Xã hội

Quảng Nam: An cư, lạc nghiệp cho người dân vùng sạt lở

Võ Hà 15/08/2023 - 21:13

Với phương châm “nơi ở mới phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ”, giúp đồng bào dân tộc thiểu số an cư lạc nghiệp, trong những năm qua, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã di dời các hộ dân vùng sạt lở, ảnh hưởng bởi thiên tai đến nơi an toàn đồng thời tập trung hỗ trợ người dân phát triển sinh kế.

Ổn định đời sống người dân vùng sạt lở

Khu vực miền núi Quảng Nam gồm các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn có địa hình hầu hết là đồi núi, độ dốc lớn, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai như lũ quét, sạt lở đất. Đặc biệt, những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan liên tục xảy ra đã tác động rất lớn đến đời sống và sản xuất của người dân.

kinhte1.jpg
Những năm qua, tỉnh Quảng Nam dành nhiều nguồn lực để di dân vùng sạt lở đến nơi an toàn, an cư lạc nghiệp

Điển hình năm 2020, trên địa bàn huyện Phước Sơn và huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam phải gánh chịu nhiều đợt sạt lở đất đá làm hư hỏng nhiều nhà cửa, tài sản, đường sá và làm chết hàng chục người dân và một số người đến nay vẫn còn mất tích. Trước tình trạng này, tại huyện Phước Sơn, chính quyền địa phương đang nỗ lực tập trung triển khai công tác di dời các hộ dân ở vùng nguy cơ xảy ra sạt lở đến nơi ở mới, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của bà con.

Ông Hồ Công Điểm, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết: Từ năm 2021 đến nay, ngoài việc hỗ trợ các hộ dân vùng nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn, chính quyền huyện cùng các ngành chức năng đã triển khai hoàn thiện 6 khu dân cư (KDC) tập trung với tổng kinh phí hơn 70 tỷ đồng để phục vụ việc di dời hơn 200 hộ dân ảnh hưởng đợt thiên tai vừa qua và bà con ở vùng có nguy cơ sạt lở đất đá.

Theo ông Hồ Công Điểm, mỗi hộ dân khi về các KDC mới được chính quyền huyện bố trí khoảng 150m2 đất, được hỗ trợ khoảng 70 triệu đồng để làm nhà ở. Việc hàng trăm hộ dân ở vùng nguy cơ sạt lở ở huyện Phước Sơn được di dời đến nơi ở mới đã được các ngành chức năng và chính quyền huyện đầu tư cơ sở hạ tầng và đảm bảo các nhu cầu thiết yếu như: điện, đường, nước sinh hoạt đã giúp bà con ổn định cuộc sống.

Tại huyện Nam Trà My, những năm qua, chính quyền huyện cùng các ngành chức năng tỉnh đang tập trung di dời hơn 50 hộ dân làng Tăk Tố, xã Trà Don đến nơi ở mới. Đây là số hộ dân nằm trong hơn 7.820 hộ được hưởng chính sách hỗ trợ nhằm sắp xếp, ổn định đời sống của bà con vùng sạt lở do HĐND tỉnh Quảng Nam thông qua (Nghị quyết 23) hồi tháng 7/2021, giai đoạn 2021-2025, với số vốn đầu tư hơn 968 tỷ đồng.

Tại đây anh Đinh Ngọc Vũ, người dân ở xã Trà Don cho biết: Trước đây chúng tôi sinh sống nơi ở cũ rất lo sợ mỗi khi vào mùa mưa bão. Giờ chúng tôi được bố trí TĐC nơi ở mới, được các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ xây dựng nhà cửa, đường sá, điện lưới, công trình nước để phục vụ bà con. Nhờ vậy cuộc sống của chúng tôi đã ổn định trở lại và yên tâm làm ăn phát triển kinh tế.

kinhte2.jpg
Khu dân cư Bằng La hiện là nơi sinh sống của người dân vùng sạt lở xã Trà Leng

Đã “an cư” rồi sẽ “lạc nghiệp”

Để người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Quảng Nam không chỉ có chỗ ở, mà còn phát triển kinh tế ổn định, từ các chính sách hỗ trợ như Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, thời gian qua, các địa phương miền núi tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều dự án đầu tư, qua đó, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở những vùng đất khó. Nhiều mô hình kinh tế đã được triển khai và mang lại thu nhập bền vững cho người dân.

Trở lại với mảnh đất Trà Leng, nếu không được nghe kể sẽ không thể tưởng tượng được nơi đây đã từng xảy ra thảm hoạ sạt lở đất lấy đi tính mạng và tài sản của dân làng. Sau khi ổn định đời sống vào khu TĐC, người dân Trà Leng đã trở lại sản xuất. Hiện nay nhà cửa, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân cơ bản đảm bảo. Bà con đã được hỗ trợ về cây trồng, con vật nuôi; khôi phục lại diện tích nương rẫy bị bồi lấp để trồng lúa, còn diện tích đất nào không thể khôi phục được thì chuyển đổi qua cây trồng khác.

Bà Đỗ Thị Hai, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Trà Leng cho hay: “Ngay sau trận sạt lở núi, MTTQ, chính quyền các cấp cùng các nhà hảo tâm đã đến tận nơi hỗ trợ, giúp đỡ người dân sớm vượt qua khó khăn. Nhà cửa đã xây dựng, sửa chữa lại cho bà con. Trong sản xuất đã hướng dẫn cho người dân về kỹ thuật trồng cây quế, khôi phục lại diện tích nương rẫy bị bồi lấp đất đá để họ tái thiết sản xuất trở lại”.

Với thế mạnh về dược liệu dưới tán rừng, hiện nay Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam đã tổ chức bàn giao các vườn trồng bảo tồn, kết hợp với sản xuất giống cây dược liệu về cho người dân ở các khu TĐC các huyện Tây Giang, Đông Giang, Phước Sơn, Nam Trà My quản lý, chăm sóc kết hợp nhân giống phát triển sản xuất tại các địa phương, với diện tích 25ha. Qua theo dõi và báo cáo của các đơn vị tiếp nhận, các vườn dược liệu hiện nay sinh trưởng, phát triển khá tốt.

kinhte3.jpg
Sau khi ổn định đời sống vào khu TĐC, người dân đã trở lại sản xuất để thoát nghèo

Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, thời gian qua, huyện Nam Trà My đã tập trung triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng KT - XH, nhiều dự án, công trình đã được đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy phát triển ở địa phương và làm bộ mặt nông thôn miền núi của huyện thay đổi rõ rệt

Theo ông Trần Duy Dũng, trong 3 năm qua, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước đạt hơn 1.026 tỷ đồng. Huyện đã triển khai thực hiện các nghị quyết của tỉnh, tập trung phát triển cây dược liệu, trồng mới 63,3ha sâm Ngọc Linh, 162,8ha cây dược liệu khác.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, về định hướng phát triển kinh tế- xã hội, địa phương tiếp tục ưu tiên sắp xếp dân cư theo Nghị quyết số 12 và số 31 của HĐND tỉnh Quảng Nam; phát triển vùng dược liệu, gắn với phòng tránh giảm nhẹ thiên tai,... Thực hiện tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế rừng và lâm sản ngoài gỗ; Đẩy mạnh xúc tiến, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào miền núi;…

Có thể khẳng định, mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm, đầu tư của chính quyền, người dân ở các vùng sạt lở tại Quảng Nam đang từng bước ổn định và giảm nghèo bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: An cư, lạc nghiệp cho người dân vùng sạt lở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO