Xã hội

Điện Biên: Cầu truyền hình trực tiếp “Dưới lá cờ quyết thắng”

Trần Hương 05/05/2024 - 22:36

(TN&MT) - Tối ngày 5/5/2024, tại sân hành lễ Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam, tổ chức chương trình cầu truyền hình trực tiếp nối 5 điểm cầu: Điện Biên, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thanh Hóa và Kon Tum với chủ đề “Dưới lá cờ Quyết thắng”.

Tại các điểm cầu, đại biểu dự là các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các lão thành cách mạng. Đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương. Cựu chiến binh, các chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tham gia trực tiếp tại Chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954 và đông đảo quần chúng nhân dân.

a1.jpg
Các đại biểu tham gia cầu truyền hình trực tiếp tại tỉnh Điện Biên

Chương trình cầu truyền hình trực tiếp tại 5 điểm cầu Điện Biên, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Thanh Hóa và Kon Tum có chủ đề: “Dưới lá cờ quyết thắng” được lấy ý tưởng từ lá cờ luân lưu “Quyết chiến - Quyết thắng” Bác Hồ gửi ra mặt trận vào ngày 22/12/1953, là giải thưởng luân lưu khích lệ toàn quân vượt gian khó, hiểm nguy hăng hái thi đua, lập thành tích. Qua 5 điểm cầu, bức tranh về chiến thắng đỉnh cao sẽ được tái hiện chân thực và toàn cảnh, không chỉ ở Điện Biên mà còn trên khắp cả nước.

Cầu truyền hình “Dưới lá cờ Quyết thắng” có sự tham gia của khoảng 1.000 diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên trực tiếp biểu diễn. Tại 5 điểm cầu ghép lại thành một bức tranh toàn cảnh về Chiến thắng Điện Biên Phủ, mỗi nơi là những nhân chứng sống, mỗi điểm cầu ghép lại thành bản hùng ca, mảnh ghép nào cũng đều mang ý nghĩa quan trọng.

a2.jpg
Chương trình văn nghệ tại điểm cầu tỉnh Điện Biên

Qua chương trình, truyền tải thông điệp Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến công chung của cả dân tộc, được hun đúc bởi khát khao giành độc lập tự do của một dân tộc. Gần 9 năm, chúng ta đã dồn sức để có được Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng đó không phải là chiến thắng tại riêng Điện Biên Phủ mà khắp cả nước đều có những chiến công để đóng góp chung.

Với thời lượng hơn 110 phút, chương trình đưa khán giả quay trở lại năm tháng hào hùng với những ký ức không thể nào quên của một thời bom đạn. Những dấu mốc quan trọng của 70 năm trước được thể hiện thông qua sự kết hợp giữa những trải nghiệm hiện tại và hồi tưởng quá khứ, giữa nghệ thuật và phân tích, đánh giá.

Tại đây, khán giả được gặp gỡ và giao lưu cùng các nhân chứng lịch sử, xem lại những đoạn phim tư liệu về chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” diễn ra cách đây 70 năm.

a3.jpg
Các cựu chiến binh dự tại cầu truyền hình tỉnh Điện Biên

Tại điểm cầu Điện Biên cuộc gặp gỡ với các cựu chiến binh tham gia chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa. Ai trong số họ cũng có những câu chuyện hay và không thể quên về chiến trường năm ấy. Các đội TNXP chủ yếu ở ba tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh; Đội 34, 40 TNXP. Những con đường được mở và được giữ bằng máu xương của những người thanh niên lên đường... Câu chuyện tại Ngã ba Cò Nòi, 200km đường Mộc Châu - Điện Biên Phủ - Đèo Pha Đin...

Tại điểm cầu Thanh Hóa khán giả sẽ gặp lại một nhân chứng lịch sử, đã đi qua những ngày khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Đó là ông Trần Khôi, nguyên Chính trị viên Đại đội xe thồ 101 Thanh Hóa. Khi đó ông là chàng thanh niên 28 tuổi, lên đường theo tiếng gọi Tổ quốc. Đầu năm 1953, chính quyền thị xã Thanh Hóa họp, quyết định thành lập một Đại đội xe thồ tải gạo lên Điện Biên Phủ theo chỉ lệnh của cấp trên, nhằm thiết lập cầu nối giữa hậu phương lớn với tiền tuyến lớn.

a4.jpg
Cầu truyền hình trực tiếp tại 5 điểm cầu: Điện Biên, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thanh Hóa và Kon Tum.

Ông Nguyễn Hổ được cử làm Đại đội trưởng; Đại đội phó là Nguyễn Văn Chung và ông Trần Khôi là Chính trị viên, kiêm Bí thư chi bộ. Đến tháng 8/1953, đoàn xe thồ hỏa tuyến Thanh Hóa lên kế hoạch cụ thể phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Đến đầu tháng 11/1953, dân công Thanh Hóa cùng ngành giao thông đã mở thông đường 41, con đường huyết mạch vận chuyển lương thực, vũ khí lên Điện Biên.

Tại điểm cầu Kon Tum, có sự xuất hiện của Trung tá Nguyễn Trường Kháng, năm nay 93 tuổi. Ông là chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 89 (Trung đoàn 803), là một trong những người đã tham gia đánh chiến dịch tấn công đồn Kon Braih. Tấm gương dũng cảm của những chiến sĩ Liên khu 5 áo vải đeo khăn đỏ xả thân chiến đấu.

a5.jpg
Đông đảo các tầng lớp Nhân dân, đoàn viên thanh niên tham dự tại điểm cầu tỉnh Điện Biên

Điểm cầu TP Hồ Chí Minh là câu chuyện về quân dân miền Nam chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ. Về mặt địa lý, miền Nam xa nhất so với chiến trường Điện Biên Phủ nên việc đóng góp trực tiếp về nhân lực, vật chất có thể không bằng các địa phương khác, nhưng thời điểm đó, dựa trên chủ trương phân tán lực lượng của thực dân Pháp ở trên tất cả các mặt trận, đồng bào miền Nam đã tiến công trên cả ba mặt: Mặt trận quân sự; Mặt trận chính trị và Công tác binh vận.

Điểm cầu Hà Nội có 2 nhân chứng lịch sử đều đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ dưới cương vị là lính quân y, chiến sĩ liên lạc cho các bác sĩ tuyến đầu.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là bài học về sự chỉ đạo tài tình của Đảng, nghệ thuật quân sự độc đáo, bài học phát huy thế trận lòng dân và sức mạnh đoàn kết dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Cầu truyền hình trực tiếp “Dưới lá cờ quyết thắng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO