(TN&MT) - Quảng Nam có tiềm năng, lợi thế với 02 di sản văn hoá thế giới là: Đô thị cổ Hội An, Khu Di tích thánh địa Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lào Chàm và nhiều di tích lịch sử, danh thắng độc đáo, Quảng Nam đang tập trung nguồn lực để phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Vừa qua, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Hội nghị phát triển du lịch năm 2018 dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu. Hội nghị còn có sự tham dự của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Hà Văn Siêu; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh Quảng Nam cùng nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Với mục tiêu, phát triển du lịch Quảng Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Quảng Nam phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước.
Theo đó, Hội nghị đã triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 27/12/2016 của Tỉnh ủy Quảng Nam về phát triển du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.
Trong những năm gần đây, hạ tầng phục vụ du lịch đã được địa phương này chú trọng đầu tư. Từ năm 2007 - 2016, Quảng Nam đã đầu tư nhiều tuyến đường mới tới các khu, điểm du lịch từ nguồn hỗ trợ vốn hạ tầng du lịch của Chính phủ, nguồn trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn địa phương. Năm 2007 - 2017, nhiều dự án đầu tư du lịch của doanh nghiệp trong và ngoài nước có quy mô lớn và chất lượng cao đưa vào hoạt động, góp phần tạo nên diện mạo mới, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch Quảng Nam.
Cùng với đó, Quảng Nam đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa du lịch lớn, với các hình thức, nội dung phong phú, đa dạng mang đậm bản sắc văn hóa địa phương nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh Quảng Nam đến với du khách trong và ngoài nước. Quảng Nam cũng đã đón hàng trăm Đoàn famtrip và presstrip đến để tìm hiểu về du lịch Quảng Nam. Đồng thời xây dựng và phát hành nhiều ấn phẩm du lịch, xây dựng website du lịch Quảng Nam với 05 thứ tiếng (Việt, Anh, Pháp, Nhật, Hàn). Qua đó, hình ảnh Quảng Nam được đông đảo du khách trong và ngoài nước biết đến.
Theo thống kê báo cáo của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Nam thì, năm 2017 tổng lượt khách tham quan lưu trú tại Quảng Nam ước đạt 5,35 triệu lượt khách, gấp 2,54 lần so với năm 2007-2017. Tốc độ tăng bình quân tổng lượt khách tham quan lưu trú giai đoạn 2007 - 2017 ước đạt 9,8%/năm (khách quốc tế tăng bình quân 10,7%/năm, khách nội địa tăng bình quân 8,92%/năm). Số ngày lưu trú bình quân của khách năm 2007 là 2,17 ngày/khách, đến năm 2017 là 2,5 ngày/khách. Toàn tỉnh sử dụng khoảng 13 nghìn lao động ngành du lịch, tăng gấp 2,6 lần so với năm 2007. Tốc độ tăng bình quân về lao động giai đoạn 2007 - 2017 ước đạt là 10,03%/năm. Thu nhập xã hội từ du lịch năm 2017 ước đạt 9.200 tỷ đồng, tăng 5,7 lần so với năm 2007. Tốc độ tăng bình quân thu nhập xã hội từ du lịch giai đoạn 2007 - 2017 ước đạt là 19,34%/năm.
Để thực hiện được mục tiêu phát triển du lịch Quảng Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước, các đại biểu tham dự Hội nghị đã đề xuất các giải pháp như: Quảng Nam cần tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng như đường xá, trong đó chú trọng các tuyến đường bộ ở những nơi nối các điểm du lịch khác với phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, phát triển Sân bay Chu Lai trở thành sân bay quốc tế; quy hoạch phát triển không gian du lịch cộng đồng, tạo thêm các sản phẩm du lịch mới có chất lượng cao đa dạng, có thương hiệu mang đậm bản sắc văn hóa địa phương. Cùng với đó, tiếp tục xây dựng các khu nghỉ dưỡng dài hạn, tạo chuỗi liên kết bền vững cùng phát triển với các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước.