bai1cover.jpg

Chúng ta đã từng than vãn rằng thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt, biển ngày càng xâm lấn, mưa lũ, hạn hán, xói lở ngày càng tăng,... Nhưng chúng ta không chịu hiểu gốc rễ của vấn đề, rằng trong hành trình phát triển kinh tế - xã hội, con người đã vô tình để lại những "vết thương" cho thiên nhiên. Giờ đây, những "vết thương" đó bật ra, hệ lụy là biến đổi khí hậu, thiên tai, nước biển dâng... ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống con người.

bai1-sub1.jpg

Một trong những nguyên nhân dẫn đến xói lở biển Cửa Đại đã được các chuyên gia chỉ ra là do sự suy giảm nguồn trầm tích từ sông đưa ra. Trong đó, căn cơ từ việc xây dựng các đập thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, cùng với đó là vấn đề khai thác cát trên sông Thu Bồn.

Ở tận Cửa Đại để nói về nguyên nhân xói lở xuất phát từ phía thượng nguồn thì có lẽ chúng ta khó có thể mường tượng được. Nhưng nếu men theo tuyến Quốc lộ 14, hướng đến thượng nguồn sông Vu Gia, nơi đập thủy điện Đăk Mi 4 án ngữ, mới có thể hình dung thiên nhiên đã hi sinh những gì để con người có cuộc sống hiện đại ngày nay. Lòng sông cạn trơ đáy, lộ ra những rạn đá ngầm với hình thù khác nhau, nhiều vệt đá vân mây đẹp mê mẩn. Tuyệt tác ấy là kết quả của dòng sông xưa kia bao đời chảy mãnh liệt, luồn lách qua những vách đá, đưa nước, đưa phù sa về với đồng bằng, rồi đổ ra cửa biển.

7a.jpg
Xói lở gây nên cảnh hoang toàn trên bãi biển nổi tiếng của Châu Á
anh-3.1.jpg
Trong nhiều năm trước, nỗi lo “biển lấn” với tốc độ nhanh luôn luôn hiện hữu vào mỗi mùa mưa bão tại Cửa Đại
cua-dai-6-.jpg
Những giải pháp thủ công chưa thể phát huy hiệu quả trong việc chống biển lấn

Nhưng bây giờ, nước, cát và phù sa chẳng còn về xuôi nhiều như trước, hạ nguồn thiếu bùn cát "tiếp tế", trở thành một trong những nguyên nhân gây xói lở. Nghiên cứu về quá trình xói lở bờ biển Hội An chỉ ra rằng, quá nửa lượng bùn cát của hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn bị giữ lại ở hồ thủy điện Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2, gây nên sự suy giảm trầm tích từ sông đưa ra cửa biển. Khi lượng trầm tích từ sông đưa ra không đủ để bù đắp với lượng trầm tích bị mang đi do sóng và dòng chảy thì xói lở sẽ gia tăng.

Sự suy giảm trầm tích cũng xuất phát từ vấn đề khai thác cát vượt trữ lượng cho phép dọc hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn. Các điểm khai thác cát đã được khảo sát, tính toán về trữ lượng, đánh giá tác động đến môi trường. Tuy nhiên, vì lợi ích, nhiều doanh nghiệp khai thác cát ven sông Vu Gia - Thu Bồn đã không tuân thủ giấy phép, bỏ qua đánh giá tác động môi trường. Khi lượng cát bị lấy đi tại khu vực sông nhiều hơn thì lượng cát tương ứng bù đắp phải nhiều hơn, gây nên sự thiếu hụt vật chất bồi đắp cho phía hạ nguồn, cửa sông.

anh-3.4a.jpg
Chung sống hài hòa với thiên nhiên từ việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường
cuadai8.jpg
Người dân Hội An “vá” biển Cửa Đại trước tình trạng xói lở nghiêm trọng vào năm 2020

Tất nhiên, thiếu hụt trầm tích từ sông đưa ra cửa biển chỉ là một trong rất nhiều nguyên nhân gây xói lở bờ biển Cửa Đại. Vì vậy, để chống xói lở, hồi sinh Cửa Đại, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, hóa giải từng nguyên nhân. Ngoài trực tiếp xây kè ngầm, bồi cát nuôi bãi, có chiến lược tổng thể về quản lý bờ biển, cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác cát lòng sông, nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường biển. Về lâu dài, định hướng phát triển kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu của địa phương sẽ là kim chỉ nam để phát triển trong mối quan hệ hài hòa với thiên nhiên.

bai1-sub2.jpg

Theo phân vùng phát triển, Quảng Nam chia thành 2 vùng Đông và Tây với định hướng phát triển khác nhau, trong đó vùng Đông (gồm các địa phương giáp biển) sẽ là vùng phát triển động lực của tỉnh. Trong định hướng, Quảng Nam xác định lấy phát triển bền vững kinh tế biển làm trọng tâm, xây dựng tỉnh trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển của quốc gia. Ở hướng này, phát triển du lịch - dịch vụ biển và công nghiệp gắn với biển là một trong những yếu tố quan trọng, giữ vai trò then chốt.

