Doanh nghiệp - doanh nhân

Các FTA mới tạo cơ hội mở rộng thị trường cho doanh nghiệp dệt may Nghệ An

Quyết Thắng 24/07/2024 - 08:04

Việc tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) hứa hẹn sẽ mang lại “làn gió mới”, giúp ngành dệt may Nghệ An bứt tốc.

Thời gian qua, cùng với việc Việt Nam triển khai thực thi các FTA , đặc biệt là các FTA thế hệ mới, dệt may đã trở thành ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực của tỉnh Nghệ An, mỗi năm đóng góp trên dưới 20% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

Tuy nhiên, do phần lớn các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn vẫn hoạt động theo hình thức gia công, chưa có thương hiệu, nguồn vải chủ yếu nhập khẩu nên việc đáp ứng yêu cầu về xuất xứ từ sợi trở đi là khó khăn. Chẳng hạn, muốn tận dụng lợi ích về cắt giảm thuế quan từ các FTA thế hệ mới như CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) hay EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU), doanh nghiệp phải chứng minh được nguồn gốc sản xuất tại Việt Nam hoặc các nước nội khối trong hiệp định từ khâu sợi trở đi đối với CPTPP, từ vải trở đi với EVFTA.

1.png
Mỗi năm, ngành dệt may đóng góp trên dưới 20% kim ngạch xuất khẩu của Nghệ An

Bởi vậy, các doanh nghiệp dệt may Nghệ An cần phải chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu riêng nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu; từ đó mới có thể tận dụng được tối đa cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do FTA mang lại.

Liên quan đến vấn đề này, trong khuôn khổ hội thảo trao đổi về kế hoạch tận dụng FTA thế hệ mới tại Nghệ An, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên, Bộ Công thương nhận định rằng hiện tại, các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu của Nghệ An tập trung quá nhiều ở thị trường châu Á, trong khi đó thị trường châu Âu lại thấp, chỉ chiếm đến 6,5% thị phần nên hiệu quả sẽ không cao.

2(2).jpg
Doanh nghiệp dệt may cần thay đổi để nắm bắt cơ hội từ các FTA

Do vậy, các doanh nghiệp cần phải định vị thị trường khu vực FTA thế hệ mới trong chiến lược xuất khẩu, tối ưu hóa chi phí và năng lực sản xuất thông qua kết nối với các doanh nghiệp khác. Đồng thời nghiên cứu thông tin, cơ chế chính sách thị trường khu vực FTA để tiếp cận gần hơn các thị trường này.

Bên cạnh sự tự lực của doanh nghiệp, tỉnh Nghệ An cũng cần quan tâm hơn nữa đến ngành dệt may.

Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 163/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 trên địa bàn tỉnh.

3(1).jpg
Nghệ An xác định ưu tiên phát triển ngành công nghiệp dệt may, tận dụng thời cơ từ các Hiệp định Thương mại tự do FTA

Đối với ngành may mặc, tỉnh Nghệ An ưu tiên phát triển các dự án có quy mô lớn, tập trung vào các khâu có giá trị gia tăng cao, trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, tạo ra các xu hướng thời trang cho thị trường trong nước và dần có sức ảnh hưởng lan toả ra thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, đổi mới công nghệ, trang thiết bị, xanh hoá mô hình sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Nghiên cứu phát triển khâu thiết kế tạo mẫu, cắt vải tự động, đa dạng hoá sản phẩm, giảm tỷ lệ sản xuất gia công trong toàn ngành.

Đối với ngành dệt, ưu tiên phát triển sản xuất mặt hàng vải dệt kim, dệt thoi. Tập trung thu hút các dự án mới có suất đầu tư lớn (trừ khâu nhuộm), đầu tư máy móc thiết bị hiện đại gắn với hệ thống quản lý chất lượng, quản lý lao động và bảo vệ môi trường. Quy hoạch phát triển một số vùng nguyên liệu ở địa bàn các huyện để đáp ứng nhu cầu các nhà máy dệt trong nước, giảm nhập khẩu nguyên liệu đầu vào.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các FTA mới tạo cơ hội mở rộng thị trường cho doanh nghiệp dệt may Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO