Yên Dũng: OCOP nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp địa phương
(TN&MT) - Nhờ triển khai thực hiện Chương trình OCOP linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đặc điểm của sản phẩm, huyện Yên Dũng đã phát huy được các điều kiện về nguồn nguyên liệu, lao động địa phương, lợi thế về chất lượng sản phẩm, qua đó mang lại hiệu quả thiết thực.
Tính đến hết tháng 5/2024, toàn huyện Yên Dũng đã xây dựng thành công 24 sản phẩm, nhóm sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3-4 sao. Dự kiến đến hết năm 2024, huyện sẽ có thêm 17 sản phẩm đạt OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP toàn huyện lên 41 sản phẩm, phấn đấu có ít nhất từ 6 - 8 sản phẩm đạt 3 sao trở lên và 1 - 2 sản phẩm OCOP năm 2024 gắn với điểm dịch vụ du lịch trải nghiệm để nhằm thu hút du khách, đồng thời quảng bá hoạt động du lịch của huyện.
Trong 17 sản phẩm dạt OCOP thì có 16 sản phẩm mới gồm: măng tây Yên Dũng (Hợp tác xã Rau sạch Yên Dũng); dưa lưới (Hợp tác xã Công nghệ cao Trí Yên); rượu đông trùng hạ thảo, trà đông trùng hạ thảo HunDu (Hợp tác xã nuôi cấy đông trùng hạ thảo Hùng Uyên); khoai tây Yên Dũng (Hợp tác xã Sao Thần nông); bình hút lộc đắp nổi, lộc bình cỡ đại đắp nổi (Doanh nghiệp gốm sứ Hoàng Vũ); mắm tép trưng thịt Phương Thảo (cơ sở Nguyễn Thị Phương Thảo); tinh bột củ sen, củ sen chiên giòn, củ sen tươi, củ sen khô (Hợp tác xã TMDVNN Bảo Ngọc); Mật ong Khe Róc (Hợp tác xã NN&DV Nham Biền); bánh hạt ngũ cốc, mật ong núi Phượng Hoàng, tinh bột sắn dây ta (Hợp tác xã NN sạch Thùy Dương). Có 01 sản phẩm đánh giá lại Tương Tiên La (Hợp tác xã DVSX&KD sản phẩm Tương Tiên La).
Các sản phẩm OCOP của huyện đã khẳng định được uy tín thương hiệu, chất lượng sản phẩm trên thị trường, một số sản phẩm OCOP có doanh thu tăng như: Gạo Thơm Yên Dũng, Các sản phẩm rau sạch (của HTX Rau sạch Yên Dũng), tinh bột nghệ và tinh bột củ sen (của HTX nông nghiệp sạch Thùy Dương)... Các chủ thể OCOP trên địa bàn huyện góp phần tạo việc làm cho gần 300 lao động thường xuyên, với mức thu nhập ổn định từ 7 đến 10 triệu đồng/người/tháng.
Nhiều HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện có sản phẩm mới đã chủ động đăng ký tham gia chương trình OCOP. Phòng Kinh tế huyện ngoài hỗ trợ các HTX, chủ thể hoàn thiện hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về quản trị, marketing cho cán bộ quản lý, điều hành của các doanh nghiệp, HTX, các cơ sở/hộ sản xuất; đào tạo lao động gắn với nhu cầu sản xuất sản phẩm OCOP, cách thức phát triển sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và phù hợp với nhu cầu khách hàng trong tình hình mới.
Để đạt được mục tiêu mỗi làng một sản phẩm, đồng thời nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm của từng địa phương, huyện Yên Dũng đã phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Bắc Giang tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ xã, thị trấn, chủ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh có tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP.
Cùng đó, huyện hỗ trợ chi phí tư vấn hồ sơ, thiết kế bao bì, tem nhãn sản phẩm và các chương trình marketing sản phẩm… Các chủ thể có sản phẩm cũng được huyện kết nối tham gia chương trình xúc tiến thương mại tại các hội chợ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các tổ chức kinh tế khu vực nông thôn, các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị phân phối, người tiêu dùng thông qua các hội nghị triển khai Chương trình OCOP; đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng. Khuyến khích xây dựng các gói quà tặng, quà lưu niệm sản phẩm OCOP gắn với lịch sử văn hóa vùng miền, địa phương.
Trong thời gian tới, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm OCOP, huyện Yên Dũng đang đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của chính quyền các cấp, người dân và các chủ thể để phát triển các sản phẩm OCOP gắn với sản phẩm đặc trưng, thế mạnh địa phương, gắn với du lịch cộng đồng, trải nghiệm. Cùng với đó, huyện tiếp tục phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Bắc Giang và các sở, ngành của tỉnh đưa sản phẩm OCOP của địa phương tham gia các hội chợ, tuần hàng xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa. Huyện cũng phối hợp với Sở Công Thương, Liên minh HTX, Sở Nông nghiệp và PTNT mở điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, tham gia các chương trình hội chợ, kết nối giao thương; kết nối đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích, hệ thống thương mại điện tử và tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường…, từ đó tạo động lực, thu hút các chủ thể đồng hành cùng Chương trình OCOP của huyện.