Theo thống kê, đầu năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều toàn tỉnh còn 12,1%, tương đương 95.205 hộ. Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh chỉ còn 4%, tương ứng với 41.041 hộ nghèo. Riêng 4 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a (Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong và Quỳ Châu) giảm từ 4 - 5%/năm.
Tổng nguồn vốn thực hiện các nhiệm vụ giảm nghèo bền vững là hơn 17 nghìn tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương đầu tư theo các Chương trình Mục tiêu Quốc gia là hơn 16 nghìn tỷ đồng; ngân sách địa phương bố trí theo cơ chế của tỉnh 50 tỷ đồng; các đơn vị, các doanh nghiệp hỗ trợ gần 650 tỷ đồng.
Toàn tỉnh đã xây dựng được 137 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa mô sinh kế nhân rộng mô hình trên địa bàn huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển cho 43.403 hộ nghèo, hộ cận nghèo để hỗ trợ giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, giao đất, giao rừng.
Có 107 xã và 173 thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc 13 huyện và thị xã được hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa kinh tế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn bản đặc biệt khó khăn… Ngoài các chính sách của Trung ương, tỉnh Nghệ An đã ban hành một số cơ chế hỗ trợ giảm nghèo đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên theo mẫu chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020.
Bên cạnh việc tranh thủ tối đa nguồn vốn từ Trung ương, sự hỗ trợ từ ngân sách địa phương các cấp, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ngân hàng Chính sách Xã hội tập trung nhiều giải pháp huy động các nguồn lực tài chính để hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn được vay, tạo điều kiện cho người dân được thụ hưởng nhiều hơn đối với nguồn ưu đãi của Nhà nước. Tính đến cuối năm 2019, tổng nguồn vốn tín dụng ưu đãi Ngân hàng Chính sách Xã hội đạt 8.237 tỷ đồng.
Các nguồn vốn tín dụng đã được điều chỉnh mức lãi suất, thời hạn cho vay phù hợp gắn với chính sách khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học công nghệ, xây dựng, nhân rộng mô hình thoát nghèo gắn với cộng đồng dân cư trên địa bàn.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, ngân sách Trung ương hỗ trợ hơn 1.536 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng cho 4 huyện nghèo, 12 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển theo Chương trình 30a và 107 xã đặc biệt khó khăn vùng miền núi theo Chương trình 135 đặc biệt khó khăn.
Đến tháng 9/2019, toàn tỉnh có 480/480 đơn vị cấp xã và 21/21 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Công tác đào tạo nghề được quan tâm, 292.535 lượt người được đào tạo nghề. Cuối năm 2019, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 100% người thuộc hộ cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Tuy vậy, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh Nghệ An còn cao hơn mức bình quân chung cả nước. Hộ nghèo, hộ cận nghèo tập trung nhiều ở các vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều giáo dân, ven biển; một bộ phận người nghèo còn có tư tưởng không muốn thoát nghèo để hưởng chính sách của Nhà nước.
Nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực giảm nghèo chủ yếu còn dựa vào Ngân sách của Trung ương, Ngân sách tỉnh, huyện còn ít, khả năng huy động nguồn lực xã hội tuy đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng còn thấp. Các mô hình giảm nghèo chưa nhiều, quy mô mô hình còn nhỏ, mức đầu tư thấp. Các xã được đầu tư chủ yếu là ở vùng sâu, vùng xa có địa hình chia cắt phức tạp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An, thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh chỉ còn 41.041 hộ nghèo, tương ứng với 4%.