Xã hội

Phú Thọ: Phát triển kinh tế nhờ nuôi lợn rừng lai

Hoàng Hiền 02/11/2023 - 16:39

(TN&MT) - Những năm gần đây, phong trào thanh niên khởi nghiệp làm kinh tế tại các vùng nông thôn đang phát triển mạnh mẽ và thu được nhiều kết quả. Tại Phú Thọ, với sự kiên trì, quyết tâm, không ngại gian khổ, anh nông dân Hoàng Văn Hòa đã vươn lên phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương mình.

Với suy nghĩ phải làm giàu bằng được ngay chính trên mảnh đất quê hương của mình, anh Hoàng Văn Hòa, sinh năm 1991, ở xã Ngọc Lập, huyện Yên Lập (tỉnh Phú Thọ) đã không ngừng sáng tạo, tìm tòi và tham khảo nhiều mô hình thanh niên khởi nghiệp, làm kinh tế từ nông nghiệp. Nhận thấy chăn nuôi là lĩnh vực đang có nhiều tiềm năng, năm 2014, sau khi tham khảo các mô hình chăn nuôi thành công anh bắt tay vào đầu tư và thực hiện ý tưởng khởi nghiệp của mình.

Tốt nghiệp Cao đẳng y nhưng anh Hòa lại chọn cho mình một hướng đi riêng đó là phát triển kinh tế từ chăn nuôi lợn rừng. Anh Hòa chia sẻ, anh muốn phát triển mở rộng hơn nữa mô hình nuôi lợn rừng. Với kinh nghiệm 10 năm chăn nuôi lợn rừng, anh nhận thấy lợn rừng là loài vật dễ nuôi, nếu tuyển chọn con giống một cách cẩn thận, kỹ càng thì chất lượng sản phẩm đầu ra sẽ rất đảm bảo.

lon-rung-lai-phu-tho-2-1687154543764331736885.jpg
Anh Hoàng Văn Hòa chăn nuôi lợn rừng lai bằng lá chuối, thân cây chuối

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi lợn, anh Hòa cho biết, việc đầu tiên là tiến hành quy hoạch và xây dựng chuồng trại để chăn nuôi lợn bao gồm khu chăn nuôi lợn nái sinh sản và khu chăn nuôi lợn thịt, lợn giống với với các điều kiện đảm bảo cho chăn nuôi lợn khép kín, khai thác tối đa tiềm năng năng suất của giống lợn rừng lai. Trung bình một năm anh đầu tư chăn nuôi từ 300 - 400 con lợn rừng lai, mỗi năm nuôi 2 lứa lợn thịt.

Theo anh Hòa, heo rừng lai là con lai giữa heo rừng đực với heo nái là heo địa phương thả rông (giống heo gần như hoang dã) tạo ra con lai với ưu thế lai cao của cả bố và mẹ: Có sức đề kháng mạnh, khả năng chịu đựng kham khổ với môi trường sống tự nhiên cao, ít dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt rất thấp… Với ưu điểm không cần chuồng trại cầu kỳ, có thể nuôi thả rông, nguồn thức ăn đơn giản, sẵn có như lá chuối… nên loài heo này phù hợp để phát triển kinh tế.

Sản phẩm lợn rừng lai của gia đình anh luôn được các thương lái đến mua tận nơi. Bình quân 1 năm anh thu được trên 300 triệu đồng từ mô hình nuôi lợn rừng lai, kinh tế gia đình được vững vàng và phát triển hơn. Hằng năm, số lượng lợn bán ra đều đảm bảo, chỉ riêng trong dịp Tết, số lợn bán được có thể lên tới gần 100 con, thu về trên 200 triệu đồng.

Để nhân rộng mô hình nuôi lợn, giúp đỡ bà con trong khu cùng vươn lên phát triển kinh tế, anh đầu tư con giống chuyển giao kinh nghiệm chăn nuôi cho các bạn đoàn viên có cùng chí hướng. Bên cạnh việc tích cực tham gia phát triển kinh tế, anh Hòa cũng thường xuyên tham gia các hoạt động Đoàn, Hội tại địa phương. Bằng những kinh nghiệm nuôi lợn rừng lai có được trong quá trình làm kinh tế, anh luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ những đoàn viên, thanh niên có khát vọng và ý tưởng làm giàu trên mảnh đất quê hương.

lon-rung-lai-phu-tho-1-1687154518704301128254.jpg
Đàn lợn rừng của anh Hoàng Văn Hòa

Anh Vũ Đình Ngọc, Phó bí thư Huyện đoàn Yên Lập (tỉnh Phú Thọ) cho biết: “Mô hình nuôi lợn rừng lai của đồng chí Hoàng Văn Hòa, xã Ngọc Lập là mô hình tiêu biểu. Bên cạnh việc phát triển kinh tế, đồng chí Hòa còn giúp đỡ các hộ gia đình có đoàn viên thanh niên ở khu vực. Tiêu biểu là việc đồng chí Hòa đã giúp đỡ, tạo việc làm cho 5 - 6 đoàn viên khác cùng tham gia mô hình của mình”

Có thể khẳng định với sự kiên trì, quyết tâm, không ngại gian khổ, anh Hoàng Văn Hòa đã bước đầu gặt hái được những kết quả tốt đẹp trong quá trình phát triển kinh tế từ chăn nuôi lợn rừng lai. Qua đó, khẳng định được tinh thần dám nghĩ, dám làm, ý chí vươn lên của thế hệ trẻ hôm nay, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đẩy mạnh phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp tại địa phương...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phú Thọ: Phát triển kinh tế nhờ nuôi lợn rừng lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO