Doanh nghiệp - doanh nhân

Xanh hóa ngành dệt may - Điều cần thiết để bảo vệ môi trường

Trung Dũng 24/07/2024 - 08:04

Nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam chọn lựa đẩy nhanh tốc độ “xanh hoá” sản xuất dù còn nhiều khó khăn thách thức, bởi họ sớm nhìn ra được nhu cầu “sống xanh” và sử dụng các sản phẩm xanh của thị trường.

Tiên phong xanh hoá

Năm 2024, bên cạnh dự báo nền kinh tế thế giới và Việt Nam vẫn còn khó khăn, ngành dệt may còn đối diện với hàng loạt thách thức khác từ áp dụng cơ chế EPR và CBAM cũng như chiến lược “thời trang bền vững” thay cho “thời trang nhanh”, chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD của EU; luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức…

Đặc biệt, vấn đề xanh hóa và phát triển bền vững là những tiêu chí cạnh tranh mà các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản,... yêu cầu ở các nhà cung cấp, bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng.

1(2).jpg
Việc xanh hoá ngành dệt may là xu thế tất yếu, không doanh nghiệp nào có thể đứng ngoài cuộc

“Xanh hóa được xác định là yếu tố mang tính chiến lược với ngành dệt may Việt Nam, không doanh nghiệp nào có thể đứng ngoài cuộc”, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) trao đổi với báo giới.

VITAS đặt mục đến năm 2030 sẽ “xanh hóa” ngành dệt may, đồng thời xây dựng được 30 thương hiệu mang tầm quốc tế… Trước những thách thức và yêu cầu khắt khe của thị trường, nhiều doanh nghiệp trong nước đã chủ động thay đổi và hướng đến sản xuất xanh.

Đơn cử, Tổng công ty Cổ phần Dệt may Hà Nội (Hanosimex) và Tập đoàn Hansae (hàn Quốc) hợp tác triển khai dự án sản xuất vải tái chế tại Việt Nam. Ông K.Kim, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hansae, cho biết toàn bộ sản phẩm từ nhà máy sẽ được may hàng xuất khẩu. Dự kiến, khoảng 4.000 tấn vải tái chế dành cho thị trường EU sẽ được đưa vào sản xuất trong thời gian tới.

Là doanh nghiệp xuất khẩu may mặc hàng đầu Việt Nam, May 10 đang xanh hóa trong sản xuất để đáp ứng với tiêu chuẩn đưa ra. Từ năm 2022, đơn vị đã xây dựng chuỗi “nhà máy xanh” chuẩn nhằm triển khai dự án điện năng lượng mặt trời mái nhà tại Xí nghiệp may Bỉm Sơn và đã đạt được nhiều lợi ích từ việc này. Chi phí sử dụng điện rẻ hơn, đạt chứng chỉ năng lượng tái tạo quốc tế I-REC, chứng chỉ toàn cầu về sử dụng năng lượng tái tạo, từ đó đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe từ các thị trường xuất khẩu lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.

2(1).jpg
Nhiều doanh nghiệp trong nước đã chủ động thay đổi và hướng đến sản xuất xanh

Hay tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), nhiều doanh nghiệp trong ngành sợi của Vinatex đang áp dụng công nghệ hiện đại nhất hiện nay. Đối với ngành may, Tập đoàn ưu tiên các công nghệ tự động hóa với dây chuyền sản xuất chuyên biệt. Hoạt động đầu tư được thực hiện theo hướng tự động hóa, sản xuất xanh, giảm tiêu thụ năng lượng và giảm thiểu chất thải, tối ưu hóa quy trình tái chế.

Sản xuất xanh để bảo vệ môi trường

Trong quá trình sản xuất, ngành dệt may thường sử dụng một số lượng lớn nước và hoá chất. Điều này khiến nước thải có chứa chất ô nhiễm từ thuốc nhuộm và chất phụ gia. Chúng có thể được loại bỏ bằng cách sử dụng công nghệ và kỹ thuật phù hợp như sử dụng vi sinh vật để phân huỷ các chất hữu có trong nước thải, sử dụng hoá chất để trung hoà hoặc oxy hoá các hợp chất độc hại. Các quy trình này ngày càng trở nên phổ biến trong sản xuất hàng may mặc tại Việt Nam.

Trong ngành dệt may, nguồn nguyên liệu xanh và bền vững là điều cần thiết để bảo vệ môi trường, giảm sử dụng hoán chất và bảo tồn tài nguyên. Hiện có nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước sử dụng nguyên liệu xanh trong quá trình sản xuất. Một số công ty còn thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) kinh doanh của riêng mình để bảo đảm sản xuất các sản phẩm thời trang thân thiện với môi trường, giới thiệu nhiều loại hàng dệt may xanh làm từ sợi tre, bạc hà, cà phê, hoa sen. So với hàng dệt truyền thống, những loại vải này thường có tác động môi trường thấp hơn nhiều.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xanh hóa ngành dệt may - Điều cần thiết để bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO