Phú Yên: Nỗ lực giảm nghèo bền vững
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Phú Yên đặt ra mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tỉnh Phú Yên có 32 dân tộc thiểu số sinh sống, chủ yếu là các dân tộc: Ê Đê, Chăm, Ba Na… Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đời sống kinh tế của người đồng bào dân tộc thiểu số đã từng bước phát triển, diện mạo vùng cao, vùng nông thôn ngày càng khởi sắc. Trong giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh Phú Yên phân bổ nguồn vốn của Trung ương thực hiện chương trình này trên địa bàn tỉnh là 323,18 tỷ đồng. Năm 2022 đã phân bổ 105,63 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển 62,9 tỷ đồng, kinh phí sự nghiệp là 105,63 tỷ đồng. UBND tỉnh Phú Yên đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hướng dẫn chuyên môn cho cán bộ cấp huyện, xã để triển khai thực hiện chương trình.
Diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thiên tai đã ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất của một bộ phận người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh (gồm hộ nghèo và cận nghèo) là 12,12%, tương đương với 31.882 hộ. Bên cạnh việc huy động nguồn lực hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở và cho vay vốn lãi suất thấp phát triển kinh tế, các tổ chức, đơn vị, ban ngành liên quan trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, giải pháp nhằm góp phần cùng địa phương trong công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh giai đoạn 2021- 2025, trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình thực hiện các chương trình đã đạt được một số kết quả tích cực. Tình hình giải ngân vốn, nhất là vốn đầu tư công các chương trình MTQG đã có chuyển biến rõ nét. Việc chủ động lồng ghép các nguồn vốn trung ương, địa phương và nguồn vốn huy động để thực hiện các công trình dự án thuộc các chương trình mang lại hiệu quả tích cực đa chiều, đa mục tiêu, góp phần hoàn thành đồng thời các mục tiêu của từng chương trình, dự án.
Đến ngày 30/6, tình hình thực hiện dự toán, giải ngân vốn ngân sách Nhà nước các chương trình MTQG thực hiện 79.921 triệu đồng, đạt 12,67% tổng vốn kế hoạch năm 2023 (bao gồm chuyển nguồn). Nguồn ngân sách trung ương khoảng 76.479 triệu đồng, đạt 13,1% kế hoạch năm. Trong đó Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS-MN) 33.141 triệu đồng (đạt 11,2%); Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững 3.615 triệu đồng (đạt 4,8%); Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là 39.723 triệu đồng (đạt 18,5%). Ngân sách tỉnh là 3.442 triệu đồng, đạt 7,3%. Trong đó: Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là 3.442 triệu đồng (đạt 13,2%), Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS-MN và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững chưa phân bổ chi tiết nên chưa giải ngân vốn.
Theo đánh giá, tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân vốn các nội dung chương trình MTQG tại địa phương còn chậm; một số bộ, ngành trung ương chưa có văn bản hướng dẫn đầy đủ, kịp thời về thực hiện các chương trình MTQG, các dự án, tiểu dự án thành phần; nguồn lực ngân sách cấp tỉnh, huyện, xã hỗ trợ thực hiện các chương trình MTQG còn hạn chế…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND Lê Tấn Hổ cho rằng, các chương trình MTQG mang tính nhân văn, thể hiện được sự quan tâm, chăm lo đời sống của người dân, đặc biệt là người nghèo, người đồng bào các DTTS-MN. Để thực hiện hiệu quả các chương trình MTQG trong 6 tháng cuối năm 2023, Phó Chủ tịch tỉnh đề nghị các địa phương phải tập trung rà soát lại các quy hoạch liên quan đến việc triển khai các công trình, dự án thuộc 3 chương trình này.
Theo đó, các sở, ngành cần chủ động làm việc với các bộ, ngành Trung ương nhằm tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong hướng dẫn thực hiện và giải ngân nguồn vốn các chương trình. Các địa phương cần phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các sở ngành để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình, dự án, ưu tiên giải ngân hết nguồn vốn năm 2022, đồng thời có giải pháp tích cực trong công tác giải ngân nguồn vốn năm 2023 đạt tỉ lệ cao.
Phó chủ tịch tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của tỉnh và các ngành, các cấp liên quan đến việc thực hiện các chương trình MTQG; tăng cường đôn đốc, giám sát việc thực hiện các chương trình, dự án; kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc để tiếp tục tháo gỡ góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình MTQG.