Nông nghiệp Gia Lai: Thích ứng biến đổi khí hậu giúp người dân giảm nghèo bền vững

Quế Mai (thực hiện)| 13/10/2022 08:50

(TN&MT) - Thời gian qua, các mô hình nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) triển khai trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã giúp người dân ổn định thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Ngọc An - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai về vấn đề này.

PV: Xin ông cho biết, để giúp người dân ổn định sản xuất, vươn lên thoát nghèo, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai đã áp dụng những mô hình phát triển kinh tế ứng phó với BĐKH nào?

6-7a-1-.jpg

Ông Vũ Ngọc An - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai

Ông Vũ Ngọc An: Gia Lai là tỉnh thuần nông, ngành nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Những năm gần đây, BĐKH xảy ra trên địa bàn gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan: lũ lụt, khô hạn, mưa trái mùa…, tác động trực tiếp đến năng suất, chất lượng các loại cây trồng và thu nhập của người nông dân.

Điển hình như vụ Đông Xuân 2015 - 2016, do ảnh hưởng của BĐKH, nắng nóng liên tục kéo dài gây khô hạn, thiếu nước tưới trên hơn 30.550ha cây trồng các loại; giá trị thiệt hại ước tính trên 840 tỷ đồng. Năm 2018, mưa lớn kéo dài trên địa bàn tỉnh đã làm hơn 6.730ha hồ tiêu bị thiệt hại với tổng giá trị thiệt hại khoảng gần 3.770 tỷ đồng.

Những năm qua, ngành trồng trọt của tỉnh đã hướng dẫn các địa phương, người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng để ứng phó với BĐKH. Nhìn chung, hầu hết cây trồng được chuyển đổi khá phù hợp với điều kiện đất đai và thích ứng với BĐKH. Một số mô hình chuyển đổi hiệu quả như: trồng khoai lang Nhật; dứa cayen, ớt, chuối tiêu hồng, ngô ngọt, chanh dây…, đã cho năng suất, chất lượng tốt, hiệu quả kinh tế cao.

Bên cạnh đó, được sự quan tâm hỗ trợ kinh phí của Trung ương và sự chỉ đạo của địa phương, tỉnh Gia Lai đã thực hiện được 4 dự án bố trí sắp xếp, ổn định dân cư vùng thiên tai, với quy mô 307 hộ, tổng kinh phí thực hiện 68,228 tỷ đồng. Các dự án này có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp người dân ổn định nơi ở, đảm bảo an sinh xã hội, yên tâm sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế.

Nhờ áp dụng chính sách xã hội đi đôi với phát triển kinh tế gắn với mô hình ứng phó BĐKH triển khai tại tỉnh Gia Lai đã giúp người dân, đặc biệt là các hộ khó khăn, đồng bào DTTS vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng tại địa phương.

PV: Việc triển khai các mô hình phát triển kinh tế - xã hội gắn với ứng phó BĐKH trên địa bàn tỉnh Gia Lai có gặp khó khăn gì, thưa ông?

Ông Vũ Ngọc An: Mô hình phát triển nông nghiệp gắn với ứng phó BĐKH hiện nay tại tỉnh Gia Lai dù đã ghi nhận hiệu quả nhưng vẫn chưa triển khai thực hiện đồng bộ, rộng khắp, đặc biệt là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Nguyên nhân chủ yếu do nhận thức của người dân còn hạn chế, cộng với thói quen canh tác tự do, chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng, hiệu quả kinh tế và giá trị gia tăng của sản phẩm khiến việc triển khai mô hình tại các địa bàn trên còn chậm.

6-7a-3-.jpg

Giai đoạn 2016 - 2022, tỉnh Gia Lai đã thực hiện chuyển đổi hơn 4.937ha đất trồng lúa thường xuyên bị hạn và khoảng 36.755ha diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn, thích ứng với BĐKH. Gia Lai hiện có khoảng 18 vùng nông nghiệp và 78 dự án chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo hoạt động xanh hóa sản xuất nông nghiệp và mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân địa phương giảm nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, việc đầu tư cải tạo, nâng cấp, phát triển hệ thống thủy lợi còn hạn chế, đầu ra của các sản phẩm cây trồng sau chuyển đổi chưa thực sự ổn định dẫn đến các mô hình chuyển đổi chưa được nhân rộng và phát triển bền vững; thiếu nguồn lực tài chính, thiếu quyết liệt trong triển khai thực hiện nên hiệu quả chưa cao.

Mặt khác, công tác thông tin, tuyên truyền, vận động ở địa phương, cơ sở chưa thường xuyên, nên hầu hết người dân chưa nắm bắt được kế hoạch, nội dung và thủ tục chuyển đổi theo quy định; diện tích chuyển đổi cây trồng của người dân còn nhỏ lẻ, manh mún cả về quy mô lẫn hình thức, khó áp dụng cơ giới hóa cũng như các tiến bộ kỹ thuật nên năng suất, chất lượng nông sản còn thấp, hiệu quả kinh tế chưa xứng với tiềm năng.

PV: Thời gian tới, thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện ảnh hưởng của BĐKH, Gia Lai có những định hướng, giải pháp nào để phát triển các mô hình trên, thưa ông?

Ông Vũ Ngọc An: Nhằm giúp người dân sản xuất, trồng trọt thích ứng với BĐKH mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tỉnh Gia Lai đã định hướng người dân chuyển đổi một số diện tích lúa, mì, cao su, tiêu… kém hiệu quả sang phát triển các loại rau, hoa, cây ăn quả, cây dược liệu, hoặc chuyển sang phát triển các dự án chăn nuôi và phát triển hạ tầng, xây dựng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng tái tạo...

6-7a-2-.jpg

Mô hình trồng khoai lang Nhật mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân huyện Phú Thiện (Gia Lai)

Hiện nay, Sở NN&PTNT đang xây dựng Đề án Chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao thích ứng với BĐKH giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đề án sau khi trình UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt sẽ ban hành và triển khai thực hiện trên toàn địa bàn tỉnh.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông nghiệp Gia Lai: Thích ứng biến đổi khí hậu giúp người dân giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO