Môi trường

Mỗi ngư dân đều là nhà bảo tồn

Minh Khuê 21/06/2024 - 14:04

(TN&MT) - Cách TP. Hội An 15km về phía Đông, Cù Lao Chàm là nơi mà mỗi cư dân của đảo đều là những nhà bảo tồn, dù không chuyên nhưng mỗi ngày họ bảo vệ từng con cua, tổ yến đến rạn san hô bằng cả tấm lòng.

Nằm cuối dòng sông Thu Bồn đổ ra biển, Cù Lao Chàm được thừa hưởng sự đa dạng các hệ sinh thái vùng cửa sông và ven bờ. Đây là nơi sinh sống của 277 loài san hô, 250 loài cá, động vật giáp xác và 97 loại động vật thân mềm. Từ năm 2009, Cù Lao Chàm - Hội An đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

hinh5-2.jpg
Bảo vệ san hô ở Cù Lao Chàm

Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An, Trưởng Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, danh hiệu Khu sinh quyển đã thôi thúc chính quyền và người dân nỗ lực hết mình để bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên sinh vật cả trên rừng, dưới biển và từng bước chuyển đổi sinh kế người dân từ khai thác thủy sản với nhiều bấp bênh sang dịch vụ du lịch sinh thái một cách bền vững.

Người dân từ chỗ bắt rùa, thu trứng rùa để ăn hoặc đem bán thì đến nay tất cả đã chung tay, góp sức trong công cuộc bảo vệ và tái phục hồi loài bò sát cổ cực kỳ quý hiếm này. Tương tự, san hô từ chỗ bị khai thác để làm cảnh, làm vật liệu xây dựng thì đến nay được nâng niu, bảo vệ bởi chính người dân xã đảo trong sự hỗ trợ của Khu bảo tồn, các nhà khoa học và chính quyền thành phố Hội An. Từ chỗ cua đá bị khai thác không kiểm soát thì đến nay nguồn lợi này đã được quản lý, khai thác, bảo tồn một cách hiệu quả, văn minh với sự vào cuộc của “4 bên” - nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân địa phương.

Gần 10 năm nay, lão ngư Nguyễn Công Thành kiêm nhiệm chức danh tổ trưởng Tổ tuần tra Tiểu khu đồng quản lý bảo tồn biển thôn bãi Hương. Công việc chính của ông là cùng với các chiến sĩ Bộ đội biên phòng tuần tra, nhắc nhở các tàu cá không vi phạm vào khu vực bảo tồn san hô và cấm đánh bắt. Với ông Thành, 10 năm tự nguyện gắn bó với Tổ tuần tra chỉ với chấp niệm duy nhất là giữ gìn tài nguyên cho thế hệ mai sau.

“Khu vực bãi Nần, bãi Hòn Tây, bãi Tra đều là những vùng có các rạn san hô, là nơi con tôm, con mực về đó sinh nở, được chúng tôi bảo vệ nghiêm ngặt. Mình không bảo vệ, không giữ gìn thì thế hệ mai sau sẽ không được hưởng lợi từ tài nguyên của khu sinh quyển nữa” - lão ngư Nguyễn Công Thành chia sẻ.

Ông Mai Quốc Bảo - Phó Chủ tịch UBND xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm) chia sẻ, với việc tham gia vào các mô hình cua đá, mô hình bảo tồn biển, mô hình nói không với túi ni lông… mỗi cư dân ở Cù Lao Chàm đều là những nhà bảo tồn biển thực thụ. Người dân đã nhận thức được rằng “tài nguyên chính là nguồn sống của họ”.

“Nhờ việc giữ gìn môi trường, bảo vệ tài nguyên đã tạo nên một Cù Lao Chàm rất riêng, không nơi nào có được và thu hút du khách đã giúp người dân nâng cao thu nhập. Tới nay, người dân gần như tuân thủ tuyệt đối việc bảo tồn các phân vùng quanh đảo để giữ gìn nguyên vẹn những giá trị mà thiên nhiên, tạo hóa đã ban tặng cho người dân “đảo ngọc” Cù Lao Chàm”- ông Mai Quốc Bảo cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỗi ngư dân đều là nhà bảo tồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO