Môi trường

Thái Bình: Đẩy mạnh triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn

Trung Dũng 09/10/2024 - 16:29

Từ ngày 1/1/2025, cả nước sẽ đồng loạt bắt buộc thực hiện phân loại rác tại nguồn. Theo đó, tỉnh Thái Bình đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH). Mục tiêu đến ngày 31/12/2024, 100% các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn.

Xác định việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là trách nhiệm, nhiệm vụ trọng tâm của địa phương; phát huy vai trò tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn giám sát về phân loại CTRSH tại nguồn; đồng thời tăng cường công tác xã hội hóa để huy động tối đa các nguồn lực tham gia vào công tác phân loại CTRSH tại nguồn và thu gom, vận chuyển, xử lý riêng chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại.

phan-loai-chat-thai-ran-sinh-hoat.png
Từ ngày 1/1/2025, cả nước sẽ đồng loạt bắt buộc thực hiện phân loại rác tại nguồn

Vì thế, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành nhiều văn bản về công tác quản lý CTRSH như Quyết định số 06/2024/ QĐ-UBND, ngày 17/4/2024 quy định về quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 92/KH-UBND, ngày 23/5/2024 triển khai thực hiện việc phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 111/ KH-UBND, ngày 27/6/2024 về thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh; Công văn số 2892/UBND-NNTNMT, ngày 31/7/2024 về việc triển khai một số nội dung nhằm đẩy mạnh công tác quản lý CTRSH.

Theo đó, việc thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn được triển khai thực hiện tại tất cả xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 9368/BTNMT- KSONMT ngày 02/11/2023, phù hợp với điều kiện hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, điều kiện thực tế của từng địa phương theo kế hoạch đặt ra.

Bên cạnh việc ban hành các văn bản để thực hiện quản lý chất thải rắn sinh hoạt cũng như tổ chức triển khai phân loại rác tại nguồn, UBND tỉnh Thái Bình đẩy mạnh việc tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật, các quy định liên quan đến phân loại CTRSH tại nguồn; các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh; nguyên tắc, lợi ích của phân loại CTRSH tại nguồn; hướng dẫn kỹ thuật về phân loại CTRSH tại nguồn; việc lưu giữ, chuyển giao, tập kết CTRSH của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; các quy định liên quan đến các chế tài, xử lý vi phạm trong công tác phân loại CTRSH tại nguồn đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

nhieu-mo-hinh-thu-gom-phan-loai-chat-thai-ran-sinh-hoat-tai-nguon-da-duoc-trien-khai-o-huyen-hung-ha-thai-binh..jpg
Mô hình thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được triển khai ở huyện Hưng Hà, Thái Bình

Hoạt động phân loại chất thải tại nguồn là một nội dung mới, phần lớn dựa vào ý thức tự giác của mỗi người vì vậy, UBND tỉnh Thái Bình cũng rất chú trọng tới việc tăng cường kiểm tra thường xuyên, sâu sát của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Việc kiểm tra kết quả thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn; thu gom, vận chuyển, xử lý riêng từng loại chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại của các cấp được thực hiện thường xuyên hoặc đột xuất tuỳ thuộc vào điều kiện thực tế của từng địa phương, cơ quan, đơn vị trong suốt quá trình thực hiện. Kết quả kiểm tra là cơ sở để đề xuất, điều chỉnh nội dung và giải pháp thực hiện công tác phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn được hiệu quả hơn; là cơ sở để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm đối với các trường họp chưa tuân thủ, đảm bảo theo quy định và là cơ sở để biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân làm tốt công tác phân loại CTRSH tại nguồn.

Mọi giải pháp đặt ra trong việc phân loại rác tại nguồn chỉ thành công khi có sự tham gia của các sở, ngành, sự phối hợp của các đoàn thể, sự vào cuộc của cộng đồng và người dân. Chính vì vậy, UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu các sở, ngành, huyện, thành phố triển khai đồng bộ, thống nhất, có hiệu quả các nội dung về quản lý CTRSH theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành; tạo cơ sở vững chắc cho việc thực hiện thành công công tác phân loại CTRSH tại nguồn.

Đồng thời tích cực triển khai xây dựng đồng bộ hệ thống quản lý, thu gom, xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh nhằm kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường, sức khỏe nhân dân, góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đồng thời nâng cao chất lượng môi trường, bảo đảm môi trường xanh, sạch, đẹp.

Các huyện, thành phố phấn đấu đạt tỷ lệ trên 92% CTRSH khu vực nông thôn, 100% CTRSH đô thị được thu gom, vận chuyển về khu xử lý rác thải tập trung để xử lý, bảo đảm quy định. Thực hiện quy hoạch vị trí, bố trí quỹ đất cho các khu xử lý chất thải rắn tập trung, công nghệ cao theo Quyết định số 1735/QĐTTg, ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Bình: Đẩy mạnh triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO