Quản lý đất đai tại Thái Nguyên: Nhiều chuyển biến

31/08/2018 09:01

(TN&MT) - Sau 4 năm triển khai Luật Đất đai 2013 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên công tác quản lý Nhà nước về đất đai đã có nhiều chuyển biến tích cực, việc quản lý sử dụng đất đai ngày càng có hiệu lực, hiệu quả, từng bước đi vào nề nếp, góp phần đáng kể vào sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng nhưng bên cạnh đó, vẫn còn một số vướng mắc cần tháo gỡ.

Quản lý đất đai tại Thái Nguyên Nhiều chuyển biến1
Công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có nhiều chuyển biến tích cực. Ảnh: MH

Theo Sở TN&MT Thái Nguyên, Luật Đất đai còn một số nội dung bất cập, thiếu đồng bộ với một số văn bản quy phạm pháp luật khác về đầu tư về thanh toán quỹ đất khi thực hiện dự án theo Hợp đồng xây dựng chuyển giao BT, việc thẩm định nhu cầu sử dụng đất, thẩm định điều kiện giao đất mới chỉ quy định là thực hiện đồng thời, chưa có hướng dẫn cụ thể.

Thực tiễn hiện nay, việc thi hành Luật Đất đai ở một số địa phương vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, như: Việc lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện còn chậm; trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng nhưng chưa được xử lý; việc quản lý, sử dụng đất nông lâm trường còn lãng phí; việc giám sát sử dụng đất tại các dự án, công trình còn lỏng lẻo; việc giao đất có thu tiền và cho thuê đất thông qua đấu giá đất còn hạn chế; việc người dân tự ý làm nhà trên đất nông nghiệp từ trước chưa có phương án xử lý .

Quản lý đất đai tại Thái Nguyên Nhiều chuyển biến2
Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất. Ảnh: MH

Nhằm tăng cường công tác quản lý đất đai trong thời gian tới, Sở TN&MT Thái Nguyên đề xuất một số giải pháp sau: Tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Theo đó, các địa phương tăng cường rà soát, đánh giá đầy đủ tình hình triển khai thi hành pháp luật về đất đai ở các cấp, các ngành, trên cơ sở đó có kế hoạch, biện pháp cụ thể để chấn chỉnh, xử lý, khắc phục kịp thời những tồn tại, bất cập, hạn chế trong việc thực hiện từng nội dung nhiệm vụ quản lý đất đai ở địa phương. Rà soát bãi bỏ, sửa đổi hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ, sửa đổi các quy định đã ban hành nhưng không phù hợp hoặc đã hết hiệu lực.

Bên cạnh đó, khẩn trương triển khai, hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của các cấp bảo đảm chất lượng, đồng bộ, thống nhất và nâng cao tính khả thi; tăng cường việc kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các cấp và các đối tượng sử dụng đất; rà soát điều chỉnh hoặc hủy bỏ các dự án, công trình có trong kế hoạch hàng năm mà đã quá 3 năm nhưng chưa thực hiện theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất;

Một giải pháp khác là chấn chỉnh tình trạng giao đất không đúng quy định. Cụ thể là chấn chỉnh và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận, tính thu nghĩa vụ tài chính về đất đai không đúng quy định của pháp luật; cũng như đối với việc buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép hoặc chậm đưa đất vào sử dụng mà không xử lý kịp thời;

Kiểm tra, rà soát, đánh giá lại tình hình quản lý, sử dụng quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý những trường hợp cho thuê, cho mượn trái phép, sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng, không lập hồ sơ cho thuê đất công ích hoặc hồ sơ không đầy đủ, rõ ràng, không thực hiện đăng ký đất đai theo quy định.

Ngoài ra, rà soát các tổ chức phải chuyển sang thuê đất; tăng cường công tác xác định giá đất; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra đã ban hành để phát hiện, xử lý kiên quyết, dứt điểm các vi phạm, không để tồn tại kéo dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý đất đai tại Thái Nguyên: Nhiều chuyển biến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO