Nguy cơ gây ô nhiễm mỏ nước Kô Tam

18/11/2015 00:00

(TN&MT) - Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu Công ty Cấp nước Đắk Lắk sử dụng đất đúng mục đích, đồng thời kiểm tra, kiểm soát chất lượng nguồn nước tại trạm bơm...

 

(TN&MT) - Trạm bơm nước Kô Tam được thành lập từ năm 1983, với tổng diện tích 6,6ha do Công ty TNHH MTV Cấp nước và đầu tư xây dựng Đắk Lắk (Công ty Cấp nước Đắk Lắk) quản lý để khai thác nước mạch phục vụ sinh hoạt cho người dân thành phố Buôn Ma Thuột. Khu đất vành đai 2 hồ khai thác nước rộng 3,2ha để trồng cây rừng bảo vệ; thế nhưng, nó đã bị sử dụng như vườn nhà, trồng cây công nghiệp, xây nhà ở, lò sấy, phòng khám bệnh…

Đất vành đai mỏ nước Kô Tam trồng cây rừng bảo vệ bị thiết kế xây dựng như vườn nhà.
Hồ số 3 vành đai bảo vệ nguồn nước thành ao nuôi cá.

Cố tình vi phạm

Hiện nay, khu đất 3,2 ha vành đai bảo vệ mỏ nước được Công ty Cấp nước Đắk Lắk hợp đồng trồng cây rừng với tổ trồng cây do ông Nguyễn Hữu Thắng làm tổ trưởng.

Tại hợp đồng số 03 ngày 24/3/2007 có thời hạn 25 năm ghi rõ: “Tổ trồng cây phải thực hiện theo đúng quy hoạch của công ty chấp thuận gồm các loại cây lấy gỗ: Lát Mêhycô 2.000 cây, Sao 300 cây, cau xuất khẩu 10.000cây, xung quanh hàng rào trồng cây gai bồ kết 10.000 cây. Trong quá trình chăm sóc, tổ trồng cây không được sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón và các loại hóa chất khác gây ô nhiễm nguồn nước; không tự ý trồng các loại cây ngoài phạm vi hợp đồng”.

Thế nhưng trong quá trình thực hiện, tổ trồng cây đã tự ý chia đôi khu đất trồng cây, do ông Đào Quang Lam sử dụng 1,6ha và ông Nguyễn Hữu Thắng sử dụng 1,6ha được đặt tên là Trang trại Thảo Nguyên Xanh.

Tại 1,6ha đất do ông Đào Quang Lam sử dụng gần khu vực 2 hồ số 1 và 2 đang khai thác nước, hiện đang trồng 3.000 cây trát đỏ dược liệu và một số cây gỗ như sưa, sao, lát, trồng hoa màu, và nhiều loại cây khác ngoài hợp đồng. Ông Lam còn cải tạo hồ tự nhiên để nuôi cá và chăn nuôi gia cầm và thuê người ở thường xuyên để chăm sóc.

Điều đáng lo ngại nhất là tại 1,6ha đất trồng cây bảo vệ nguồn nước do ông Nguyễn Hữu Thắng sử dụng đã có hàng loạt sai phạm hợp đồng. Thay vì trồng cây rừng, ông Thắng đã sử dụng phần lớn diện tích đất để làm nhà ở, sân phơi, xây dựng 5 phòng khám bệnh đông y, xây bể nuôi thủy sản, và xây lò sấy. Về cây trồng, ông Thắng đã trồng được 3.000 cây cau, và số ít cây rừng theo hợp đồng còn lại chủ yếu là cây dược liệu như Sâm đại hành, Rẻ quạt, Đinh lăng. Đặc biệt ông Thắng còn trồng 2.800 cây hồ tiêu và 250 cây chanh.

Hồ số 3 vành đai bảo vệ nguồn nước thành ao nuôi cá.
Đất vành đai mỏ nước Kô Tam trồng cây rừng bảo vệ bị thiết kế xây dựng như vườn nhà.

Không chỉ thế, ông Thắng còn nuôi cá trên hồ số 3, để phục vụ phát triển kinh tế gia đình. Như vậy, đã qua gần 10 năm thực hiện hợp đồng nhưng số lượng cây lâm nghiệp được trồng như hợp đồng đã ký kết là không đáng kể (chỉ có cây cau trồng được 50% kế hoạch; số cây sao, cây lát chiếm rất ít).

Điều đáng nói là trong quá trình chăm sóc cây trồng, ông Thắng và ông Lam đã sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để phun và bón cho cây. Đây là nguy cơ gây ô nhiễm trực tiếp nguồn nước rất cao, đồng thời việc sử dụng các hồ trong vành đai bảo vệ nguồn nước để nuôi cá cũng sẽ tác động không nhỏ đến sinh thủy mỏ nước và ngây ô nhiễm trực tiếp nguồn nước.

Cuối tháng 10 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk đã chủ trì phối hợp với các Sở, ngành và địa phương có liên quan thành lập đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra việc gây ô nhiễm nguồn nước tại trang trại Thảo Nguyên Xanh và việc chấp hành bảo vệ môi trường đối với Công ty Cấp nước Đắk Lắk.

Trong quá trình kiểm tra, đoàn đã lấy 3 mẫu nước để xét nghiệm. Tuy các mẫu nước không phát hiện ô nhiễm kim loại nặng, hóa chất bảo vệ thực vật, phospho hữu cơ, nhưng có 2 mẫu nước nhiều chỉ số khác vượt cao quy chuẩn cho phép như: BOD­­5 vượt 3,98 lần, COD và TSS vượt từ 1,3 đến 2,8 lần tùy mẫu nước. Rõ ràng những nguy cơ ngây ô nhiễm nguồn nước đang hiện hữu.

Nhiều cây dược liệu được trồng cùng tiêu và các loại cây khác không đúng hợp đồng.
Nhiều cây dược liệu được trồng cùng tiêu và các loại cây khác không đúng hợp đồng.

Cần xử lý nghiêm minh và dứt điểm

Thực tế cho thấy, việc tổ trồng cây vi phạm nội dung hợp đồng đã xảy ra từ nhiều năm nay. Vào tháng 3-2008, trong quá trình kiểm tra Công ty Cấp nước Đắk Lắk đã phát hiện các sai phạm như: trồng cây không đúng số lượng, chất lượng giống và không đúng chủng loại cây, xây dựng lán trại phục vụ sinh hoạt tại hồ số 2 trái với hợp đồng. Công ty đã có văn bản yêu cầu tổ trồng cây tháo dỡ lán trại, thực hiện trồng cây theo đúng hợp đồng, thời hạn chậm nhất đến ngày 30-9-2008.

Tuy nhiên, đến tháng 10-2009, tình trạng vi phạm lại tiếp diễn: trồng thiếu 600 cây gỗ lát, 9.000 cây gai bồ kết; tự ý trồng cây tre, xây nhà ở với diện tích 90 m2 (gần hồ số 3 và hồ số 1); nuôi gia cầm gây ô nhiễm nguồn nước; sửa chữa các hồ tự nhiên để nuôi cá gây ngập úng, ô nhiễm; tự ý xây dựng nhà mở phòng khám chữa bệnh trong khu vực trồng cây xanh, xây bể nuôi thủy sản, xây lò sấy làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại khu vực trồng cây.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tin - Phó Giám đốc Công ty Cấp nước Đắk Lắk cho biết: “Việc các cá nhân nhận thuê đất để trồng cây lâm nghiệp là vi phạm hợp đồng, Ban lãnh đạo Công ty đã nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở và họ cũng đã cam kết khắc phục, thực hiện đúng hợp đồng. Thế nhưng, do chúng tôi không kiểm tra thường xuyên, xử lý sai phạm thiếu kiên quyết và không sử dụng biện pháp mạnh nên tình trạng vi phạm các nội dung trong hợp đồng kéo dài nhiều năm. Mới đây, Công ty đã có văn bản yêu cầu tổ trồng cây tháo dỡ nhà ở, xưởng chế biến cau xuất khẩu, dỡ bỏ dây hồ tiêu, cây dược liệu để trồng cây lâm nghiệp như hợp đồng đã ký kết. Đại diện tổ trồng cây đã xin gia hạn thời gian xử lý chậm nhất đến hết tháng 3/2016. Lần này nếu họ không chấp hành chúng tôi sẽ tiến hành thanh lý hợp đồng”.

Đất vành đai trồng cây rừng biến thành phòng khám chữa bệnh đông y, xây dựng lò sấy
Đất vành đai trồng cây rừng biến thành phòng khám chữa bệnh đông y, xây dựng lò sấy

Ông Đoàn Ngọc Khuê - Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh Đắk Lắk nhận định: “Trạm bơm nước KôTam cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 19.000 hộ dân. Thế nhưng “Vì lợi ích cá nhân, tổ trồng cây tự ý chăn nuôi, xây dựng nhà ở, phòng khám bệnh, trồng các loại cây công nghiệp, dược liệu sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm mạch nước ngầm cung cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố. Công ty Cấp nước Đắk Lắk cần có biện pháp mạnh, kiên quyết để xử lý dứt điểm tình trạng này”.

Tại báo cáo số 534, ngày 29/10/2015 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu Công ty Cấp nước Đắk Lắk sử dụng đất đúng mục đích, đồng thời kiểm tra, kiểm soát chất lượng nguồn nước tại trạm bơm nước Kô Tam để tránh nguy cơ gây ô nhiễm các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và các loại hóa chất khác gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân./.

Bài & ảnh: Đình Thắng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ gây ô nhiễm mỏ nước Kô Tam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO