Anh còn đang thực hiện nhân giống lan ngọc điểm thông qua tự nhiên với mong muốn ngọc điểm rừng sẽ không mất giống.
Nhớ lại hành trình lập nghiệp cách đây hai mươi năm, anh Tính kể: “Trước tôi ở xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang lên Tân Phúc (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận – PV) lập nghiệp năm 23 tuổi (1999). Đầu tiên làm thuê cho người chuyên canh cây đu đủ...Sau đó, thấy ở đây ai có tiền đều mua đất lập vườn, nhiều vài ha, ít vài ngàn mét vuông, nên tôi không khỏi ao ước điều đó. Cuối cùng tôi nhờ tía bán giúp 2 công đất vườn ở quê, vừa đủ mua 2 ha đất để trồng nhãn tiêu da bò...”.
Anh Nguyễn Ngọc Tính - chủ trại trồng loài lan ngọc điểm rừng
Rồi sau mấy năm chăm sóc, Ngọc Tính thu nửa tỷ đồng tiền nhãn. Anh tiếp tục mua đất và từ 2007 trồng thêm quýt đường. Nhờ biết cách hãm quýt ra trái sau tết khi quýt các nơi không còn nhiều, nhờ vậy được giá.
Thế nhưng, anh Tính cũng không khỏi lo sẽ có lúc quýt dội hàng vì người trồng quýt ở Tân Minh, Tân Phúc và Tân Đức ngày một nhiều. Chưa kể, quýt trồng tại Tân Phúc là quýt ghép, sau 5 năm là giảm năng suất, cần đầu tư lại. Vậy nên, khi có người bạn giới thiệu, anh Tính chuyển hướng mua và trồng cây lan ngọc điểm rừng vào năm 2014.
Giống lan ngọc điểm này còn gọi là đai châu, lan me, nghinh xuân, ra hoa đúng địp Tết Nguyên đán). Thời gian đầu khởi nghiệp, anh gặp không ít khó khăn. “Đất làm trại mình có rồi, nhưng mọi cái còn lại phải mua. 2 năm đầu, tôi mất 300 triệu đồng vì chuẩn bị không đạt… Ví dụ, thấy không ít người trồng lan hay bỏ than trong chậu, tôi cũng mua mấy tấn, nhưng từ lúc bỏ than vô, chăm sóc kỹ lưỡng, nhưng hơn 1 năm, cây lan chỉ ra được vài lá, lá không xanh mà vàng, rồi rụng đi. Thứ hai, móc sắt để treo chậu lên giàn. Từ đầu tôi mua móc nhỏ nên khi lan lớn, trọng lượng chậu tăng, móc ngoắc ra làm rơi cả chậu. Phải thay gần 10.000 chậu và gần như vậy với số móc sắt...Cũng nhờ trả học phí cho sự thiếu hiểu biết như vậy, tôi am hiểu dần ngọc điểm rừng”, anh Tính tâm sự.
Đến cuối năm 2018, sau 4 năm kiên trì, cũng như đã chi 6 tỷ đồng, Tính có được 1,2 ha (trong số gần 10 ha chuyên trồng cây) để làm trại lan, với 15.000 chậu; 1.000 trụ lan, cao từ 1,5 - 2 m/trụ... Trại bắt đầu có khách mua sỉ, từ 200 - 300 chậu, với giá 800.000 - 1 triệu đồng/chậu (12 - 15 lá). Đa phần được chuyển đi Bắc.
“Lá lan ngọc điểm dài, bản lá rộng, cây khỏe mạnh, có thể ra 4 vòi hoa cong, dài từ 15 - 40 cm. Hoa màu trắng hồng điểm dày sắc tím, thơm nhẹ, kéo dài nhiều ngày. Với xứ Bắc, trong những tháng nhiệt độ cao, ngọc điểm Bình Thuận vẫn thích nghi, sinh trưởng tốt. Đây là lý do vì sao nó được ưa thích”, anh Tính chia sẻ.
Cũng theo chủ trại lan, khó nói chính xác giá ngọc điểm rừng vì còn tùy thuộc vào hoa, vào sự “bề thế” của chậu lan, độ lớn của trụ lan…Hoa nhiều, chuỗi hoa đẹp và dài, nếu là đột biến gen tuyền sắc trắng, hoặc sắc hồng, giá rất cao, có khi lên đến 1 - 2 tỷ đồng/chậu.
Có lợi nhuận từ lan, anh Tính bắt đầu nghĩ đến việc nhân giống lan ngọc điểm thông qua tự nhiên. Anh tính kể: “Tôi sẽ dùng lạt tre buộc ngọc điểm vào thân cây rừng mà nó ưa thích. Sau thời gian không dài, cây rừng khắc nuôi lan; lấy mưa, lấy gió, lấy nắng trời làm thức ăn để lan nảy nở… Đó là cách gởi trả lại tự nhiên một phần những gì con người lấy đi lâu này. Chỉ sau vài năm, số lan gởi vào rừng phát triển (với điều kiện phải được chủ rừng giữ gìn tốt, có trách nhiệm), đến lúc đó mình thu thập lại phần nào, ngọc điểm rừng sẽ không mất giống”.
Bình Thuận trước đây giàu tài nguyên rừng (trên 440.000 ha rừng). Thế nhưng, rừng Bình Thuận chịu không ít tác động, đã giảm đáng kể về trữ lượng, chủng loại thực vật… Vì vậy, những người như anh Tính đáng được trân trọng bởi góp phần bảo tồn nguồn gien lan rừng, vừa mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế, đó là khai thác hợp lý nguồn tài nguyên phong lan để tiếp tục lai tạo, nhân giống, xuất khẩu, mang lại nguồn thu cho gia đình, địa phương.