Nhân rộng mô hình sản xuất lúa giảm phát thải

24/06/2016 00:00

(TN&MT) - Một mô hình cánh đồng giảm phát thải khí nhà kính, cả trong quá trình trồng trọt và xử lý phụ phẩm rơm rạ đang được nhân rộng tại Xã Giao Hải (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định). Thời gian tới, nơi đây có thể sẽ xóa dần những “cánh đồng khói mù” mỗi khi đến mùa thu hoạch.

Nông dân xã Giao Hải tích cực nhân rộng sản xuất lúa giảm phát thải
Nông dân xã Giao Hải tích cực nhân rộng sản xuất lúa giảm phát thải

Thửa ruộng giảm phát thải, không đốt rơm rạ

Thời điểm này, nhiều cánh đồng ở xã Giao Hải đã thu hoạch xong, chỉ còn trơ các gốc rạ. Đi thăm diện tích ruộng canh tác theo mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) trong xã, điểm khác biệt lớn nhất là có thể tận hưởng bầu không khí trong lành, mùi lúa, mùi rơm thơm chứ không phải che mũi, bịt mắt vì khói mù đốt rơm, rạ.

Hồ hởi chỉ thửa ruộng đã cày lật đất, ông Đặng Chính, nông dân xóm 14, xã giao Hải cho biết: Trước đây, chúng tôi vẫn thường đốt bỏ rơm rạ sau thu hoạch để cày bừa đất cho nhanh. Từ vụ mùa 2015, cán bộ khuyến nông xã đã hướng dẫn bà con sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý chúng thành phân bón, tăng dinh dưỡng đất ruộng cho vụ sau. Sau khi gặt xong, bà con dẫn nước vào ruộng, rắc phân vi sinh lên. Khi cày lật, phân vi sinh lẫn vào đất sẽ phân hủy gốc rạ rất nhanh thành lớp phân bón cho ruộng lúa., sau khoảng 15 – 20 ngày là có thể làm đất cấy vụ mới.

Bên cạnh xử lý phụ phẩm sau thu hoạch, người nông dân Giao Hải đã canh tác lúa theo 1 quy trình làm giảm phát thải khí nhà kính.

Theo bà Đỗ Thị Thúy Ngân, cán bộ Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư tỉnh Nam Định, qua theo dõi đánh giá, lượng phân bón mỗi sào lúa (360 m2) giảm từ 4 - 6 kg phân ure so với bón phân bình thường (trước đây từ 18 – 20 kg/sào), lại tận dụng các nguồn phân hữu cơ bón ruộng. So với các ruộng canh tác theo phương thức truyền thống, cây lúa ở ruộng giảm phát thải có thân cứng cáp và đứng hơn, bông lúa hạt màu sáng, tỉ lệ lép thấp. Sâu bệnh cũng ít hơn hẳn.

Được biết, đây là mô hình trồng lúa giảm phát thải khí nhà kính thuộc Hợp phần thích ứng, Dự án Rừng và đồng bằng Việt Nam do Tổ chức Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ thực hiện. Theo ông  Nguyễn Công Chức, Trưởng Hợp phần thích ứng của Dự án, khi canh tác theo mô hình này, năng suất lúa tuy không nâng cao hơn so với trước, nhưng người dân được lợi ở việc giảm nhiều loại chi phí, công sức chăm bón. Lợi ích lớn hơn nữa là giúp bảo vệ môi trường, đất đai, đồng thời, giảm bớt một lượng lớn các loại khí thải độc hại như SO2, CO2, Ni tơ… trong quá trình bón phân, phun thuốc trừ sâu và đốt rơm rạ. Mô hình không khó áp dụng, chỉ là người dân quyết tâm sử dụng hay không.

Nông dân là chủ thể giữ bền vững mô hình

Khi áp dụng một mô hình sinh kế thích ứng với BĐKH, vấn đề lớn nhất mà những người làm dự án quan tâm là làm sao nhân rộng mô hình, để người dân thấy được lợi ích mà áp dụng lâu dài. Theo ông Nguyễn Công Chức, Dự án không phát triển những mô hình mới mà tìm ngay mô hình đã sử dụng tại địa phương và thành công.

Để phát triển mô hình này, USAID đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư nam định tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ Hội nông dân, Hội phụ nữ tại các thôn, xóm. Thành viên nhóm này sẽ là nóng cốt để tổ chức những nhóm nhỏ, tập huấn cho nhau, cùng chia sẻ kinh nghiệm, góp ý để mô hình trở thành của chính người nông dân.

Việc truyền đạt từng bước này được nghiên cứu rất cụ thể và lựa chọn cách thức truyền đạt để người nông dân dễ tiếp nhận. Các mô hình sinh kế không quá cứng nhắc và phải theo đúng quy trình khoa học, mà để người dân học tự chọn mô hình thích hợp vơi điều kiện của họ. Chúng tôi đưa ra 5 khuyến cáo mà họ chọn 3, đó đã là thành công. Điều quan trong là phải để người nông dân thấy được lợi ích của họ được tăng lên, thông qua sử dụng các đầu vào thân thiện với môi trường. Bền vững và dễ áp dụng, đó là 2 tiêu chí chúng tôi ưu tiên hàng đầu khi lựa chọn mô hình sinh kế.

Thực tế tại xã Giao Hải, từ vài ha trồng thử nghiệm trong vụ mùa 2015, đến vụ mùa 2016 này đã có hơn 100 ha tham gia mô hình sản xuất lúa giảm phát thải. Điều này cho thấy hiệu quả từ mô hình đã thuyết phục người nông dân. Ông Trần Văn  Cảnh, Phó Chủ tịch UBND xã Giao Hải cho biết: Sau 2 vụ lúa, những học viên tham gia lớp tập huấn đã nhận thức và hiểu kĩ và hiểu tốt về hiệu quả sản xuất lúa theo mô hình. Tại xóm 15, 16 tới 80% số hộ đăng ký áp dụng trong vụ này. Thời gian tới đây, chúng tôi sẽ tổ chức tập huấn gồm 60 học viên ở tất cả thôn xóm trong xã, hy vọng sẽ tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ hơn trong cộng đồng.

Trong quá trình sản xuất, chính người nông dân đã nhận định phương thức sản xuất không hề khó, năng suất lúa tương đương với phương thức truyền thống, hiệu quả và chất lượng lúa đều tăng lên trong khi chi phí sản xuất lại giảm đi. Khi nhận thức của người dân được nâng cao, họ sẽ chủ động thay đổi sang phương thức sản xuất nông nghiệp sạch, thay thế các hoá chất bảo vệ thực vật và các loại phân hoá học có tác động xấu đến môi trường

Khánh Ly

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân rộng mô hình sản xuất lúa giảm phát thải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO