Trường hợp và thời điểm phải xin cấp phép khai thác tài nguyên nước?
Bạn đọc Hoàng Chiêm Khánh (Lào Cai) hỏi: Tôi thấy trong khoản 3 Điều 44 Luật Tài nguyên nước 2012 quy định: “Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 73 của Luật này cấp giấy phép trước khi quyết định việc đầu tư”.
Vậy xin hỏi, việc cấp giấy phép trước khi quyết định việc đầu tư là thời điểm nào? Ngoài ra, việc kê khai, cấp phép và đăng ký khai thác tài nguyên nước được quy định như thế nào?
Câu hỏi của bạn được tư vấn như sau:
Thứ nhất, quy định tại Khoản 3 Điều 44 như bạn trích dẫn nằm ở Luật Tài nguyên nước 2012. Và từ ngày 1/7/2024, Luật Tài nguyên nước 2023 bắt đầu có hiệu lực thì quy định tại luật cũ sẽ hết hiệu lực thi hành.
Thứ hai, các quy định về thời điểm được cấp giấy phép đã được bổ sung tại Nghị định số 54/2024/NĐ-CP quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Cụ thể, khoản 4 Điều 8 Nghị định số 54/2024/NĐ-CP quy định:
“Các công trình khai thác nước thuộc trường hợp phải có giấy phép khai thác tài nguyên nước phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 15 của Nghị định này cấp phép trước khi xây dựng công trình khai thác nước. Trường hợp đã có công trình khai thác nước mà chưa có giấy phép khai thác tài nguyên nước theo quy định, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét quyết định cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước khi đáp ứng các điều kiện cấp phép theo quy định tại Điều 57 của Luật Tài nguyên nước. Việc xử lý các hành vi vi phạm do thăm dò, khai thác tài nguyên nước không có giấy phép thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước”.
Như vậy, thời điểm được cấp giấy phép khai thác nước là thời điểm trước khi xây dựng công trình khai thác nước.
Thứ ba, việc kê khai, cấp phép và đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước cũng được quy định cụ thể tại Điều 8 Nghị định số 54/2024/NĐ-CP. Cụ thể:
Công trình khai thác nước dưới đất của hộ gia đình quy định tại khoản 4 Điều 52 của Luật Tài nguyên nước phải thực hiện kê khai. Việc kê khai nhằm cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền đưa ra những khuyến cáo cho các hộ gia đình về chất lượng nước dưới đất, khu vực có nguy cơ mực nước bị hạ thấp, suy giảm, khu vực bị sụt, lún đất, khu vực có nguồn nước dưới đất gần biên mặn và phục vụ công tác quản lý bảo vệ nước dưới đất;
Các trường hợp công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đăng ký, bao gồm: Hồ chứa, đập dâng thủy lợi có dung tích toàn bộ từ 0,01 triệu m³ đến 0,2 triệu m³; công trình khai thác nước mặt khác cho mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản có quy mô khai thác lớn hơn 0,1 m³/giây đến 0,5 m³/giây; Khai thác nước biển phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản trên đảo, đất liền có quy mô lớn hơn 10.000 m³/ngày đêm đến 100.000 m³/ngày đêm;
Khai thác nước dưới đất để sử dụng cho mục đích khác mục đích quy định tại điểm a khoản 3 Điều 52 của Luật Tài nguyên nước và khoản 1 Điều này có quy mô không vượt quá 10 m³/ngày đêm; Sử dụng nước dưới đất tự chảy trong moong khai thác khoáng sản để tuyển quặng tại moong hoặc bơm bút nước để tháo khô lượng nước tự chảy vào moong khai thác khoáng sản theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 52 của Luật Tài nguyên nước;
Công trình ngăn sông, suối, kênh, mương, rạch với mục đích ngăn mặn, tạo nguồn, chống ngập, tạo cảnh quan (trừ hồ chứa, đập dâng thủy lợi, thủy điện) khác quy định tại khoản 5 Điều 7 của Nghị định này có tổng chiều dài hạng mục công trình ngăn sông, suối, kênh, mương, rạch không vượt quá 30 m; đối với cống ngăn sông, suối, kênh, mương, rạch với mục đích ngăn mặn, tạo nguồn, chống ngập, tạo cảnh quan khác quy định tại khoản 5 Điều 7 của Nghị định này có tổng chiều rộng thông nước không vượt quá 5 m;
Sử dụng mặt nước hồ chứa để sản xuất điện mặt trời theo quy định tại điểm e khoản 5 Điều 52 của Luật Tài nguyên nước; Sử dụng mặt nước sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ chứa để nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, dịch vụ với diện tích mặt nước sử dụng có quy mô lớn hơn 100 m²; Các khu, điểm du lịch có hoạt động sử dụng mặt nước; Đào sông, suối theo quy định tại điểm g khoản 5 Điều 52 của Luật Tài nguyên nước; Đào hồ, ao để tạo không gian thu, trữ nước, tạo cảnh quan có quy mô khác quy định tại điểm a khoản 4 Điều 7 của Nghị định này; Đào kênh, mương, rạch để tạo không gian thu, trữ nước, dẫn nước, tạo cảnh quan có quy mô khác quy định tại điểm b khoản 4 Điều 7 của Nghị định này.
Các trường hợp khai thác tài nguyên nước phải có giấy phép, gồm: Khai thác tài nguyên nước không thuộc trường hợp quy định tại Điều 7 của Nghị định này và khoản 1, khoản 2 Điều này; Các trường hợp quy định tại điểm a khoản này mà khai thác nước mặt trực tiếp từ hồ chứa, đập dâng thủy lợi, thủy điện, hệ thống kênh thủy lợi, thủy điện thì phải thực hiện cấp phép theo quy định của Nghị định này.