Xã hội

Nông dân Thái Bình đổi mới tư duy để làm giàu

Lan Chi 17/06/2024 20:14

(TN&MT) - Trong thời đại bùng nổ công nghệ số, cùng với tư duy sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nhiều nông dân Thái Bình đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế và mang lại thu nhập cao cho bản thân và cộng đồng.

nong_dan_thanh_pho_thai_binh_lien_ket_lam_giau_16584024052024-2-.jpg
Nông dân Thái Bình mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế

Làm giàu từ nuôi cá rô đầu vuông

Là người đam mê và nặng lòng với nông nghiệp, cùng với việc bắt kịp xu thế và thị hiếu thị trường, ông Bùi Văn Khoản, Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ Tín dụng nhân dân Duyên Hải (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) là một trong những người tiên phong của địa phương mạnh dạn đưa con cá rô đầu vuông vào chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Xuất thân từ gia đình thuần nông nên sau những giờ làm việc tại Quỹ Tín dụng nhân dân, ông Khoản lại dành thời gian làm kinh tế gia đình. Ông làm chủ 2 trang trại chăn nuôi lợn với quy mô gần 2.500 con mỗi năm. Sau đó, vào năm 2021, ông đầu tư thời gian tìm hiểu về cá rô đầu vuông.

Thời gian đầu, do không có kinh nghiệm nên cá chết hàng loạt. Tuy nhiên, ông vẫn kiên trì học hỏi và đến nay đã thành công trong việc nuôi cá rô đầu vuông. Với hơn 5 sào ao nuôi cá rô đầu vuông, mỗi năm ông nuôi 1 lứa thu lãi gần 800 triệu đồng.

079da6b69a870dafd400b0b761192747.jpg
Trang trại chăn nuôi lợn quy mô khá lớn và khu ao nuôi cá rô đồng của gia đình ông Khoản tại xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình)

Theo ông Khoản, đây là loại cá dễ nuôi, nhanh lớn và có thể nuôi được với mật độ dày, thời gian nuôi ngắn, trung bình chỉ từ 4 - 5 tháng là có thể bán được và cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với các loại cá truyền thống. Hơn nữa, thịt cá rô đầu vuông thơm ngon nên được thị trường ưa chuộng, nhờ đó đến kỳ xuất bán thương lái thu mua tận ao.

Không chỉ mang lại thu nhập cao cho gia đình, ông Khoản còn tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động với thu nhập hơn 5 triệu đồng/người/tháng.

Nuôi tôm công nghệ cao tạo thu nhập cao

Cũng làm giàu từ chăn nuôi, anh Phạm Đức Bảng và các hộ gia đình tại xã Thái Thượng (huyện Thái Thụy) đã nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao, mang lại thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng.

Trước đây, nông dân xã Thái Thượng chủ yếu nuôi giống tôm thẻ chân trắng theo hình thức quảng canh. Tôm được nuôi trong môi trường tự nhiên với mật độ thấp nên các hộ sẽ phải phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khó kiểm soát dịch bệnh và mỗi năm chỉ có thể sản xuất 2 vụ.

Không muốn chứng kiến cảnh đầm tôm bỏ trống vào mùa đông, năm 2015, anh Phạm Đức Bảng cùng nhiều hộ nuôi tôm trong xã đã mạnh dạn học hỏi và chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm công nghệ cao từ Nha Trang. Tận dụng diện tích đầm tự nhiên, anh Bảng đã đầu tư khoảng 4 tỷ đồng để xây dựng 4 bể nuôi tôm trong nhà bạt và khu xử lý nước với tổng diện tích 5.000m2. Anh cũng lắp đặt các thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất như: máy sục, máy đo nhiệt độ, máy cho ăn tự động, camera giám sát...

Từ khi bắt tay vào nuôi tôm công nghệ cao, thay vì chỉ sản xuất 2 vụ tôm mỗi năm, anh Bảng có thể duy trì sản xuất 4 mùa nhờ có thể kiểm soát được nhiệt độ, môi trường và thức ăn của tôm. Việc nuôi và thu hoạch tôm cũng rất thuận tiện, chỉ với 2 lao động đã có thể quản lý mô hình.

Hiện tại, mỗi năm anh sản xuất được 4 vụ, mỗi vụ cho thu hoạch khoảng 4 - 5 tấn tôm, với kích cỡ lớn khoảng 40 con/kg. Đáng chú ý, mô hình nuôi tôm công nghệ cao đã tạo thu nhập trung bình hàng năm khoảng 4 - 5 tỷ đồng, hiệu quả cao gấp 20 lần so với hình thức nuôi truyền thống.

Được biết, toàn xã Thái Thượng hiện có 35 hộ đang phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao với tổng diện tích là 10ha. Mô hình của gia đình anh Phạm Đức Bảng là một trong những mô hình tiêu biểu của địa phương nhờ được đầu tư bài bản và khoa học. Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục tư vấn, hỗ trợ, tạo điều kiện để các hộ mở rộng sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế; đồng thời tuyên truyền, vận động các hội viên, nông dân học tập kinh nghiệm làm giàu từ anh Bảng.

Cũng tại huyện Thái Thụy, ông Nguyễn Như Lĩnh, xã Thụy Thanh đã tìm tòi, nghiên cứu và bắt tay vào chế tạo máy thái bèo, không chỉ mang lại thu nhập cao cho gia đình ông mà còn tạo công ăn việc làm cho hơn 40 lao động địa phương. Năm 2004, sau khi vay mượn được số vốn khoảng 200 triệu đồng, ông Lĩnh xây dựng nhà xưởng và chế tạo thêm nhiều loại máy nông nghiệp nhỏ như: máy băm rơm, máy tuốt lạc, máy thái củ... Nhờ sự kiên trì, không ngừng học hỏi, ông Lĩnh thành lập Doanh nghiệp tư nhân điện cơ Thiên Thuận với nhà xưởng rộng 5.000m2.

Hiện tại, mỗi năm doanh nghiệp cung cấp cho thị trường trong nước và các nước Lào, Campuchia khoảng 20 vạn máy nông nghiệp nhỏ. Doanh thu năm 2023 ước tính đạt 20 tỷ đồng. Dự kiến cuối năm nay, ông Lĩnh sẽ mở rộng nhà máy sản xuất lên 19.000m2, nâng doanh thu lên khoảng 70 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân Thái Bình đổi mới tư duy để làm giàu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO