Ninh Bình: Tích cực xử lý triệt để các “điểm đen” ô nhiễm

12/02/2014 00:00

(TN&MT) - Nhằm thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 22/4/2003 phê duyệt.

(TN&MT) - Nhằm thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 22/4/2003 phê duyệt. Ninh Bình đã tích cực đẩy nhanh kế hoạch xử lý  triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và các cơ sở mới phát sinh. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, tiến tới kiểm soát và hạn chế được tốc độ gia tăng các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
   
  Theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 8 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải xử lý triệt để thuộc các lĩnh vực. Hiện, tất cả các đơn vị đã chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch nâng cấp, cải tạo xử lý ô nhiễm môi trường của đơn vị mình với thái độ khẩn trương, nghiêm túc.
   
Nước thải từ nghề sản xuất bún, bánh ở thị trấn Yên Ninh - Yên Khánh
    
   
  Đối với cơ sở không thuộc lĩnh vực công ích như Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình, Công ty cổ phần Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Ninh Bình, Công ty cổ phần Bia Ninh Bình đã hoàn thành kế hoạch xử lý ô nhiễm triệt để theo đúng tiến độ của Quyết định 64/2003/QĐ-TTg và được Bộ Tài nguyên và Môi trường chứng nhận.
   
  Cơ sở sản xuất xi măng Cầu Yên (nay là Cơ sở 3 Chi nhánh Công ty cổ phần Đầu tư và Sản xuất công nghiệp - Nhà máy tấm lợp Thái Nguyên) do khó có khả năng thực hiện các giải pháp công nghệ nhằm xử lý bụi, khí thải đạt tiêu chuẩn môi trường cho phép. Vì vậy, UBND tỉnh đình chỉ hoạt động dây chuyền nung clinker (nguồn gây ô nhiễm chính). Ngày 1/7/2006, cơ sở đã ngừng nung clinker, tự động hoá các khâu nghiền xi măng, lắp đặt hệ thống phân ly, lọc bụi tại trạm nghiền xi măng và được Sở Tài nguyên và Môi trường chứng nhận đã hoàn thành việc xử lý triệt để.
   
  Công ty thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đã đầu tư công nghệ mới hiện đại, đồng bộ, xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải theo công nghệ sinh học bằng bùn hoạt hoá, sau khi kiểm tra, năm 2007 Sở Tài nguyên và Môi trường đã chứng nhận cơ sở đã hoàn thành việc xử lý ô nhiễm môi trường.
   
  Đối với cơ sở thuộc lĩnh vực công ích gồm Bệnh viện đa khoa Ninh Bình, Bệnh viện Quân Y 5, các kho thuốc bảo vệ thực vật quá hạn sử dụng do Chi cục Bảo vệ thực vật Ninh Bình quản lý, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các đơn vị liên quan hướng dẫn Chi cục bảo vệ thực vật Ninh Bình và Viện Quân Y 5 lập dự án xin kinh phí thực hiện xử lý ô nhiễm từ nguồn ngân sách sự nghiệp môi trường Trung ương và Bộ Quốc phòng. Đối với Bệnh viện đa khoa tỉnh, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án: Xây dựng hệ thống xử lý chất thải bệnh viện tuyến huyện, nâng cấp cải tạo hệ thống xử lý nước thải và xây dựng hệ thống lò đốt chất thải y tế tại Bệnh viện đa khoa tỉnh với tổng mức đầu tư là 8,155 triệu đồng, trong đó riêng Bệnh viện đa khoa tỉnh đầu tư lắp đặt lò đốt rác thải y tế công suất 25kg/giờ; cải tạo hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải công suất 500m3/giờ bằng nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường Trung ương.
   
  Căn cứ nội dung Quyết định số 64 của Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh chỉ đạo việc hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để đối với 8 cơ sở trong giai đoạn 1, tỉnh Ninh Bình còn chủ động triển khai thực hiện luôn giai đoạn 2.
   
  Đến nay, 100% (8/8) cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành việc xử lý, được các cơ quan có thẩm quyền chứng nhận xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
   
Nguyễn Cường
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ninh Bình: Tích cực xử lý triệt để các “điểm đen” ô nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO