Môi trường - được và mất khi hội nhập

16/09/2016 00:00

(TN&MT) - Đối với môi trường, hội nhập quốc tế vừa mang lại cơ hội vừa đem đến những thách thức. Làm gì để tận dụng cơ hội, chuyển hóa thách thức?

Cơ hội cho tăng trưởng xanh

Hiện, các nước trên thế giới, nhất là khu vực Tây Âu và khu vực Ðông Á đã và đang đầu tư mạnh vào chiến lược tăng trưởng xanh. Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản sau khủng hoảng kinh tế, đã thức tỉnh ưu tiên cao cho tăng trưởng xanh (cơ cấu của Trung Quốc là 35%, của Hàn Quốc lên đến 80%)... Trong xu thế phát triển chung của thế giới hiện nay và trong tương lai, Việt Nam cũng đang mở rộng hội nhập quốc tế.

Đến nay, Việt Nam đã tham gia nhiều diễn đàn khu vực, quốc tế về khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường như ASEAN, APEC và Liên Hợp Quốc. Việt Nam là thành viên Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, Chương trình Khoa học địa chất, Ủy ban Bản đồ thế giới (CGMWW), Chương trình Khoa học địa chất Đông và Đông - Nam Á; đã ký kết và tham gia 20 Điều ước quốc tế có liên quan đến bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-zôn...

Bộ TN&MT nhìn nhận, việc hội nhập quốc tế là cơ hội để chúng ta chuyển đổi nền kinh tế, chuyển đổi công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường. Thực tế đã chứng minh sau gần 10 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã mở rộng cơ hội hợp tác với các quốc gia tiên tiến trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; nâng cao trình độ nguồn nhân lực và khoa học, công nghệ trong lĩnh vực môi trường; tiếp thu các công nghệ cao, công nghệ sạch hơn và ít phát sinh chất thải; giới thiệu và áp dụng phương pháp luận kỹ thuật tốt nhất hiện có (BAT) và kinh nghiệm môi trường tốt nhất (BEP) nhằm giảm thiểu ô nhiễm các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy ra môi trường. Chính vì thế, đã thúc đẩy việc tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh; tăng vốn đầu tư cho các hoạt động bảo vệ môi trường nói chung và các hoạt động nghiên cứu khoa học môi trường nói riêng.

Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Ảnh: Hoàng Minh
Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Ảnh: Hoàng Minh

Cũng từ yêu cầu hội nhập, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật về môi trường thông qua việc củng cố và tăng cường diễn đàn đối thoại chính sách tài nguyên và môi trường của quốc tế; tăng cường cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin về môi trường giữa các Bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội, các tổ chức, doanh nghiệp. 

Môi trường chịu áp lực lớn

Tham gia WTO dù mang lại những hiệu quả về kinh tế, mở ra cơ hội phát triển nền kinh tế xanh nhưng trước mắt, Việt Nam đã có những tác động tiêu cực. Đó là việc gia nhập WTO giúp đẩy mạnh hoạt động của các ngành kinh doanh, dịch vụ khai thác khoáng sản, dầu mỏ nhưng cũng là nguyên nhân làm suy kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên do khai thác và sử dụng chưa hợp lý.

Thêm nữa, sự gia tăng các khu công nghiệp đầu tư nước ngoài vào Việt Nam một cách nhanh chóng, trong thời gian qua, làm gia tăng ô nhiễm môi trường do xả thải từ hoạt động xây dựng, sản xuất. Bên cạnh đó, công tác quản lý môi trường chưa được đầu tư đúng mức để theo kịp và đủ năng lực quản lý, bảo vệ môi trường hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp với trình độ kỹ thuật thấp và ý thức bảo vệ môi trường chưa cao nên sẵn sàng trốn tránh trách nhiệm, vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường…

Sở dĩ những thách thức môi trường nảy sinh khi Việt Nam gia nhập WTO bởi hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường tuy đã có những bước tiến lớn nhưng vẫn còn có những chồng chéo, chưa phù hợp, chưa rõ ràng trong phân công, phân cấp chức năng, nhiệm vụ, nhất là trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, các vấn đề môi trường liên vùng, liên ngành.

Đặc biệt, tư tưởng coi nhẹ, thậm chí, bỏ qua lợi ích về môi trường trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội vẫn diễn ra. Đây là nguyên nhân về nhận thức, nó ảnh hưởng đến hàng loạt các hành động, quyết định của các nhà quản lý đối với môi trường. Điều đó gây ra các sự cố môi trường như Vedan, Miwon và nặng nề nhất là sự cố Formosa xả thải trái phép ra biển miền Trung thời gian qua.

Tận dụng cơ hội, chuyển hóa thách thức

Giải pháp quan trọng nhất đến từ việc thể chế hóa việc bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế. Môi trường phải là tiêu chí để đánh giá việc thực hiện chủ trương chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thước đo chất lượng tăng trưởng. Các vấn đề môi trường phải được lồng ghép ngay từ khâu hoạch định chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển đến việc xây dựng, thực hiện các chương trình, dự án đầu tư và trong mọi hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội. Khắc phục ngay tư duy đánh đổi môi trường để tăng trưởng kinh tế, chạy theo mục tiêu kinh tế trước mắt mà bỏ qua các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Từ đó, Việt Nam hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, thể chế về môi trường theo hướng ưu tiên các công nghệ sạch, dự án thân thiện môi trường. Tạo ra các quy chuẩn để kiểm soát từ đầu vào các dự án. Chế độ tiền kiểm, hậu kiểm chặt chẽ gắn với trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, địa phương.

Hơn nữa, trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam tăng cường và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường. Ưu tiên bố trí vốn đầu tư phát triển, vốn vay, vốn ODA để giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc, tồn tại kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, thúc đẩy các quan hệ đối tác chiến lược về môi trường. Việt Nam phải thực sự là thành viên, đối tác có trách nhiệm và tin cậy ở tầm chiến lược trên lĩnh vực môi trường, nhất là trong nỗ lực chung giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu.

Linh Chi

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Môi trường - được và mất khi hội nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO