Xã hội

Lá thư ấy như vẫn còn ấm trên tay

CCB Nguyễn Công Dinh kể - Việt Hải ghi 01/05/2024 - 08:33

(TN&MT) - Cứ mỗi độ tháng 5 về, khi bài hát “Giải phóng Điện Biên” ngập tràn khắp nơi, lòng tôi lại bồi hồi nhớ về kỷ niệm của những năm tháng tham gia kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là kỷ niệm về lần mang bức thư hỏa tốc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về báo cáo Bác Hồ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Hồi ấy, tôi đang là Phái viên mặt trận, làm nhiệm vụ phục vụ cho các đồng chí lãnh đạo của Bộ Tư lệnh tiền phương. Trưa ngày 27/1/1954, vừa ăn trưa xong, đồng chí Hoàng Văn Thái đã nhắn tôi lên gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi vội vàng lên ngay Sở Chỉ huy. Tới nơi, tôi thấy Đại tướng dường như đang chờ sẵn. Đại tướng đưa tôi một lá thư đã phong kín và dặn: “Vì điều kiện chiến trường không cho phép điện đài, đồng chí cầm thư này về trao tận tay Bác và chờ Chỉ thị của Người. Sẽ có lái xe đưa đồng chí đi. Đây là nhiệm vụ quan trọng và rất gấp. Đồng chí nhớ bảo toàn người và tài liệu”.

Tôi nhận nhiệm vụ mà lòng chộn rộn, dù không biết nội dung lá thư nhưng tôi cũng lờ mờ đoán đây là một tài liệu rất quan trọng liên quan đến kế hoạch đánh Điện Biên Phủ đang diễn ra.

Để tránh sự săm soi lùng sục của máy bay địch, tầm 4 giờ chiều, khi màn sương bắt đầu giăng phủ núi rừng, từ Nà Tấu - Chỉ huy Sở 2 của Chiến dịch, chúng tôi mới bắt đầu xuất phát. Chiếc xe Jeep (chiến lợi phẩm thu được của địch trong Chiến dịch Biên giới - chiếc xe đầu tiên đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ Khuổi Tát lên Điện Biên Phủ nhận nhiệm vụ) do đồng chí Nguyễn Văn Thích lái, đã chờ sẵn.

Đường từ Điện Biên Phủ về Cò Nòi là con đường độc đạo. Vì ban ngày địch đánh phá rất dữ nên “bình minh” trên đường bắt đầu từ lúc chập tối cho đến tan sương sáng hôm sau. Trước mắt tôi, những dòng người ngược về Điện Biên như nước chảy: Những đoàn dân công Việt Bắc, Tây Bắc, Khu 3, Khu 4; Bộ binh, pháo binh, công binh, vận tải, văn công. Chiến sĩ ta mặc áo bông mới, súng đạn, ba lô, bao gạo trên người. Những đoàn dân công xe thồ, gánh gồng kĩu kịt, kín lá ngụy trang.

111.jpg
Đèo Pha Đin nhìn từ trên cao. Ảnh: TTXVN

Xe qua phố huyện Tuần Giáo, ngay dưới chân đèo Pha Đin. Tới đây, bắt đầu một chặng đường đầy gian nan và nguy hiểm. Con đèo Pha Đin dài hơn ba chục cây số, nằm trên Quốc lộ 6, vắt qua hai tỉnh Sơn La và Điện Biên. Xác định đây là một trong những tuyến giao thông huyết mạch của ta nên suốt thời gian từ những tháng cuối năm 1953, địch đã cho máy bay thả bom đánh phá liên tục. Đêm tối, qua ánh đèn gầm ô tô, những sườn núi trụi hết cây cỏ, đất đá bị xới lộn. Lực lượng công binh và dân quân đã phải liên tục xử lý bom, lấp hố bom nối thông đường. Địch còn cho rắc bom bươm bướm khắp nơi, biến núi rừng thành bãi mìn. Những cánh bom bươm bướm lẫn vào cây cỏ, các chiến sĩ công binh đã phải dùng sào gạt, dùng đá ném làm nổ bom hoặc dùng sào khua bom trên cây để gây nổ.

Xe vừa xuống đến chân đèo Pha Đin thì máy bay địch rà xuống thả bom. Nghe kẻng báo động, đồng chí lái xe vội dừng, giấu xe, chúng tôi nhảy xuống nằm nép sát mép núi. Bom từng loạt thả vu vơ ngay đầu xe, người dềnh lên như sóng đánh. Lòng tôi lo lắng vô cùng, chỉ ước mình có đôi chân chạy thật nhanh về trao lá thư cho Bác, hoàn thành nhiệm vụ thì rồi nhỡ có dính đạn bom tôi cũng chấp nhận. Rất may, cả người và xe đều an toàn, dứt tiếng bom, chúng tôi bật dậy đi ngay, xe lách qua hố bom vừa thả vẫn còn khét mùi thuốc lẫn trong ngai ngái mùi đất đỏ và nhựa cây.

screenshot_1713661204.png
Cựu chiến binh Nguyễn Công Dinh và vợ. Ảnh: Việt Hải

Về đến Ngã ba Cò Nòi. Đây là nơi giao nhau của các trục đường 13 và đường 41. Các con đường như đã biến đi dưới những hố bom, đường và đồi núi chung quanh chỉ một màu đất đỏ. Trong kháng chiến chống Pháp, chúng tôi ví Ngã ba Cò Nòi là “cửa ải” mà tất cả những người ra trận phải vượt qua. Theo tài liệu của Pháp thì từ tháng 1/1954, những cuộc oanh tạc các đường giao thông dẫn đến Điện Biên Phủ ngày càng ác liệt. Có trận người Pháp dùng tới 39 máy bay ném bom B.26, 5 máy bay bốn động cơ Privateer và 21 máy bay khu trục hải quân, ném hàng trăm tấn bom trên những đoạn đường bị nghi ngờ. Lần đầu tiên trong các trận oanh tạc, Mỹ đã sử dụng loại máy bay vận tải cỡ lớn Packet C.119 (78 chỗ) để thả bom napan. Mỗi chiếc mang được 9 thùng chứa 90 bình napan.

Xe qua Ngã ba Cò Nòi, qua “cầu Trần Đăng Ninh” - cây cầu xếp bằng đá theo sáng kiến của đồng chí Trần Đăng Ninh, qua Tạ Khoa an toàn. Về đến Ô Lâu thì đã đêm khuya. Phà đang đợi sẵn. Chúng tôi xuống phà Ô Lâu ngay.

Phà sang gần đến đất Yên Bái thì bất chợt bầu trời sáng rực. Biết là gặp máy bay thả pháo sáng, tôi động viên đồng chí lái xe bình tĩnh, tắt hết đèn nhưng nổ máy, cài số sẵn sàng, chỉ đợi cập bến là vọt đi ngay. Phà vừa cập bến, đồng chí lái xe tăng ga, chiếc xe lao vút đi; phía sau, tiếng bom nổ rền, những cột nước ùng ục tung lên. Bom vừa ném trúng phà. Đúng là chỉ một tích tắc thôi, nếu không trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng thì cả người và xe đã trúng bom.

Theo Quốc lộ 70, xe qua Đoan Hùng rồi vượt bến Bình Ca thì trời sáng. Chiến dịch Thu - Đông năm 1947 với thành tích của Tiểu đoàn 42 đã bắn chìm một pháo thuyền Pháp trên sông Lô và đánh lui một trận đổ bộ của chúng vào sáng ngày 13/10/1947, bảo vệ vững chắc cửa ngõ phía Tây Việt Bắc, làm chủ con đường huyết mạch Bình Ca - Thái Nguyên, nối vùng tự do rộng lớn với nhau. Con đường Bình Ca - Thái Nguyên đưa chúng tôi thẳng hướng Căn cứ địa cách mạng Định Hóa.

co-noi-hom-nay.png
Cò Nòi hôm nay

Trưa ngày 29/1, xe dừng ở chợ Chu (Thái Nguyên). Từ chợ Chu, tôi đi bộ vào Định Hóa. Đây là căn cứ địa cách mạng của cả nước, nơi làm việc của các bộ, ngành Trung ương lãnh đạo toàn dân kháng chiến kiến quốc suốt 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược. Cũng nơi đây, ngày 26/11/1953, Đại tướng Hoàng Văn Thái nhận nhiệm vụ dẫn đầu Bộ Tư lệnh tiền phương lên đường đi Tây Bắc, tôi cũng vinh dự được cùng đi trong đoàn công tác ấy.

Bác đang chỉ đạo cuộc họp với Bộ Chính trị. Sau khi nghe trình bày vắn tắt nội dung cần gặp Bác, đồng chí bảo vệ bảo tôi ngồi đợi để vào báo cáo. Một lát, đồng chí Văn Tiến Dũng ra nhận thư. Tôi trao lá thư của Đại tướng cho đồng chí Văn Tiến Dũng. Khoảng 30 phút sau, đồng chí quay ra ân cần nói với tôi: “Bác Chỉ thị cho cậu về Điện Biên, Bác sẽ trực tiếp điện cho anh Văn”...

Vậy là nhiệm vụ đã hoàn thành. Tôi thở phào như trút được gánh âu lo. Đường về Nà Tấu sao mà cảm giác nhanh đến thế. Trưa 1/5, tôi về tới Nà Tấu, Điện Biên. Lúc này, Sở Chỉ huy chiến dịch đã chuyển từ Nà Tấu vào Mường Phăng, dưới chân núi Pú Đồn, ẩn mình dưới những tán rừng cổ thụ. Tôi đi ngay tới Mường Phăng, vào Tác chiến Thất gặp đồng chí Hoàng Văn Thái. Đồng chí Hoàng Văn Thái bảo tôi lên trực tiếp báo cáo Đại tướng. Lán và hầm làm việc của Đại tướng sát ngay bên trái lán và hầm làm việc của đồng chí Hoàng Văn Thái. Vừa gặp tôi, Đại tướng nói ngay: “Cảm ơn đồng chí. Tôi đã nhận được điện của Bác, Bác đồng ý”. Rồi Đại tướng hỏi thăm tình hình đi đường, sức khỏe của tôi và đồng chí lái xe. Tôi vừa vui vừa xúc động trước sự quan tâm ấp áp thân tình từ Đại tướng.

...Sau này tôi mới biết, trong lá thư hỏa tốc ấy, Đại tướng báo cáo Bác nội dung cuộc họp của Bộ Tư lệnh mặt trận quyết định chuyển từ phương án “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc” - một quyết định mà theo Đại tướng - là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của ông. Và sau này, như Đại tướng đã ghi trong hồi ký của mình (khi nhắc lại lời của tướng Vương Thừa Vũ): “Hai ngàn quả pháo với một tập đoàn cứ điểm rộng nhiều cây số vuông như Điện Biên Phủ có là bao! Tôi nghĩ nếu lần đó cứ “đánh nhanh giải quyết nhanh” thì cuộc kháng chiến có thể lui lại mười năm”.

70 năm trôi qua, cuộc đời tôi cũng đã từng trải qua bao thăng trầm vất vả, nhưng mỗi lúc gặp khó khăn, thì hình ảnh Bác và Đại tướng với ánh mắt ân cần hiền từ lại hiện lên trong tâm trí tôi. Ký ức về những năm tháng được làm việc bên Đại tướng và kỷ niệm về những lần được gặp Bác như tiếp cho tôi động lực vượt qua mọi sóng gió, gian khổ trong cuộc đời. Đặc biệt là kỷ niệm về lần được mang lá thư hỏa tốc của Đại tướng về báo cáo Bác, niềm vinh dự ấy không phải ai cũng có được. Đến hôm nay kể lại câu chuyện này, kỷ niệm lại ùa về xúc động như vừa mới hôm qua. Và lá thư ấy như vẫn còn trên tay tôi ấm nóng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lá thư ấy như vẫn còn ấm trên tay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO