Hai mươi bài thơ Tết của Bác từ 1942 đến 1969 làm hiện lên một tầm nhìn, một tư thế, một tâm hồn lớn của bậc lãnh tụ anh minh, sáng suốt trước những vấn đề của nhân dân, đất nước. Lời chúc đầu năm, khai bút đầu xuân là một sinh hoạt mang rõ bản sắc văn hóa dân tộc. Và bây giờ, giữa ngày Tết, chúng ta đọc lại những bài thơ chúc Tết mừng xuân của Bác cũng là một nét truyền thống quý báu của dân tộc.
Năm 1942, sau khi từ nước ngoài trở về trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Bác viết bài thơ chúc Tết đồng bào cả nước và nhân dân tiến bộ thế giới: Mừng xuân 1942. Những lời chúc của Bác là những mong muốn tốt đẹp cho dân cho nước, cho thế giới với tinh thần quốc tế cao cả. Sau này, những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, thơ Bác là những đúc kết các vấn đề trọng đại năm qua, đề ra nhiệm vụ chiến lược của cách mạng trong năm mới. Cảm hứng lịch sử, cảm hứng dân tộc hòa vào cảm hứng thơ ca một cách nhuần nhuyễn. Chúc năm mới 1947 là bài thơ chúc Tết kháng chiến đầu tiên của Bác. Chúng ta nhớ lại sự kiện lịch sử ngày 20/12/1946, Bác Hồ ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ngày 21/1/1947, tức ngày mùng Một Tết Đinh Hợi, Bác chúc năm mới: “Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió - Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông - Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến - Chí ta đã quyết,lòng ta đã đồng - Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào! - Sức ta đã mạnh, người ta đã đông - Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi! - Thống nhất độc lập, nhất định thành công!”
Bài thơ thể hiện tinh thần cơ bản của Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: Kêu gọi nhân dân cả nước đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” và khẳng định cuộc kháng chiến của chúng ta nhất định thắng lợi. Nhà phê bình văn học Hoài Thanh nhận xét “ Cả bài thơ phơi phới như buồm căng thẳng gió. Nó là lời của một lòng tin vững chắc, của một con người đang chiến thắng”. Điều ấy hiện lên màu sắc âm thanh rực rỡ sôi động “vang dậy non sông”, ý chí quyết tâm của toàn dân tộc tạo nên sức mạnh trong không khí ra quân đầu xuân “nhất định thắng lợi”, “nhất định thành công”. Lời thơ vang lên như lời hịch hùng tráng, thôi thúc “Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!”
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, miền Bắc thi đua lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng cuộc sống mới: “Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh” (Mừng xuân 1961). Nhiều điển hình nổi lên trong các phong trào thi đua yêu nước. Công nhân phất cao cờ Duyên Hải. Nông dân phất cao cờ Đại Phong. Bộ đội phất cao cờ Ba Nhất... Miền Nam trực diện đấu tranh với kẻ thù nhằm thống nhất đất nước, Bắc Nam sum họp một nhà, Thơ mừng xuân 1962, Bác chúc: “Cả năm châu phất phới cờ hồng! - Chúc miền Bắc thi đua phấn khởi - Bốn mùa hoa Duyên Hải, Đại Phong - Chúc miền Nam đấu tranh tiến tới - Sức triệu người hơn sóng biển Đông...”
Miền Nam đi trước về sau, miền Nam thành đồng Tổ quốc. Với miền Nam, Bác xúc động nói: “Hình ảnh miền Nam yêu quý luôn ở trong tim tôi”. Bài thơ Chúc mừng năm mới, 1964 thấm thía tấm lòng nhân ái bao la của Bác đối với miền Nam và cũng là đối với nhân dân cả nước: “Bắc Nam như cội với cành - Anh em ruột thịt đấu tranh một lòng - Rồi đây thống nhất non sông - Bắc Nam ta lại vui chung một nhà”. Khác với các bài thơ chúc Tết trước, ở đây lời thơ tha thiết, tình nghĩa. Những người con trong một nước cùng chung sức đấu tranh cho mục đích chung: Nam Bắc một nhà. Những lời thân ái ấy của Bác “vừa là kêu gọi vừa là mừng xuân”.
Thời kỳ cả nước trực tiếp chống đế quốc Mỹ, thơ chúc Tết của Bác có nhiều bài đặc sắc, có sức rung động mạnh mẽ đến tư tưởng tình cảm của nhân dân. Ba năm 1967, 1968, 1969, cuộc chiến diễn ra ngày càng quyết liệt, cũng là thời điểm nhân dân ta giành nhiều chiến thắng vẻ vang trên khắp mọi chiến trường. Chiến thắng ở Khe Sanh, Dốc Miếu, Đông Hà, Dầu Tiếng, Bầu Bàng, Plâyme, Đà Nẵng... Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968 trên toàn miền Nam. Miền Bắc - hậu phương lớn vững chắc thi đua sản xuất, chiến đấu anh dũng, đánh thắng cuộc chiến tranh leo thang của Mỹ, bắn rơi hàng nghìn máy bay hiện đại của giặc... Trong không khí ấy, Mừng xuân 1967, Bác gửi lời chúc đồng bào và chiến sĩ cả nước. Lời thơ ung dung thư thái, tin tưởng thắng lợi trong tay: “Xuân này xin có một bài ca - Gửi chúc đồng bào cả nước ta - Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi - Tin mừng thắng trận nở như hoa”.
Tết 1968 - một cái Tết lịch sử, đánh dấu sự lớn mạnh phong trào cách mạng của cả nước. Thơ Mừng xuân 1968 của Bác là một khẳng định và những dự cảm lớn lao về chiến công, bừng bừng khí thế, lạc quan, cùng tiếng kèn xung trận, giục giã mọi người xốc tới, toàn thắng: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua - Thắng trận tin vui khắp mọi nhà - Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ - Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”.
Lời thơ Bác vang lên, đêm 29 rạng ngày 30/1, quân dân miền Nam đã nhất tề nổi dậy giáng những đòn sấm sét vào đầu Mỹ ngụy. Tiến công nổi dậy diễn ra nhiều đợt liên tiếp, tiêu diệt hàng vạn tên địch (trong đó có hơn một vạn lính Mỹ) thu và phá hủy hàng triệu tấn bom đạn, phương tiện chiến tranh. Tết Mậu Thân (1968) ấy thực sự là Tết Tổng tiến công vang động cả đất trời năm châu bốn biển.
Bài thơ chúc Tết cuối cùng của Bác Mừng xuân 1969. Đây là một trong những bài thơ hay nhất Người chúc Tết mừng xuân. Như chúng ta biết, đến năm này, tuổi Bác đã cao, 79 tuổi nhưng giọng thơ, lời thơ rất trẻ trung, hào hứng, rộn ràng: “Năm qua thắng lợi vẻ vang - Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to - Vì Độc lập, vì Tự do - Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào - Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào! - Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”.
Tết này, đọc lại các bài thơ chúc Tết mừng xuân của Bác Hồ, nhất là ba bài thơ Mừng xuân 1967, Mừng xuân 1968, Mừng xuân 1969, chúng ta cảm thấy Bác vẫn đang và luôn gần gũi với mỗi người, mỗi nhà. Lấy cảm hứng từ nhiệm vụ chiến lược của cách mạng, thơ Bác tỏa lên hương sắc trí tuệ, tình cảm, lòng nhân ái, trách nhiệm của một lãnh tụ tối cao đối với nhân dân, đất nước… Những lời chúc của Bác, những ước mơ của Bác đã thành hiện thực vững chắc trong cuộc sống của mỗi người và cả dân tộc ta. Và lời thơ Bác cùng với giai điệu mượt mà, hùng tráng, sảng khoái của những bài hát phổ thơ Bác mãi mãi ngân vang trong tâm hồn chúng ta.