Lạc về miền trái ngọt Yên Châu

Nguyễn Nga| 27/10/2022 06:16

(TN&MT) - Nhận thức rõ hiệu quả của việc phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển bền vững, những năm qua, tỉnh Sơn La đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thay thế cây trồng kém hiệu quả trên đất dốc bằng cây ăn quả. Nhờ đó, góp phần quan trọng giúp bà con Sơn La giảm nghèo, đồng thời, tăng độ che phủ đất trống đồi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.

Xóa nghèo trên mảnh đất Yên Châu

Lâu lắm chúng tôi mới trở lại vùng đất Yên Châu, ấn tượng đầu tiên chính là diện tích đất đồi được phủ một màu xanh của những vườn xoài, nhãn, bưởi… Trước đây, nhắc tới Yên Châu, người ta thường nghĩ đến hình ảnh những nương ngô, nương sắn, những mảng đồi trơ trọi, những lớp đất bạc màu xói mòn dần qua năm tháng. Cây trồng kém hiệu quả, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Bởi thế, làm sao phát huy tiềm lực đất đai để xóa đói, giảm nghèo bền vững là câu hỏi trăn trở một thời gian dài với chính quyền và người dân nơi đây.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Sơn La về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, huyện Yên Châu đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, triển khai những mô hình phát triển cây ăn quả với diện tích từ 3 - 5ha, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, góp phần quan trọng để đời sống bà con ngày một khởi sắc. 

a1(2).jpg

Người dân Yên Châu (Sơn La) chăm sóc vườn cây ăn quả.

Xã vùng biên Lóng Phiêng có 12 bản, hơn 2.300 hộ dân, với 6 dân tộc anh em cùng chung sống. Năm 2016, toàn xã có 310ha cây ăn quả, thì nay đạt trên 1.100ha, sản lượng các loại quả gần 5.000 tấn/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân mỗi năm giảm 2,7%. Theo chân cán bộ xã, chúng tôi có dịp đến thăm vườn nhãn hơn 10ha của gia đình bà Nguyễn Thị Duyên - vườn cây ăn quả có diện tích lớn nhất nơi đây. Vùng đất khô cằn, toàn cây dại, cỏ lau ngày nào, giờ đây xanh màu xanh no ấm của những tán cây ăn quả.

Bà Duyên tâm sự: Gia đình bà lên khai phá từ những năm 1993. Những ngày đầu khó khăn lắm. Gia đình thực hiện trồng nhãn, nhưng chỉ là giống nhãn địa phương nên hiệu quả kinh tế không cao. Dày công tìm tòi, khám phá, vợ chồng bà Duyên đã mạnh dạn đưa giống nhãn Miền Thiết thay thế giống nhãn địa phương. Cây trồng không phụ lòng người chăm sóc. Hợp đất, cộng thêm đổi mới kỹ thuật trồng, chăm sóc, đến nay, trên 10ha nhãn đều cho năng suất cao, mẫu mã đẹp, được thương lái thu mua tận vườn và xuất bán vào các siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội. “Trung bình, gia đình tôi thu từ 100 - 120 tấn nhãn/vụ. Trừ tất cả chi phí, gia đình tôi đã có lợi nhuận 1,6 tỷ đồng/năm…” - bà Duyên phấn khởi cho hay.

a3(2).jpg

Theo số liệu từ UBND huyện Yên Châu, Yên Châu có tới 78% là đồng bào dân tộc thiểu số, với 14 xã, 1 thị trấn. Để xóa đói giảm nghèo hiệu quả, những năm qua, từ các nguồn vốn ưu đãi, huyện Yên Châu đã tập trung hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã biên giới; tích cực triển khai các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ tạo điều kiện giúp người dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống… Gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn. 

Đặc biệt, huyện Yên Châu đã tiến hành rà soát, đánh giá, thống kê toàn bộ diện tích đất dốc hiện đang canh tác cây lương thực, các loại cây công nghiệp hiệu quả thấp trên địa bàn để tiến hành quy hoạch chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả.

Qua đó, những năm qua, công tác phát triển cây ăn quả trên địa bàn huyện đã có những bước phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng. Toàn huyện hiện có khoảng 11.000ha cây ăn quả các loại, trong đó, trên 560ha được người dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; 662ha diện tích cây ăn quả đã được cấp chứng nhận VietGAP; 46 mã số vùng trồng cho 985ha diện tích cây ăn quả các loại. Đã hình thành nhiều mô hình trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ, liên kết với các đơn vị xuất khẩu tiêu thụ sản phẩm, giúp người dân nâng cao thu nhập.

Tăng độ che phủ rừng, giảm nguy cơ thoái hóa đất

Năm 2017, UBND tỉnh Sơn La đã triển khai Điều tra thoái hóa đất lần đầu trên địa bàn tỉnh. Kết quả Dự án cho thấy: Toàn tỉnh có tới hơn 777.000ha đất bị thoái hóa, chiếm trên 61% tổng diện tích điều tra. Một trong những giải pháp để giảm thiểu thoái hóa đất được tỉnh Sơn La đưa ra chính là đẩy mạnh trồng cây ăn quả trên đất dốc, hạn chế phát rừng làm nương rẫy, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phát triển các mô hình nông, lâm kết hợp; đẩy mạnh khoanh nuôi, tái sinh và trồng mới rừng trên các khu vực có độ dốc cao.

a2-1-.jpg

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Sơn La, thời điểm những năm 2015 trở về trước, toàn tỉnh Sơn La có khoảng 150.000 - 180.000ha ngô khiến đất bị xói mòn, hoang hóa. Từ năm 2015 trở lại đây, Sở NN&PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy hoạch phát triển cây ăn quả, các chính sách hỗ trợ mở rộng các mô hình ghép cải tạo vườn nhãn, xoài, bơ…; hỗ trợ đưa vào sản xuất công nghệ tưới tiết kiệm nước, tiết kiệm phân bón. Hỗ trợ chuyển đổi, thành lập các HTX nông nghiệp để tăng cường liên kết giữa các hộ gia đình trong quản lý sản xuất, nhất là các hộ gia đình đang sản xuất cây ăn quả với quy mô khá lớn. Kết nối hình thành các chuỗi nông sản phát triển bền vững. 

Năm 2022, tỉnh tiếp tục giảm diện tích trồng ngô, lúa nương, tăng diện tích cây ăn quả. Đến nay, đã có hơn 83.000ha cây ăn quả và sơn tra, sản lượng hơn 381.000 tấn.  Đã cấp 281 mã số vùng trồng, diện tích hơn 4.600ha cây ăn quả phục vụ xuát khẩu. Trong 9 tháng đầu năm 2022, đã tiêu thụ trên 276.000 tấn nông sản các loại. 

Đặc biệt, đã có hơn 330 doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trồng cây ăn quả với diện tích gần 10.000ha, góp phần giải quyết việc làm cho gần 7.000 lao động, nâng cao thu nhập cho nông dân, đặc biệt là người dân vùng tái định cư Thủy điện Sơn La. Nhiều diện tích cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao trên 1ha như chanh leo tím và bơ ghép 600 triệu/ha, xoài ghép 500 triệu/ha, nhãn ghép 360 triệu/ha, na Hoàng hậu ghép tới 1 tỷ đồng/ha. 

Không chỉ góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân Sơn La, việc đưa cây ăn quả vào trồng trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng giảm mạnh đất trống đồi núi trọc, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, góp phần giữ nước chống xói mòn, cải tạo đất, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là thuốc diệt cỏ trong canh tác cây lương thực. Hướng tới môi trường sinh thái bền vững, phù hợp cuộc sống và văn hóa các dân tộc, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Sơn La những năm qua đã cho thấy những hiệu quả rất thiết thực. Việc lựa chọn, xác định phát triển cây ăn quả phù hợp với đất đai và các tiểu vùng khí hậu. Cùng với đó, tiếp tục khẳng định quyền sử dụng đất sản xuất lâu dài của các hộ gia đình đầu tư vào vườn cây ăn quả như là tăng tài sản của hộ gia đình, do đó, đã giúp các hộ gia đình chuyển đổi nhận thức từ chờ đợi nhà nước sang chủ động đầu tư phát triển.

Thời gian tới, tỉnh Sơn La tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng thực chất, hiệu quả, khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, huyện, thành phố. Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hóa tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa. Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản. Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giảm phát thải khí nhà kính góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên nền tảng phát triển kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu….

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lạc về miền trái ngọt Yên Châu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO