Miền Trung: Các nhà máy thủy điện hạ công suất phục vụ chống hạn

06/04/2016 00:00

(TN&MT) - Do ảnh hưởng của El Nino, mực nước tại các hồ thủy điện trên tại các địa phương ở miền Trung xuống thấp, trong đó nhiều hồ đã ở mực nước chết. Để đảm bảo nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân ở vùng hạ du theo quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa, các nhà máy thủy điện phải cắt giảm công suất hoặc ngừng hoạt động.

Mực nước hồ Thủy điện A Vương thấp hơn nhiều so với mực nước dâng bình thường
Mực nước hồ Thủy điện A Vương thấp hơn nhiều so với mực nước dâng bình thường

Nỗ lực cấp nước chống hạn

A Vương là công trình thủy điện lớn nhất trong hệ thống thủy điện bậc thang sông Vu Gia – Thu Bồn có tổng công suất 210 MW gồm 2 tổ máy, điện lượng bình quân hàng năm là 815 triệu KW/h. Tính đến đầu năm nay, hồ chứa thủy điện A Vương chỉ tích được đến mức 361,6m, thiếu 18,4m so với mực nước dâng bình thường. Kể từ khi nhà máy đi vào vận hành đến nay, đây là năm khô hạn nhất về lưu lượng nước về. Đến hết quý 1/2016, Nhà máy thủy điện A Vương mới sản xuất được 4 triệu kWh điện, chưa bằng 1% so với kế hoạch năm. Tuy vậy, đến thời điểm này Thủy điện A Vương vẫn không phát điện, tập trung tích nước, sẵn sàng nguồn nước để chống hạn cho hạ du, nhất là trong vụ hè thu sắp tới.

Ông Nguyễn Đình Bản - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện A Vương cho biết: Do mực nước hồ chứa thủy điện A Vương ở mức thấp và không đảm bảo mực nước quy định tại Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành kèm theo Quyết định 1537/QĐ-TTg ngày 7/9/2015, nên trong thời gian này Nhà máy thủy điện A Vương không phát điện mà chủ yếu tập trung tích nước hồ chứa để đối phó với tình hình hạn hán diễn ra trong năm 2016 theo sự điều hành của UBND tỉnh Quảng Nam.

Tương tự, hiện mực nước tại Nhà máy thủy điện Đakdrinh, ở huyện Sơn Tây đang xuống rất thấp, chỉ đủ cho 1 tổ máy vận hành từ 13-15 giờ/ngày, tương đương 1/3 công suất. Việc giảm công suất phát điện khiến doanh thu của Nhà máy sụt giảm nghiêm trọng. Quý 1 năm nay, doanh thu chỉ đạt khoảng 40 tỷ đồng, bằng 1/4 cùng kỳ năm trước.

Ông Lê Năng, Quản lý phân xưởng vận hành thủy điện Đakdrinh cho biết: Vào thời điểm này, hết quý 1/2015, chúng tôi đạt hơn 150 triệu KWh nhưng tới giờ này mới chỉ đạt hơn 35 triệu KWh. Do giữ nước phục vụ nước tưới tiêu nên chúng tôi phát với công suất thấp để phục vụ vào những tháng cao điểm theo yêu cầu của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và của tỉnh. Hiện giờ chúng tôi hoạt động chưa tới 1/3 công suất.

Các nhà máy thủy điện phải cắt giảm công suất hoặc ngừng hoạt động để phục vụ chống hạn
Các nhà máy thủy điện phải cắt giảm công suất hoặc ngừng hoạt động để phục vụ chống hạn

Nhiều nhà máy thủy điện ở miền Trung như Nước Trong (Quảng Ngãi), sông Ba Hạ (Phú Yên)… mực nước trong hồ giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước buộc các nhà máy phải giảm công suất phát điện để điều tiết nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt vùng hạ lưu theo quy trình vận hành liên hồ chứa. Thay vì chạy 100% công suất, hầu hết các nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng vào giờ cao điểm để ưu tiên cấp nước cho hạ du.

Sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương dự báo, khô hạn trên diện rộng sẽ kéo dài đến hết tháng 9/2016. Làm thế nào để nguồn tài nguyên nước được sử dụng hợp lý vừa phục vụ cho mục tiêu chống hạn hiệu quả, vừa đảm bảo năng lực phát điện đang là bài toán khó đặt ra với các nhà máy thủy điện cũng như các ngành chức năng địa phương.

Theo ông Trương Xuân Tý - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam), các nhà máy thủy điện cần có sự phối hợp với chặt chẽ, thông tin kịp thời với chính quyền địa phương vùng hạ du để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước. Ông Trương Xuân Tý chia sẻ: Từ khi có sự phối hợp với tỉnh và Nhà máy thủy điện A Vương, việc cung cấp và sử dụng nước trên địa bàn cơ bản được đảm bảo. “Công ty thực hiện chế độ dự báo thông số hồ 10 ngày/lần, từ đó hiệu chỉnh lưu lượng xả phù hợp với tình hình thực tế trong từng giai đoạn cụ thể, nhằm khai thác hiệu quả các nguồn nước từ các hồ chứa. Do vậy đến thời điểm tại Quảng Nam chưa xảy ra tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp”.

Ông Đặng Văn Tuần - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ cũng cho biết:  Đến thời điểm này, Nhà máy vẫn chưa tích đủ lượng nước đảm bảo duy trì mực nước hồ theo Quy trình vận hành liên hồ chứa. Tuy nhiên, đơn vị vẫn ưu tiên cấp nước cho hạ du.  Để tận dụng và sử dụng tiết kiệm nguồn nước trong bối cảnh khô hạn, công ty thường xuyên làm việc với UBND tỉnh Phú Yên, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, UBND huyện Sơn Hòa, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các huyện. Ngay trong vụ Đông Xuân này và sắp tới là vụ Hè Thu, trước khi vận hành chạy máy phát điện cấp nước, Công ty thông báo với các Trạm bơm ở huyện Sơn Hòa để chủ động thời gian bơm cấp nước cho đồng ruộng hiệu quả, tiết kiệm tận dụng tối đa nguồn nước, tránh lãng phí.

Nhà máy thủy điện Sông Bung xả nước về hạ du
Nhà máy thủy điện Sông Bung xả nước về hạ du

Công ty cũng thường xuyên liên lạc và làm việc với các Hợp tác xã ở hạ du sông Ba để tìm hiểu rõ từng giai đoạn quá trình phát triển của cây lúa từ đó có lịch cấp tưới tiêu phù hợp, đồng thời cung cấp nước đảm bảo kịp thời khi cây lúa sinh trưởng, đặc biệt là giai đoạn đầu trỗ bông cần nước nhiều để tăng năng suất của lúa. Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ còn tăng cường phối hợp với Nhà máy thủy điện Sông Hinh để việc cung cấp nước được thuận lợi và tăng hiệu quả chống hạn.

Hạn hán và xâm nhập mặn đang tác động ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt ở người dân ở nhiều địa phương. Do vậy, bên cạnh việc các thủy điện hạ công suất, trong tình hình hiện nay, các địa phương cần tính tới việc chủ động chuyển đổi sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu./.

Bài & ảnh: Lan Anh – Anh Dũng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Miền Trung: Các nhà máy thủy điện hạ công suất phục vụ chống hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO