Đào hầm làm Sở Chỉ huy trong chiến dịch Điện Biên Phủ
(TN&MT) - Năm 1973, Chủ tịch Phi-đen Ca-strô sang thăm Việt Nam, giữa lúc đất nước còn đang chiến tranh.
Chủ tịch đã đi thăm Bảo tàng Quân đội. Tại đây ông đã chăm chú xem sa bàn chiến dịch Điện Biên Phủ cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông bỗng hỏi:
- Thưa Đại tướng lúc đó Đại tướng ở chỗ nào?
Đại tướng Võ Nguyên Giáp lấy chiếc gậy dài chỉ vào một vị trí cách cánh đồng Mường Thanh chừng 15 kilômét và nói:
- Lúc đó Sở Chỉ huy chiến dịch ở đây.
Chủ tịch Phi-đen nói vui:
- Chiến thắng là công chung của mọi người, nhưng vai trò cá nhân cũng hết sức quan trọng, nhất là vai trò Sở Chỉ huy chiến dịch. Thế mà ở đây thiếu Sở Chỉ huy trên sa bàn.
Ý kiến của Chủ tịch Phi-đen đã được Tổng cục Chính trị tiếp thu. Trung tướng Phạm Ngọc Mậu chỉ thị cho các đồng chí cán bộ Bảo tàng và tôi lên ngay Điện Biên Phủ tìm lại vị trí Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ để bổ sung vào sa bàn.
Chúng tôi đi theo con đường Tuần Giáo lên Điện Biên Phủ, qua các Chỉ huy sở trước đó, đến cây số 62 rẽ vào bản Mường Phăng, cây cối um tùm khiến tôi không nhận ra được Sở Chỉ huy năm xưa. Khi hỏi dân bản thì đồng bào cười và nói:
- Ở đây ai cũng biết hầm Đại tướng, dân bản còn truyền câu ca rằng: "Ai muốn lấy vợ Mường Phăng thì phải biết hầm Đại tướng…”.
Chúng tôi mừng quá, quên cả đường xa mệt nhọc vội phăm phăm theo dân bản vượt đèo lội suối đi chừng hơn 2 kilômét để tìm hầm. Đến chân một dãy núi cao, lau sậy um tùm, dân bản vạch ra một miệng hầm và nói: "Đây là hầm Đại tướng, hàng năm thường có một toán bộ đội đến đây vào ngày 7 tháng 5 để thăm viếng". Đứng trước cảnh rừng núi ngút ngàn, trong lòng tôi trào dâng bao kỷ niệm của gần 20 năm trước ở nơi này. Tôi kêu lên:
- Bà con nhầm rồi, đây là hầm cố vấn Trung Quốc Vi Quốc Thanh, Trưởng đoàn cố vấn cho ta hồi đó, còn hầm Đại tướng Võ Nguyên Giáp phía bên quả núi nhỏ kia. Cho tôi một số anh em đi cùng tôi để bới cửa hầm.
Chỉ một loáng anh em công binh đã tìm được miệng hầm theo hướng tay tôi chỉ. Tôi bảo các chiến sĩ:
- Các cháu chịu khó chui vào trong đó, cách 20 mét sẽ có một phòng họp và sẽ có chiếc đèn bão năm xưa ở đó.
Thế là theo lời tôi, các chiến sĩ bò vào trong hầm, thời gian đã làm đất đá lấp đi phần nào đường hầm. Khi các chiến sĩ chui ra cầm chiếc đèn bão đã gỉ vì năm tháng, tôi không cầm được nước mắt nhớ tới đồng đội tôi ngày ấy…
Tôi sinh năm 1926, quê ở Thanh Trì, Hà Nội. Tôi tham gia chiến khu Đông Triều đánh Nhật, đánh Phỉ, đánh Pháp từ tháng 4 năm 1945. Năm 1947 giặc Pháp nhảy dù đánh lên Việt Bắc thì tiểu đoàn 59 Liên khu 3 của chúng tôi được điều lên Việt Bắc để bảo vệ ATK (An toàn khu). Từ năm đó, tôi đã trở thành người lính cảnh vệ của Bộ Tổng tham mưu, trải qua từ binh nhất, tiểu đội trưởng, trung đội trưởng, đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng và cuối cùng là lữ đoàn phó chính trị.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi chỉ huy 120 chiến sĩ Đại đội 245, Tiểu đoàn 144 Trung đoàn 246, có nhiệm vụ bảo vệ Sở chỉ huy chiến dịch. Chúng tôi hành quân bộ từ Thái Nguyên lên Tuần Giáo vào Điện Biên. Trên người chúng tôi lỉnh kỉnh trăm thứ: Gạo cuốn ruột tượng quanh người, sau lưng ba lô quần áo, trên cổ cuốn chiếu, chăn và mỗi người kèm theo cuốc hoặc xẻng, trên đầu đội mũ nan tự đan.
Càng đến gần mặt trận, đường càng khó đi, nhiều đoạn đường hẹp, dốc cao, uốn khúc theo sườn núi, đặc biệt là qua các đèo cao, với hàng chục kilômét đường nằm chênh vênh bên vực thẳm; đèo Lũng Lô dài 9 kilômét, đèo Cò Nòi dài 17 kilômét và dài nhất là đèo Pha Đin 28 kilômét. Máy bay Pháp hàng ngày lùng sục và ném bom chặn những con đường khả nghi. Có những lúc “chạm mặt” quả bom nổ chậm nằm chình ình trên đường. Có lúc vượt qua bom được vài chục mét thì bom phát nổ, chỉ một vài người bị thương nhẹ, thật hú hồn.
Cái chết rình rập quanh chúng tôi bằng nhiều cách. Địch quần đảo trên đầu, chúng còn thả biệt kích truy tìm ta, chúng tôi đã bắt được 2 tên ở Mộc Châu. Qua rừng sâu, hổ rình mồi, trong đêm tối, chúng tôi phải hành quân co cụm đội hình để đề phòng. Sốt rét ác tính đe doạ tính mạng hàng ngày, thuốc ký ninh thiếu, nhiều khi phải hoà 1 viên thuốc cho ba bốn người uống, đã có đồng chí vì sốt rét ác tính mà ra đi mãi mãi… Nhưng tất cả không ngăn được bàn chân người chiến sĩ cảnh vệ, lực lượng trung thành của Đảng. Đại đội chúng tôi đa phần là chiến sĩ bần cố nông, người dân tộc, trình độ học vấn có hạn, nhưng họ một lòng theo cách mạng.
Ròng rã nhiều tháng trời, qua nhiều chặng, chúng tôi đến cây số 62 lối vào bản Mường Phăng, nơi dự định đặt Sở chỉ huy chiến dịch. Địa điểm này chỉ cách cánh đồng Mường Thanh, cứ điểm trung tâm của địch khoảng trên 15 kilômét đường chim bay, do đó công tác bảo vệ phải hết sức nghiêm ngặt.
Vừa hành quân đến nơi chúng tôi đã xắn tay áo vào đào hơn 1 kilômét đường giao thông hào, để sẵn sàng đánh biệt kích nhảy dù. Lúc này phương châm “Đánh nhanh, giải quyết nhanh" của chiến dịch đã được chuyển thành “Đánh chắc, tiến chắc”. Tư tưởng bộ đội có phần chưa thông, nhưng Bộ Chỉ huy đã kịp thời tổ chức chỉnh huấn. Pháo ta kéo vào lại kéo ra. Các chiến sĩ công binh dồn đi mở đường cho pháo ta vào trận địa, vì vậy việc đào hầm cho Bộ Chỉ huy chiến dịch do đại đội cảnh vệ chúng tôi đảm nhiệm.
Lúc đó tôi có được học hành hơn anh em một chút nên cũng có một số kiến thức áp dụng trong việc đào hầm vào núi. Thêm nữa tôi phát huy dân chủ, bàn bạc cùng anh em. Thật may trong đại đội có đồng chí Đinh Văn Điền, trước đây có làm thợ mỏ, nên đồng chí đóng góp nhiều kinh nghiệm đào hầm than của đồng chí.
Không có Ni-vô, chúng tôi phải lấy ống nước cất cho giọt dầu vào, rồi để trong ống nứa làm Ni-vô. Không có thước, chúng tôi phải lấy dây rừng nối nhau lại để khoanh tròn đo núi tìm đường kính. Chúng tôi chia làm hai bên đào để làm hầm thông qua núi. Cứ 5 mét một, chúng tôi lại chống cây rừng và kê đòn tay đỡ trần hầm. Chỉ có cuốc, xẻng, trí thông minh và lòng quyết tâm chúng tôi đào thủng quả núi, chỉ có điều khi gặp nhau thì người trên, kẻ dưới. Thế là chúng tôi khoét ra thành một hầm rộng làm nơi hội họp của Bộ Chỉ huy chiến dịch.
Chúng tôi chia nhau làm 3 ca một ngày, chỉ bằng chiếc xẻng và cuốc rất thô sơ, chúng tôi đã moi đất đá thành đường hầm xuyên qua núi, lúc đó chúng tôi mới càng thấm thía “Có công mài sắt có ngày nên kim". Bàn tay chúng tôi phồng rộp, rồi đóng thành chai sần, chiếc xẻng ngày đầu sáng loáng to như chiếc quạt nan mà đến ngày xong công trình thì mòn vẹt đi như mảnh trăng khuyết. Tôi, Chính trị viên Nguyễn Bảo, Đại đội phó Tường thay nhau động viên anh em hăng hái làm việc.
28 ngày đêm vất vả, chiếc hầm cho Sở Chỉ huy “Tổng hành dinh” hoàn tất. Một đường hầm dùng cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi vào phòng họp tương đối bằng phẳng, còn một đường khác dành cho Tham mưu trưởng chiến dịch Hoàng Văn Thái vào phòng họp phải có bậc thang đi xuống. Đường đi rộng chừng 90 phân, cao 1,7 mét. Phòng họp rộng chừng hơn chục mét vuông, được kê 2 hàng ghế với một chiếc bàn để trải bản đồ và rất mát vì nhờ hai đường hầm thông gió. Trong hầm để sẵn chiếc đèn bão để Bộ Chỉ huy dùng khi hội họp. Anh Hoàng Văn Thái đến xem hầm rất hài lòng:
- Hầm đào khéo quá, thế này thì bom đạn chẳng làm gì được. Có bị sập một cửa hầm vẫn có thể thoát ra cửa hậu. Có cậu nào là kỹ sư không?
Tôi báo cáo:
- Báo cáo thủ trưởng, chỉ có em mới học hết Cartifica1 thôi ạ! Còn anh em đa phần bắt đầu học chữ.
Anh Thái khen ngợi và giao nhiệm vụ cho chúng tôi đào tiếp hầm cho cố vấn Vi Quốc Thanh - Trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc sang giúp ta đánh giặc. Chúng tôi lại hăm hở vào công việc. Vì hầm của cố vấn Vi Quốc Thanh trong dãy núi to hơn, cho nên chúng tôi chỉ đào vào sâu 20 mét, sau đó khoét một lỗ hổng lên sườn núi vừa để thông hơi vừa để sẵn một chiếc thang để phòng khi sập hầm thì cố vấn có thể trèo thoát qua đường đó.
Sau đó chúng tôi còn đào thêm hầm cho đồng chí Lê Liêm là Chủ nhiệm Chính trị mặt trận ở ven suối. Càng về sau kinh nghiệm càng nhiều nên việc đào không còn vất vả như ban đầu.
Hàng ngày chúng tôi chia nhau ra canh gác xung quanh Sở Chỉ huy, lùng sục biệt kích, thám báo, nguỵ trang đường và phối hợp giúp đỡ ban 4 cơ quan hậu cần để vận chuyển lương thực, thực phẩm vào. Mỗi vọng gác có một chiếc mõ, khi có máy bay địch ở xa thì gõ 3 tiếng để ai có đun nấu gì thì khẩn trương dập lửa. Nếu máy bay vào gần thì mõ gõ liên hồi, lúc đó tất cả Bộ Chỉ huy phải xuống hầm làm việc.
Thật kỳ lạ, mặt trận chỉ cách chúng tôi hơn chục cây số, nhưng suốt chiến dịch ở đây hoàn toàn yên tĩnh. Kẻ thù không phát hiện được Sở Chỉ huy chiến dịch, vì hàng ngày chúng tôi đi nguỵ trang Sở Chỉ huy, trồng các cây vào khu trống, trồng cỏ trên các lối mòn, cây nào bị héo thì phải thay ngay. Chúng tôi ra suối bắt cá cải thiện, hoặc cử anh em vào bản Mường Phăng làm dân vận, có khi chỉ một bánh thuốc lào đổi được cả con lợn. Anh em còn vét vũng ở suối để tích nước ăn. Buổi tối thỉnh thoảng được xem phim.
Chỉ có một lần một chiếc máy bay Pháp bay ngang qua, thả một “quả bom to” xuống. Cả Sở Chỉ huy báo động, mọi người xuống hầm hết. Chờ mãi không thấy nổ, tôi bò ra gần xem là loại bom gì thì đọc được hàng chữ tiếng Anh trên thân “quả bom”: Thùng dầu phụ. Lúc đó tôi mới thở phào, cho “xuống cấp”, rồi gọi anh em ra khênh thùng dầu phụ về cưa ra làm máng đựng nước. Nhiều anh còn dùng mảnh làm chiếc lược kỷ niệm chơi…
Sau đợt đi công tác năm 1973, Bảo tàng Quân đội đã đắp thêm Sở Chỉ huy “Tổng hành dinh” trên sa bàn. Giờ đây, Sở Chỉ huy “Tổng hành dinh” đã được xếp vào di tích lịch sử quốc gia, con đường hầm vào phòng họp đã được tái tạo lại cho du khách thăm quan. Còn trong lòng tôi, bao năm qua vẫn nhớ mãi những bàn tay chai sần, bỏng rộp và chiếc xẻng hình trăng khuyết…
*Nguyên Lữ đoàn phó Chính trị Lữ đoàn 144 Bộ Tổng Tham mưu QĐNDVN
1. Tên gọi một khóa đào tạo ngày trước