Đường ven biển Võ Chí Công được xem là trục "xương sống" của vùng Đông Quảng Nam khi là tuyến kết nối các trung tâm kinh tế lớn của tỉnh và có giá trị về liên kết vùng. Tuyến đường này bắt đầu từ cầu Cửa Đại kết nối đến Khu kinh tế mở Chu Lai. Dọc tuyến là các khu du lịch ven biển quy mô lớn, thành phố tỉnh lỵ và các đô thị ven biển,... Nếu hình dung đường Võ Chí Công như một phi cơ hội tụ các yếu tố để đưa Quảng Nam cất cánh trong giai đoạn mới thì Khu kinh tế mở Chu Lai là động cơ một bên cánh tàu bay, đại diện cho ngành công nghiệp, còn Hội An - Cửa Đại là động cơ bên cánh còn lại, đại diện cho ngành du lịch - dịch vụ. Con tàu kinh tế muốn vươn xa, vươn cao thì động cơ hai bên phải ổn định, đủ điều kiện để tạo lực đẩy và đảm bảo cho sự cân bằng.

Vì vậy, ý nghĩa chống xói lở biển Cửa Đại không chỉ dừng lại ở việc giữ đất, giữ tài sản, an toàn cho người dân, ứng phó với biến đổi khí hậu mà còn khẳng định Quảng Nam đang nỗ lực để giữ biển, củng cố các giá trị của biển để làm bàn đạp phát triển và tiến ra biển.

anh-3.2.jpg
Nhiều khu du lịch đã từng đứng trước nguy cơ khi tình trạng biển lấn hoành hành tại Cửa Đại
ong-ho-quang-buu-pho-chu-tich-ubnd-tinh-quang-nam.jpg
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, xác định tầm quan trọng của biển đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, những năm qua, Quảng Nam đã thực hiện các giải pháp để phát huy tiềm năng, thế mạnh của biển và khu vực ven biển. Trong đó, phát triển kinh tế biển luôn đi đôi với bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo quản lý, kiểm soát chặt các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải, nước thải tại khu vực ven biển (đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu, cụm công nghiệp; hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc online kết nối truyền dữ liệu về cơ quan quản lý,...); Thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn; Thúc đẩy hoạt động thu hồi, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh; Nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội, thay đổi cách ứng xử và thói quen không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần hay túi ni lông khó phân hủy. Cùng với đó, phê duyệt hành lang bảo vệ bờ biển, bảo vệ dải đất ven biển, duy trì giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ với 29 khu vực, tổng chiều dài bờ biển cần bảo vệ là hơn 45km, đã thực hiện cắm 250 mốc theo quy chuẩn để bảo vệ và bàn giao cho 6 địa phương quản lý theo quy định.

Tỉnh đã định hướng mạnh mẽ phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Với lợi thế từ biển, cùng các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu, ứng phó xâm thực đang được triển khai, nhiều chuyên gia cũng đã góp ý, đề xuất tỉnh cân nhắc về các dự án sản xuất năng lượng tái tạo từ sóng biển. Các dự án này có thể tích hợp trên hệ thống đê biển sẵn có, vừa tối ưu chi phí đầu tư, vừa giảm tác động đáng kể của sóng biển lên đê, từ đó tăng thời gian sử dụng cho hệ thống đê biển. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu cung ứng điện khi các khu công nghiệp phát triển và mở rộng, kéo theo nhu cầu điện công nghiệp và điện sinh hoạt ngày càng tăng.

dji_20240529112654_0098_d.jpg
Giải pháp kè ngầm chắn sóng tiếp tục được triển khai để phát huy hiệu quả trong chống xói lở biển Cửa Đại

Giữ biển để vươn lên từ biển, hay nói cách khác, chung sống hài hòa, phát triển thuận thiên là mục tiêu mà xã hội đang hướng đến, trong tầm nhìn, định hướng phát triển của quốc gia và mỗi địa phương, trên từng dự án đang triển khai và hơn hết là trong ý thức của mỗi con người. Thành công từ dự án hồi sinh biển Cửa Đại sẽ là động lực để Quảng Nam đẩy mạnh lộ trình hiện thực hóa khát vọng phát triển xanh, bắt đầu từ giữ màu xanh của biển.

Bài, ảnh: LÊ QUỐC DUY
Địa chỉ: phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng

Trình bày: TÙNG QUÂN

anhcuoi.jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Longform: Hồi sinh biển Cửa Đại - Kỳ 3: GIỮ BIỂN ĐỂ VƯƠN LÊN TỪ BIỂN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO