Luật Đất đai Dự kiến có hiệu lực từ 1/8/2024: Đáp ứng kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp
(TN&MT) - Luật Đất đai 2024 dự kiến được đưa vào thực thi từ 1/8/2024 (sớm hơn dự kiến 5 tháng) kỳ vọng sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, góp phần khơi thông nguồn lực, khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai, đáp ứng nguyện vọng của các địa phương, doanh nghiệp và người dân.
Khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai
Luật Đất đai 2024 đã thể chế hóa toàn diện các chủ trương, chính sách của Đảng, đồng thời tháo gỡ những vướng mắc được rút ra trong tổng kết thực tiễn việc tổ chức thi hành Luật Đất đai 2013 và luật hóa những quy định đã được thực tiễn chứng minh là phù hợp, góp phần khơi thông nguồn lực đất đai để phát triển đất nước.
Do đó, dù Luật quy định có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, song Chính phủ đã đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép cùng với 3 Luật khác có hiệu lực từ ngày 1/8/2024. Chính phủ cho rằng, việc cho phép Luật Đất đai có hiệu lực sớm hơn để sớm khơi thông nguồn lực, khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai, đáp ứng mong mỏi và nguyện vọng của các địa phương, doanh nghiệp và người dân.
Theo Tờ trình, Chính phủ đề xuất cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024. Riêng một số quy định chuyển tiếp tại các điều từ Điều 253 đến Điều 260 Luật Đất đai cho phép có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Cụ thể hơn, theo Chính phủ, trong tổng số 260 điều của Luật Đất đai, có 97 điều giao Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng, Hội đồng nhân dân, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật. Đối với các nội dung không phải quy định chi tiết thì thực hiện được ngay mà không cần chờ văn bản hướng dẫn, đặc biệt là các nội dung liên quan đến quyền của người sử dụng đất.
Tương tự, nhiều chính sách trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có thể thực hiện được ngay mà không cần phải hướng dẫn chi tiết (chính sách miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, dự án xây dựng nhà ở xã hội; đối tượng và điều kiện hưởng chính sách nhà ở xã hội.
Đối với các quy định chuyển tiếp tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng rà soát, đánh giá tác động những vướng mắc có thể phát sinh đối với các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, bao gồm tác động đối với doanh nghiệp đang thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất và những nội dung chuyển tiếp trong 3 Luật. Đồng thời có phương án phù hợp thể chế hóa trong Luật nhằm đảm bảo không gây khó khăn, vướng mắc cho công tác quản lý đất đai, nhà ở, thị trường bất động sản, đảm bảo quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân khi tham gia các quan hệ về đất đai, nhà ở, thị trường bất động sản đã được quy định.
Về tiến độ xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật trên, Chính phủ khẳng định, có đầy đủ cơ sở để các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật sẽ đảm bảo tiến độ, chất lượng để triển khai thi hành khi các luật này có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.
Bám sát thực tiễn và giải quyết được thực tiễn
Theo Bộ TN&MT, Bộ được phân công chủ trì soạn thảo 10 văn bản gồm 6 Nghị định và 4 Thông tư. Hiện Bộ đang tập trung nguồn lực để xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật được giao. Đến nay, Nghị định số 42/2024/NĐ-CP ngày 16/4/2024 quy định về hoạt động lấn biển đã được Chính phủ ban hành.
4 dự thảo Nghị định gồm: Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai; Nghị định quy định về giá đất đã được Bộ xây dựng theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hồ sơ gửi Chính phủ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì nhiều cuộc họp với các bộ, ngành, hiệp hội, chuyên gia và kết nối trực tuyến với 63 địa phương về 4 Dự thảo Nghị định. Ông đã nhiều lần khẳng định: "Xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn, vì thực tiễn và giải quyết được thực tiễn, nên dù mất thời gian, công sức nhưng chúng ta sẽ giải quyết được khó khăn trong quá trình thực thi pháp luật".
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, các bộ, ngành khẩn trương rà soát, xây dựng, hoàn thiện các thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong xây dựng, ban hành các văn bản, quyết định đã được quy định trong Luật.
Theo bà Đoàn Thị Thanh Mỹ - Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ TN&MT), việc rút ngắn thời gian xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng. "Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo xây dựng sớm, trong quá trình xây dựng hồ sơ Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội từ kỳ họp Quốc hội thứ 4 tới khi được thông qua. Ngay sau khi được Quốc hội thông qua, Bộ đã chỉ đạo, phân công rõ trách nhiệm của các đơn vị trong việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật. Bên cạnh đó, xác định các Dự thảo Nghị định quy định chi tiết của Luật Đất đai chủ yếu là hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp thực hiện nên chúng tôi luôn lắng nghe những ý kiến góp ý của địa phương, doanh nghiệp để hoàn thiện" - bà Mỹ cho biết.
Tại Phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy nhanh hiệu lực thi hành các Luật và Chính phủ đã rất nỗ lực để xây dựng và hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, qua thảo luận và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định dự án Luật này, đồng thời, đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ban hành các văn bản hướng dẫn bảo đảm chất lượng, tiến độ, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thi hành luật từ ngày 1/8/2024…
Ngày 14/6/2024, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký chứng thực Nghị quyết số 129/2024/QH15 Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Trong đó, Quốc hội quyết nghị bổ sung vào Chương trình, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 6/2024) theo quy trình tại một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.
Đánh giá về việc Chính phủ đề xuất Luật Đất đai và 3 Luật khác có hiệu lực sớm vào 1/8, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tin tưởng, khi các Dự án Luật này có hiệu lực sẽ tác động ngay đến thị trường bất động sản, đáp ứng sự mong đợi của chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Theo Đại biểu, khi tiếp xúc cử tri, họ cũng bày tỏ mong muốn và rất kỳ vọng, đặc biệt Luật Đất đai có hiệu lực sớm sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc. Điển hình như lâu nay, nhiều trường hợp đất không có tranh chấp, khiếu kiện, nhưng vẫn không được cấp quyền sử dụng đất. Nhưng khi Luật Đất đai 2024 mới có hiệu lực, những trường hợp này sẽ được cấp sổ đỏ nếu được địa phương xác nhận đất “không có tranh chấp”.
Cũng theo Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, việc đền bù giải phóng mặt bằng cũng sẽ được đẩy nhanh hơn, bởi khi đó sẽ áp dụng theo giá thị trường. Dự án thu hồi phục vụ lợi ích công cộng có giá đền bù khác, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, có chênh lệch địa tô, mức giá đền bù cũng sẽ khác. Một điểm mới đáng chú ý khác, khi Luật có hiệu lực, sẽ cho phép người nước ngoài có quốc tịch Việt Nam được mua nhà đất tại Việt Nam… những việc này sẽ tác động rất tích cực đến thị trường bất động sản.