bai2cv.jpg

Đánh giá về vai trò của biển Cửa Đại, một số chuyên gia cho rằng, Hội An là đô thị phát triển theo hướng lấy kinh tế du lịch, dịch vụ thương mại làm mũi nhọn từ nhiều năm qua. Cùng với Khu phố cổ - Di sản văn hóa thế giới, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An thì 7km bờ biển Hội An là một trong những tài nguyên quý giá để phát triển du lịch và ngành ngư nghiệp của địa phương. Dải bờ biển này gắn liền với quá trình hình thành, sinh sống, định cư của cư dân 2 phường Cẩm An và Cửa Đại (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam), với các làng chài truyền thống của ngư dân,…

sub1(2).jpg

Ông Cao Văn Nhứt (phường Cửa Đại), bồi hồi nhớ lại: “Gia đình tôi nhiều đời mưu sinh bằng nghề sông biển. Cửa Đại là nơi xuất phát, là “bàn đạp” để ngư dân chúng tôi vươn khơi, thu nguồn lợi từ con tôm con cá. Xưa kia, người dân thường truyền tai nhau rằng, khi đi biển mà gặp sóng to gió lớn, nếu đang ở gần vùng biển này thì về neo tại Cù Lao Chàm. Với chúng tôi, Cù Lao Chàm được ví như bầu ngực của mẹ, bảo vệ ngư dân an toàn trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Cửa Đại và Cù Lao Chàm trở thành nơi an trú không thể thiếu của ngư dân xứ Quảng cũng như thuyền bè khi đi qua vùng đất này.

Người đàn ông đã bước qua tuổi “thất thập cổ lai hy” với hơn 60 năm gắn bó với nghề biển dường như đã trút được gánh âu lo khi chứng kiến hệ thống kè ngầm đang từng ngày “hòa giải” cuộc giằng co giữa bờ và sóng. Ông nói: “Cũng may là việc làm kè ngầm đã mang lại hiệu quả. Trước khi sóng xô vào bờ, kè ngầm đã làm giảm lực sóng đáng kể nên cũng hạn chế được xói lở. Thêm việc nạo vét tuyến luồng, đưa cát đến bồi ở đoạn đã bị xói lở giúp cho bãi biển được mở rộng. Còn luồng thì được nạo vét, giúp tàu thuyền của ngư dân ra vào thuận tiện, không còn e ngại mắc cạn như xưa”.

anh-2.5.jpg
anh-2.2.jpg
Các phong trào phòng chống rác thải nhựa đại dương được đông đảo người dân tích cực hưởng ứng

Song hành với các dự án chống xói lở được chính quyền triển khai, nhiều năm qua, người dân Cửa Đại và Cẩm An còn triển khai nhiều phong trào, hoạt động bảo vệ môi trường biển, bảo vệ hệ sinh thái biển, góp phần vào mục tiêu đưa biển Cửa Đại trở lại màu xanh vốn có trước đây.

Theo ông Đặng Công - Chủ tịch Hội Nông dân phường Cửa Đại: Địa phương đã thành lập tổ bảo vệ môi trường đại dương và thường xuyên ra quân dọn rác. Đồng thời, đã bố trí 3 khu vực chứa rác thải nhựa; vận động, tuyên truyền ngư dân thu gom các loại rác thải, ngư cự hỏng; thay vì vứt xuống biển như trước đây thì nay mang đến điểm tập kết. Rác thải nhựa sau đó được bán, dùng số tiền đó hỗ trợ những ngư dân có hoàn cảnh khó khăn. Phong trào này được ngư dân hưởng ứng rất tích cực. Ý thức bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa ngày càng được nâng cao. Khi đi biển, nếu thấy rác thải nhựa là họ vớt lên gom lại, về đến bờ thì bỏ vào “ngôi nhà chứa rác thải nhựa đại dương”.

Ông Công cho hay: “Ngư dân là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động, phong trào bảo vệ môi trường biển, bảo vệ hệ sinh thái tại địa phương. Kết hợp vừa làm vừa tuyên truyền rộng rãi đến người dân. Qua công tác tuyên truyền, người dân hiểu rõ hơn về tác hại của rác thải nhựa đối với đại dương, từ đó càng có nhiều hơn các thành phần khác cùng tham gia hoạt động bảo vệ môi trường với chúng tôi”.

Bằng kinh nghiệm của mình, ông Công cũng cho rằng hệ thống kè ngầm chống xói lở biển Cửa Đại sau thời gian dài sẽ tạo ra nguồn lợi thủy sản rất lớn, nếu chúng ta có định hướng khai thác thì sẽ mang lại lợi ích kép. Chẳng hạn như tại địa phương trước đây có nhiều ngư dân làm nghề giã cào, được vận động để chuyển đổi nghề nghiệp. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách hỗ trợ hiện tại chưa có, trong khi ngư dân phần lớn lại không có kinh phí để chuyển đổi. Một số thì bỏ nghề, chuyển sang làm thợ xây, phụ hồ. Một số đã chuyển đổi sang nghề đan móc lưới nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao. Nếu hỗ trợ những ngư dân này chuyển sang khai thác thủy sản gắn với nhiệm vụ giám sát, bảo vệ kè thì có thể sẽ đạt được 2 mục đích, vừa tăng độ bền, hiệu quả hệ thống kè, đồng thời giúp ngư dân giữ được nghề biển truyền thống.

sub2(2).jpg

Trong câu chuyện, ông Thương chợt trầm ngâm hỏi tôi câu ấy. Ông nói với tôi mà tôi có cảm giác ông đang tự vấn chính mình. Còn tôi, qua câu chuyện của ông, tôi cũng muốn hỏi chính tôi, rằng “Một ngày của chúng ta thường bắt đầu từ mấy giờ?”

Có những người vì cuộc sống mưu sinh, một ngày của họ bắt đầu từ lúc màn đêm vẫn còn bao phủ sâu. Còn với cựu chiến binh Nguyễn Thương (64 tuổi, trú tại phường Cửa Đại), nhiều năm trở lại đây, ngày mới của người đàn ông này thường bắt đầu từ 2 giờ sáng. Khi phần lớn mọi người còn đang chăn ấm nệm êm với giấc mơ của mình, thì ông Thương đã bắt đầu hành trình trên bãi biển, bờ kè và con đường ven biển của quê hương để thực hiện mơ ước của mình - nhặt rác.

Nhắc đến câu chuyện của mình, ông Thương xúc động chia sẻ: “Tôi đi nhặt rác giờ đó là vì muốn khi bình minh đến, mọi người được đón một không gian bãi biển sạch đẹp, trong lành. Tôi cũng mong muốn bà con mình hiểu rằng, nếu mỗi người chúng ta cùng góp sức chung tay bảo vệ môi trường, bỏ rác đúng nơi quy định thì sẽ không có cảnh những người khác phải đi nhặt rác. Nhưng quan trọng hơn là vì rác bị bỏ lại trên bãi biển rất nhiều, rồi cả rác do sóng đánh vào bờ nữa, nếu không đi giờ đó thì không kịp nhặt hết rác vào sáng sớm”.

2a(1).jpg
Người dân Hội An chung tay bảo vệ môi trường biển

Hành trình tự nguyện nhặt rác của ông Thương gắn liền với 2 chiếc xe. Một chiếc xe đạp cùng ông rong ruổi trên từng con phố, dọc các bãi biển, bờ kè để nhặt rác. Người bạn đồng hành thứ hai với ông là chiếc xe đẩy “phiên bản Nguyễn Thương”. Với nhiều thông điệp bảo vệ môi trường gắn trên xe, ông rong ruổi trên đường phố, vừa tiếp tục nhặt rác ban ngày, vừa kêu gọi mọi người hãy cùng quan tâm đến môi trường.

“Tôi muốn góp một phần nhỏ cùng xã hội bảo vệ môi trường. Tôi đã làm đơn xin địa phương cho tự quản tuyến đường từ khách sạn Victoria đến kè biển và các tuyến đường kết nối liên thông. Tôi mong những việc làm của tôi sẽ góp một phần nhỏ bé xây dựng Hội An - thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch thực sự trở thành nơi đáng đến và đáng sống”, ông Thương chia sẻ thêm.

Cùng chung mơ ước như ông Thương, bà Mai Thị Tiêu (69 tuổi, phường Cẩm An) đã có thâm niên dọn rác bãi biển hơn 10 năm tại bãi tắm Thịnh Mỹ. Mùa hạ cũng như mùa đông, bà Tiêu đều có mặt tại bãi biển để dọn những chai nhựa, túi ni lông, bèo tây trôi dạt vào bờ. Rác thải nhựa sẽ được bà phân loại, cho vào túi riêng rồi chờ lực lượng thu gom mang đi xử lý. Bèo tây và các loại rác thông thường khác sẽ được gom lại một chỗ để phơi khô và đốt.

a2.jpg
Biển Cửa Đại dần hồi sinh không chỉ từ các dự án chống xói lở của Nhà nước mà còn từ các hành động bảo vệ môi trường của người dân

“Tôi làm miết thấy quen, thấy yêu công việc này vì giúp cho biển được sạch đẹp. Bất kể cuối tuần hay ngày lễ, tôi đều có mặt tại đây để dọn rác. Mấy ngày Tết thì tôi chỉ nghỉ ngày Ba mươi nhưng đến mồng Hai là đã bắt tay vào việc. Ngày rác ít thì dọn đến độ 8 - 9 giờ sáng, ngày rác nhiều thì khoảng 10 giờ. Những năm gần đây, lượng rác thải có phần ít hơn, có lẽ ý thức của mọi người về bảo vệ môi trường biển đã được nâng cao”, bà Tiêu bộc bạch.

Cứ vậy, ngày qua ngày, dọn rác bãi biển vào mỗi sáng trở thành thói quen từ khi nào của bà Tiêu. Có lẽ, công việc này chỉ dừng vào đúng ngày cuối năm và ngày đầu năm mới như bà nói, bởi cả khi bà Tiêu đau ốm thì vẫn có chồng của bà “trám” vào vị trí để bãi biển có thể sạch đẹp vào mỗi bình minh.

Ông Nhứt, ông Công, ông Thương, bà Tiêu..., mỗi người đều có một câu chuyện khác nhau, nhưng chung quy lại, đều cùng một mong ước về môi trường sạch đẹp, về bãi biển quê hương luôn giữ được màu xanh. Họ như những người “đắp vồng trồng cây cho người sau hái trái”, họ giữ lại những giá trị tốt đẹp để thế hệ tiếp nối có cơ hội sống trong màu xanh của biển, của thiên nhiên. Họ đã làm được như thế, vậy còn chúng ta, chúng ta cần đối đãi với mẹ thiên nhiên như thế nào?

Bài, ảnh: LÊ QUỐC DUY
Địa chỉ: phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng

Trình bày: TÙNG QUÂN

footer(1).jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Longform: Hồi sinh biển Cửa Đại - Kỳ 2: TRẢ LẠI CHO BIỂN MÀU XANH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO