Xã hội

Nâng cao giá trị chuỗi ngành hàng sen

Trung Nguyên 27/05/2024 - 18:02

(TN&MT) - Tại tỉnh Đồng Tháp, diện tích trồng sen toàn tỉnh hiện đã đạt 1.838 ha, lợi nhuận bình quân của nông dân đạt 28 triệu đồng/ha/vụ. Cùng với đa dạng hóa sản phẩm và ứng dụng từ sen, Đồng Tháp đang hướng tới nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng sen gắn với kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, mang lại đồng thời lợi ích cho môi trường và kinh tế.

Từ loài cây đặc trưng của địa phương, sen trở một trong 5 ngành hàng chủ lực của Đề án tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp từ năm 2022. Cũng từ đó, tỉnh đã tập trung phát huy giá trị văn hóa - kinh tế của sen gắn với phát triển du lịch, tạo dựng hình ảnh “xứ sở Sen Hồng”.

Trước đây, vùng trồng sen nhiều nhất là huyện Tháp Mười, Cao Lãnh, Châu Thành. Hướng tới sự phát triển bền vững cho ngành hàng sen, tỉnh đã quy hoạch, phát triển thêm những vùng trồng mới tại các huyện như Thanh Bình, Tân Hồng, Tam Nông... hình thành vùng nguyên liệu sản xuất sen tập trung. Giá trị sản xuất ngành hàng sen tăng theo từng năm khi tận dụng tốt lợi thế từ loại cây đa giá trị này, tạo động lực để nông dân cùng hưởng ứng mở rộng diện tích canh tác sen trên địa bàn tỉnh.

dsc05642.jpg
Diện tích trồng sen tại Đồng Tháp năm 2023 đã lên tới 1.838 ha, vượt hơn 31% so với mục tiêu 1.400 ha vào năm 2025

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, trong 2 năm qua, ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh tổ chức tập huấn, hướng dẫn các địa phương đăng ký mã số vùng trồng gắn với việc nhập dữ liệu, nhật ký sản xuất để giúp thuận lợi trong việc thực hiện truy xuất nguồn gốc. Các biện pháp bảo vệ môi trường được tích hợp từ giai đoạn lập kế hoạch đến vận hành hàng ngày. Quy trình canh tác bền vững, hướng tới chất lượng cao đảm bảo quá trình sản xuất sen được thực hiện một cách an toàn và tuần hoàn, từ việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu cho đến xử lý và tái chế chất thải.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập huấn xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm từ cây sen, chuẩn hóa sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, kết nối nông dân để cùng sản xuất tạo ra vùng nguyên liệu, sản phẩm đặc sản, hàng quà tặng từ sen phong phú, đa dạng.

anh-5.jpg
Sản phẩm từ sen rất đa dạng

Anh Đào Thanh Ngài (xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười) cho biết, ngay khi được chính quyền địa phương thông tin triển khai mô hình trồng sen lấy củ, anh đã mạnh dạn đăng ký dù gia đình có gần 30 năm canh tác sen lấy hạt. Bản thân anh đã nhận thức được rằng, để phát triển chuỗi ngành hàng sen theo hướng bền vững, nông dân cần phát triển nhiều mô hình canh tác, đa dạng hóa sản phẩm từ sen thay vì chỉ bó mình vào 1 sản phẩm. Và thành quả là thu nhập đã tăng lên chỉ sau 1 năm trồng thử nghiệm.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng, hiện đã sưu tập, nhân giống được 52 chủng loại giống sen. Giống sen trồng phổ biến nhất tại Đồng Tháp là giống sen hồng, sen lấy gương, sen lấy ngó. Bên cạnh khai thác các bộ phận của cây sen để tạo ra sản phẩm (có khoảng 100 sản phẩm từ Sen), tỉnh còn khai thác du lịch Sen, ẩm thực Sen (200 món ăn được xác lập kỷ lục).

Hiện, Đồng Tháp có 59 sản phẩm sen đạt OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm OCOP 5 sao. Cũng từ sen, nhiều sản phẩm quà tặng đặc sắc, mang tính nghệ thuật, mỹ thuật tinh tế, nâng tầm giá trị sen Đồng Tháp như: Tranh lá sen, lụa tơ sen, thư pháp lá sen, nhang sen, sữa sen, tinh dầu sen, trà sen thượng hạng... Đặc biệt, trà ướp hoa sen thượng hạng của Đồng Tháp còn được Lãnh đạo Đảng và Nhà nước chọn làm quà tặng khách quốc tế. Bằng sự nhanh nhạy, doanh nghiệp cùng nông dân đã cùng tạo ra nhiều sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh, bảo vệ sức khỏe với chất lượng tốt.

anh-4.jpg
Hội thi ẩm thực chế biến các món ăn từ sen

Ngay trong tháng 5/2024, Đồng Tháp đã có lô củ sen đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Để mở rộng thị trường, thời gian qua, Đồng Tháp còn kết nối, xúc tiến thương mại sản phẩm sen với các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước như: Hàn Quốc, Myanmar, Trung Quốc, Đài Loan... Đặc biệt, tỉnh đã đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý “Đồng Tháp” cho sản phẩm sen.

Các địa phương còn chủ động triển khai xây dựng các mô hình canh tác sen (chuyên canh sen, sen - cá, sen - lúa...) chuyển đổi sang hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết tiêu thụ và du lịch trải nghiệm... Các mô hình bước đầu mang lại hiệu quả rất khả quan, tạo tiền đề quan trọng trong việc xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu ổn định, giúp thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến và phát triển du lịch.

Trên tinh thần tiếp tục phát huy giá trị sen Đồng Tháp trong phát triển du lịch, tỉnh tổ chức thí điểm tour du lịch trải nghiệm như: Dạo cung đường sen, Dệt khát vọng xanh... với các hoạt động tham quan Đồng sen Gò Tháp, trải nghiệm làm món ăn sen, tiệc buffet sen, trải nghiệm làm nón lá sen, túi lá sen, ướp trà sen, kéo chỉ tơ sen... Đồng thời cập nhật, quảng bá hình ảnh sen Đồng Tháp trên website, kênh youtube, fanpage của Hội ngành hàng sen tỉnh; lập kênh Tiktok “Ẩm thực sen Đồng Tháp”.

anh-3.jpg
Đông đảo du khách tham gia hoạt động "Đi giữa mùa sen" tại Vườn quốc gia Tràm Chim

Theo Hội ngành hàng Sen, cây sen được khai thác nhiều trong ngành thực phẩm và đồ uống, tiếp đến là thủ công mỹ nghệ, các ngành khác như: Dược phẩm, mỹ phẩm, thời trang, quà lưu niệm chưa đa dạng. 3 bộ phận được chế biến thành các sản phẩm nhiều nhất: Lá sen (27%), hạt sen (23%), hoa sen (22%). Các ngành khác như: Dược phẩm, mỹ phẩm, thời trang, quà lưu niệm về Sen... chưa đa dạng và còn nhiều dư địa.

Tiến sĩ Phạm Minh Nhựt (Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, ngày càng có nhiều người chuyển sang chế độ ăn chay không chỉ vì lợi ích sức khỏe mà còn vì tác động tích cực đến môi trường. Sen là một lựa chọn thân thiện với môi trường và việc sử dụng sản phẩm sen trong nền công nghiệp thuần chay phù hợp với xu hướng này. Vì vậy, đây là cơ hội để các doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển các công thức mới, cải tiến, đa dạng hóa thêm nhiều sản phẩm thuần chay trên thị trường.

Về định hướng của Đồng Tháp trong thời gian tới, ông Huỳnh Minh Tuấn cho biết, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện phát triển ngành hàng sen hướng theo mục tiêu “giảm chi phí, nâng cao chất lượng, tăng sản phẩm chế biến”. Không chỉ tập trung trồng sen lấy hạt như trước đây mà phải đa dạng hóa bộ giống sen trong sản xuất như: sen trồng lấy củ, sen trồng lấy hoa, sen trồng lấy lá... nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu để sản xuất đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu thụ.

Cùng với nghiên cứu thị trường quốc tế để định hướng quy hoạch vùng nguyên liệu, tỉnh sẽ hỗ trợ tư vấn và có chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn; kết hợp phát triển các loại hình du lịch - dịch vụ, hướng đến mục tiêu sản xuất bền vững. Qua đó, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao giá trị chuỗi ngành hàng sen
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO