Mường Nhé: Phát triển du lịch nơi “một con gà gáy cả 3 nước đều nghe”
(TN&MT) - Huyện Mường Nhé là một huyện biên giới của tỉnh Điện Biên, giáp với hai nước bạn Lào và Trung Quốc, cũng là điểm cực Tây của tổ quốc, được mệnh danh là nơi “một con gà gáy cả 3 nước đều nghe”. Nơi đây có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, đã và đang được các cấp chính quyền quan tâm và triển khai thực hiện.
Trong những năm qua, để du lịch Mường Nhé phát triển, huyện đã xây dựng và thực hiện triển khai nhiều đề án phát triển hạ tầng và xây dựng sản phẩm du lịch. Quốc lộ 4H được đầu tư, một số các tuyến đường khác đã dải nhựa và đưa vào sử dụng, hạ tầng giao thông vào chợ phiên Nậm Pố, xã Mường Nhé đã hoàn thành.
Để từng bước phát triển hạ tầng du lịch, huyện Mường Nhé khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các khách sạn, nhà nghỉ ở phân khúc trung bình và bình dân. Huyện quy hoạch và hỗ trợ đầu tư xây dựng các bản văn hóa theo tiêu chuẩn nông thôn mới nâng cao, gắn với phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Đến nay, trên địa bàn huyện có 11 có sở lưu trú, trong đó tại trung tâm huyện 10 cơ sở, xã Sín Thầu 01 cơ sở và 01 cơ sở đang được đầu tư xây dựng. Để từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đồng thời tạo điểm đến cho du khách trong và ngoài nước sau khi mở nâng lên cửa khẩu A Pa Chải, hiện Mường Nhé đang khảo sát , xin chủ trương đầu tư khu du lịch tại bản Tá Miếu, xã Sín Thầu. Đồng thời, huyện Mường Nhé tiếp tục phối hợp với Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh triển khai thực hiện dự án Cột cờ A Pa Chải đảm bảo tiến độ, đồng thời xác định đây là một điểm thu hút trong chuỗi du lịch của huyện.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Mường Nhé có 01 di tích lịch sử là Đồn Pháp được công nhận vào năm 2022. UBND huyện đang thực hiện các thủ tục khoanh vùng bảo vệ, cắm mốc giới, dự kiến hoàn thành trước 2025, xác định đây là một trong những điểm đến thường xuyên của du khách. Đồng thời, chỉ đạo khảo sát, đánh giá, đề xuất xây dựng khu di tích an táng anh hùng Trần Văn Thọ tại bản Leng Su Sìn, xã Leng Su Sìn thành điểm du lịch lịch sử, tâm linh của huyện.
Ông Lê Hồng Nam - Trưởng phòng văn hóa thông tin huyện Mường Nhé, cho biết: huyện cố gắng phát huy tối đa các giá trị văn hóa của các dân tộc trên địa bàn, đó là một trong những lợi thế để Mường Nhé phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, homestay, thắng cảnh thiên nhiên, chinh phục Ngã ba biên giới - Điểm cực tây tổ quốc A Pa Chải; các hoạt động giao lưu văn hóa, các lễ hội truyền thống của cộng đồng dân tộc… đã trở thành hoạt động thường niên, là sản phẩm, tiềm năng, lợi thế của huyện để thu hút khách du lịch.
Ông Nam cũng cho biết: Tính đến thời điểm này, Mường Nhé đã xây dựng được 32 đội văn nghệ, đang hình thành các cơ sở khôi phục nghề thủ công truyền thống, ẩm thực tại các xã, bản trên địa bàn huyện Mường Nhé với chất lượng cao nhằm phục vụ nhu cầu của khách du lịch trong việc tìm hiểu các văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc, thưởng thức văn hóa, văn nghệ, ẩm thực, mua sắm và trải nghiệm dịch vụ lưu trú tại nhà dân.
Song song với đó, hiện trên địa bàn huyện Mường Nhé có nhiều lễ hội dân gian truyền thống, lễ trì như: Ngày hội văn hóa các dân tộc Mường Nhé 2/9, Lễ cúng bản, Tết Khụ Sự Chà (Tết cổ truyền) của dân tộc Hà Nhì, Tết Hoa Mào Gà của dân tộc Cống, lễ Mừng cơm mới, chợ phiên lối mở A Pa Chải, chợ tình Nậm Pố cùng nhiều lễ hội khác. Huyện còn hình thành và sản xuất thương mại vật phẩm lưu niệm du lịch Mốc giao điểm đường biên giới giữa ba nước Việt - Lào - Trung hay còn gọi là mốc số 0. Điều này góp phần tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc đặc trưng của huyện và thu hút khách du lịch đến thăm, tìm hiểu nét đặc sắc của nơi cực tây của Tổ quốc.