát triển du lịch biển và kinh tế hải đảo, hoạt động xuất nhập khẩu (XNK), xây dựng các khu kinh tế, công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển gắn với phát triển các khu đô thị ven biển...Với những kết quả từ phát triển kinh tế biển trong gần 10 năm qua, cũng như ban hành nhiều chương trình hành động nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế từ biển, tỉnh Quảng Ninh có những đóng góp và vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của cả nước.

ảnh 2
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng ICD Thành Đạt, TP. Móng Cái, Quảng Ninh
 

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành một số nghị quyết về Chương trình hành động cụ thể phát triển kinh tế biển và xây dựng nhiều quy hoạch chiến lược của tỉnh. Cụ thể, Quảng Ninh đặt ra các mục tiêu cơ bản đó là đẩy mạnh phát triển hệ thống cảng, dịch vụ cảng và vận tải biển; phát triển công nghiệp biển, các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển; kinh tế thủy sản; du lịch biển; khoa học - công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực. Cùng với đó, một số quy hoạch của các huyện, thị xã, thành phố có biển đang triển khai như: Đề án phát triển thành phố cửa khẩu quốc tế Móng Cái; Đề án thành lập Khu kinh tế ven biển Quảng Yên...

Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với tổng nguồn vốn đầu tư trên 30.000 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn đầu tư từ ngân sách 10.172 tỷ đồng, nguồn vốn xã hội hóa 19.828 tỷ đồng). Hiện trên địa bàn tỉnh có 4 KCN thuộc khu vực ven biển, gắn với hệ thống cảng biển, bến, khu bến.

ảnh 3
Tàu du lịch cập bến đưa khách du lịch tham quan Động Thiên Cung trên Vịnh Hạ Long
 

Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn trong và nước ngoài đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống cảng biển theo quy hoạch, như: Tập đoàn Sun Group đầu tư Bến số 1 (Bến khách Hòn Gai với mục tiêu kết hợp du thuyền - cảng khách quốc tế Hòn Gai); Công ty SSA Holding International - Việt Nam Inc, Cayman (Hoa Kỳ) liên doanh đầu tư dự án xây dựng và vận hành khai thác cầu tầu số 2, 3, 4 Cảng Cái Lân...

Sau gần 10 năm triển khai kinh tế biển theo các mục tiêu đã đề ra theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Cụ thể, hoạt động XNK qua các cảng biển của tỉnh Quảng Ninh diễn ra sôi động. Năm 2017, kim ngạch XNK qua địa bàn tỉnh đạt 10,1 tỷ USD, thu nộp ngân sách nhà nước qua các cảng biển đạt 10.300 tỷ đồng. Từ đầu năm tới nay, đã có 18.019 chuyến tàu biển làm hàng tại các cảng của Quảng Ninh, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng lượng hàng hóa thông qua đạt gần 59 triệu tấn, tăng 37% so cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, các ngành khai thác và chế biến hải sản, phát triển du lịch biển và kinh tế biển đảo... đều có tốc động tăng trưởng nhanh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Cùng với đó, trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều chính sách và giải pháp bảo vệ môi trường và tài nguyên khoáng sản. Đồng thời chỉ đạo các địa phương trên địa bàn tình siết chặt công tác quản lý, kiểm soát các hoạt động khai thác, vận chuyển than, cát, sỏi, đá...trên đường bộ cũng như đường thủy và tại các cảng, bến, bãi. Nhờ vậy, từ năm 2011 đến nay, hoạt động kinh doanh khoáng sản tại các bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh từng bước được quản lý chặt chẽ hơn, các doanh nghiệp có chuyển biến tích cực trong ý thức chấp hành quy định pháp luật và chỉ đạo của địa phương.

Cụ thể, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã quy hoạch sắp xếp lại các cảng và bến thủy nội địa tiêu thụ than, xóa bỏ các bến, bãi chế biến và xuất than nhỏ lẻ dọc ven bờ Vịnh Cửa Lục, Vịnh Hạ Long và tại Cẩm Phả, Đông Triều, Uông Bí, Hoành Bồ; xây dựng tuyến đường chuyên dùng vận chuyển than, thay đổi dần phương thức vận chuyển than bằng ô tô sang các phương thức vận tải khác (vận chuyển bằng băng tải, đường sắt) nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường các khu đô thị, địa bàn đông dân cư. Chấm dứt hoạt động bốc xếp, chuyển tải hàng hóa rời clinke, xi măng và dăm gỗ trên Vịnh Hạ Long.Bên cạnh đó tỉnh đã thực hiện thành công việc di dời các làng chài trên Vịnh Hạ Long về khu tái định cư tại phường Hà Phong (TP Hạ Long). Đồng thời hoàn thành di dời các nhà bè kinh doanh không theo quy hoạch trên Vịnh Hạ Long.

Trong lĩnh vực phát triển ngành thủy sản, tỉnh định hướng các địa phương tập trung nuôi trồng thuỷ sản theo hướng bền vững với môi trường, áp dụng tiến bộ KHCN ở các vùng bãi triều, hạn chế tình trạng nuôi quảng canh và di chuyển các lồng bè ra khỏi khu vực bảo tồn di sản; khuyến khích và kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thuỷ sản công nghệ cao. Đồng thời, tập trung đầu tư xây dựng trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc Vịnh Bắc Bộ tại Cô Tô và các khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu thuyền tại các điểm dọc tuyến biển.  

Bằng nhiều giải pháp và xác định hướng đi đúng, cùng cách làm sáng tạo, hiệu quả, kinh tế biển Quảng Ninh đang có sự bứt phá mạnh mẽ. Hệ thống hạ tầng hàng hải phát triển, không chỉ góp phần phát triển kinh tế hàng hải mà còn tạo động lực phát triển kinh tế du lịch tạo sức hút đối với các công ty lữ hành đưa khách du lịch quốc tế bằng tàu biển đến với Quảng Ninh.

Với những kết quả đạt được nêu trên đã tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển KT-XH của tỉnh Quảng Ninh theo hướng nhanh, mạnh và bền vững, góp phần quan trọng vào việc thực hiện hiệu quả Chiến lược biển Việt Nam của cả nước nói chung và Quảng Ninh nói riêng. Đồng thời hướng tới xây dựng Quảng Ninh trở thành một trung tâm kinh tế năng động, phát triển theo cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp, trong đó kinh tế biển, đảo giữ vai trò chủ đạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh: Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO