Xã hội

Chuyện những người giữ đảo Mê - Bài 1: Chứng tích hào hùng

Trịnh Thị Tâm 28/03/2024 - 08:52

(TN&MT) - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, 32 cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh, nhiều đồng chí bị thương để bảo vệ sự sống còn của đảo Mê. Lịch sử sẽ mãi ghi công của các anh hùng liệt sĩ. Chúng ta không bao giờ quên công ơn những người đã tô thắm thêm lá cờ Tổ quốc, đem đến tương lai tươi đẹp cho những thế hệ sau.

Anh hùng trong thời chiến

Ngày 7/5/1955, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Cục Phòng thủ bờ biển và từ tháng 6/1955 ra quyết định thành lập các đơn vị phòng thủ bờ biển tại các khu miền biển. Chấp hành chỉ thị của Bộ Quốc phòng, tháng 3/1955, một Trung đội thông tin và một Trung đội bộ binh được điều ra đảo Mê làm nhiệm vụ.

a1(1).jpg
Ngọn hải đăng trên đảo Mê

Những ngày đầu ở đảo vô cùng gian nan, vất vả, thiếu thốn trăm bề. Các chiến sỹ phải ở trong những túp lều dã chiến đơn sơ, thường xuyên bị gió bão đe dọa. Đường đi chưa có, gai góc, cây cối um tùm. Sách báo hiếm đến nỗi một quyển sách phải tháo rời ra chuyền tay đọc tới nhàu nát. Những lúc địch không đánh phá, các chiến sỹ tranh thủ đi đánh bắt cá phục vụ bếp ăn trên đảo... Rồi sáng kiến làm đậu phụ bằng cách dùng khế vắt lấy nước làm chất xúc tác thành công. Bữa ăn có cá tươi, nay thêm đậu phụ... đời sống bộ đội được cải thiện.

Tuy sống trong điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, khó khăn, xa đất liền, xa gia đình, xa quê hương và thường xuyên đối mặt với khoảnh khắc sống chết... nhưng nhiều cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm kiên cường, bám trụ đánh địch, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để bảo vệ đảo.

Hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ chia nhau từng khẩu phần nước ngọt, từng bát cơm, viên thuốc… để cùng nhau vượt khó, hoàn thành nhiệm vụ; Những người lính chiến đấu dưới làn bom đạn địch dù biết mình có thể sẽ phải hy sinh hay hình ảnh người chiến sĩ đầy mưu trí, gan dạ đưa thuyền ra biển chiến đấu với máy bay địch… luôn là hình ảnh sáng ngời trong truyền thống của đảo Mê.

Vượt lên mọi gian khổ, thiếu thốn, các anh dốc tâm sức, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ đảo mà Đảng và nhân dân giao phó. Thấm nhuần mong muốn mà Bác Hồ gửi gắm “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.

Sau những tháng năm dài chìm trong bom đạn, ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc thắng lợi, miền Nam được giải phóng hoàn toàn, non sông thu về một mối.

Hòa với niềm vui chung của cả nước, cán bộ, chiến sĩ đảo Mê vô cùng phấn khởi và tự hào vì đã đóng góp một phần không nhỏ trong chiến công vĩ đại của dân tộc, xứng đáng với tầm vóc lịch sử và vị trí quan trọng của đảo Mê.

Sục sôi khí thế mới

Đảo Mê sôi sục khí thế mới, bước vào nhiệm vụ xây dựng và sẵn sàng chiến đấu. Nhiệm vụ trước mắt được Đảng ủy và chỉ huy đảo xác định là xây dựng kho trung tâm, làm và sửa đường ô tô để vận chuyển vật liệu, khai thác vật liệu tại chỗ; làm đường hầm pháo 122mm trên cao điểm 204; mở và làm đường đi A9 để đảm bảo cơ động chiến đấu theo phương án mới.

a2(2).jpg
Các anh hùng liệt sỹ đã chiến đấu quên mình để có đảo Mê yên bình của hôm nay

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ, khó khăn lớn nhất là vị trí đảo xa đất liền, việc vận chuyển phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên nhiều khi không đảm bảo kịp thời nhu cầu; lượng dự trữ của đảo ít, dụng cụ lao động hầu hết là thủ công, thô sơ, cần sử dụng nhiều sức người. Bên cạnh đó, nước ngọt trên đảo rất khan hiếm, phải tiết kiệm triệt để mới đủ dùng sinh hoạt, vì vậy, để xây dựng các công trình, các chiến sỹ đều phải tận dụng nước đã qua sử dụng. Không những vậy, các chiến sỹ còn phải đeo trên lưng từng bao cát để vận chuyển từ bãi khai thác cát về trung tâm đảo. Không quản ngại giờ giấc, nhiều đêm, các chiến sỹ vẫn miệt mài làm việc. Tiếng choàng, tiếng búa phá đá rền vang một vùng, tiếng cười nói, tiếng hò rộn vang trên đảo… Những bàn tay vốn quen cầm súng bóp cò nay cầm bay cũng rất thành thạo.

Cảm phục trước ý chí của những người lính đảo Mê, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã góp công, góp của xây dựng đảo, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội trên đảo, thể hiện tình quân dân thắm thiết, son sắt một lòng, góp phần đảm bảo điều kiện sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển của quê hương.

Quá trình xây dựng đảo Mê tuy gặp nhiều khó khăn nhưng trải qua mỗi năm, mỗi giai đoạn, những cán bộ, chiến sỹ đảo đã vươn lên làm chủ bản thân, làm chủ tình hình, chủ động trong mọi tình huống.

Từ những lán trại bằng tranh, tre, nứa lá, những công sự bằng đất chỉ có 2 - 3 đường hầm bê tông trú ẩn… đến nay, đảo Mê đã có những công trình vững chắc. Đó là kết quả của một quá trình lao động, là sự cần cù, thông minh, sáng tạo, không ngại khó khăn, gian khổ, là mồ hôi nước mắt và có cả máu của các thế hệ chiến sĩ đảo Mê cũng như công sức và sự quan tâm về vật chất và tinh thần của cấp ủy Đảng, các ban ngành, đoàn thể và nhân dân các địa phương trong tỉnh.

Với nhiệm vụ và trách nhiệm chính trị to lớn của đơn vị, để phát huy bản chất truyền thống anh hùng đảo Mê, cán bộ, chiến sĩ trên đảo nguyện tiếp tục nối bước nhau từng ngày, từng giờ, học tập và huấn luyện quân sự, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo, xây dựng đảo thật sự vững chắc để xứng đáng là đảo tiền tiêu, là khu vực phòng thủ vững chắc, là đơn vị anh hùng hiên ngang trên Biển Đông của lực lượng vũ trang Thanh Hóa và vùng biển Đông Bắc Quân khu IV. Trong tâm trí những người chiến sĩ nơi đây, đảo Mê là người bạn tâm giao cùng sống và canh giữ biển trời.

Đảo Mê hôm nay đã khoác lên mình màu áo mới, với vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã, đảo không chỉ mang tính chiến lược trong quân sự mà còn trở thành nơi thu hút khách tham quan, du lịch để thế hệ mai sau hiểu rõ hơn một thời chiến đấu hào hùng của những người lính đảo để có hòa bình của ngày hôm nay.

Trịnh Thị Tâm - Địa chỉ: 838a, đường Dã Tượng, phường Quảng Hưng, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Bài 2: Xanh lại đảo Mê

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện những người giữ đảo Mê - Bài 1: Chứng tích hào hùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO