Hủy hoại đất có thể bị phạt tiền đến 200 triệu đồng
(TN&MT) - Thời gian qua, tình trạng san lấp đất nông nghiệp trái phép tại khu vực đường Đại Thanh (đoạn qua các xã: Tả Thanh Oai, Đại Áng (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội)) diễn ra rầm rộ.
Mỗi ngày, có rất nhiều chuyến xe tải chở đất, trạc thải cao “ngất ngưởng” từ khắp nơi tập kết về đây để san phẳng các ao, hồ, ruộng… Vậy theo quy định của pháp luật các hành vi này có bị coi là hủy hoại đất không và sẽ bị xử lý thế nào?
Phạm Văn S. (Thanh Trì, Hà Nội)
Vấn đề bạn hỏi, Văn phòng Luật sư tư vấn như sau: Hiện nay, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có khái niệm san lấp đất nông nghiệp. Tuy nhiên, theo Quý độc giả mô tả, có thể hiểu đây là các hành vi vận chuyển đất từ nơi khác đến, đắp vào những vùng thấp như ao, hồ, ruộng nhằm làm biến dạng địa hình khu vực này.
Khoản 27 Điều 3 Luật Đất đai năm 2024 định nghĩa “Hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định”. Đồng thời, Điều 11 Luật Đất đai năm 2024 quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực đất đai, trong đó nghiêm cấm hành vi lấn, chiếm, hủy hoạt đất đai.
Theo đó, việc san lấp ao, hồ, ruộng như Quý độc giả nêu trên nếu không được sự cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có thể bị coi là hành vi hủy hoạt đất và sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Cụ thể:
Điều 14 Nghị định 123/2024/NĐ-CP của Chính phủ ban hành có hiệu lực ngày 4/10/2024 đã quy định mức xử phạt cụ thể đối với từng hành vi hủy hoại đất, trong đó, hành vi san lấp đất có mặt nước chuyên dùng (trừ hồ thủy lợi) hoặc san lấp nâng cao, hạ thấp bề mặt của đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định (trừ trường hợp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa, cải tạo đất nông nghiệp thành ruộng bậc thang và hình thức cải tạo đất khác phù hợp với mục đích sử dụng đất được giao, được thuê, được công nhận quyền sử dụng đất hoặc phù hợp với dự án đầu tư đã được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất phê duyệt hoặc chấp thuận) thì hình thức và mức xử phạt như sau:
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với diện tích đất dưới 0,05 héc ta;
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 01 héc ta trở lên.
Như vậy, tùy vào diện tích đất bị hủy hoại mà mức xử phạt đối với chủ thể vi phạm có thể dao động từ 5.000.000 – 200.000.000 đồng. Đồng thời, chủ thể hủy hoại đất buộc phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Tuy nhiên, nếu trường hợp không có tính khả thi để khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền nêu trên, nhưng tối đa không quá 500.000.000 đồng đối với cá nhân, không quá 1.000.000.000 đồng đối với tổ chức.