Đất đai

Thái Bình sẽ xử lý nghiêm người đứng đầu nếu buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai

Lan Chi 21/05/2024 - 20:28

(TN&MT) - Xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, chuyển nhượng đất trồng lúa không đúng đối tượng, giao đất không đúng thẩm quyền tại địa bàn quản lý mà không có giải pháp xử lý, ngăn chặn triệt để, dứt điểm. Đó là một trong những nội dung quan trọng trong Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 21/5 của UBND tỉnh Thái Bình về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Luật Đất đai năm 2013 các văn bản hướng dẫn thi hành; UBND tỉnh đã ban hành các Chỉ thị và Văn bản chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai. Công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nề nếp, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, ở một số địa phương vẫn còn để xảy ra tình trạng vi phạm về quản lý sử dụng đất như: chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không đúng quy định, lấn chiếm hành lang đê điều, công trình thủy lợi; lấn chiếm, sử dụng trái phép đất bãi bồi ven sông, ven biển; có địa phương còn có biểu hiện buông lỏng quản lý đất đai, để xảy ra vi phạm không xử lý, đùn đẩy lên cấp trên, trong đó có vi phạm phải chuyển cơ quan điều tra, khởi tố... ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về đất đai và gây dư luận xấu trong xã hội.

9871-1686144215-9871-1682595411-1-1.jpg
Thái Bình chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh

Để kịp thời khắc phục những tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh, nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai của UBND cấp huyện, cấp xã; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; UBND huyện, thành phố tổ chức thực hiện Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành; chủ động phát hiện các quy định chồng chéo, chưa đồng bộ, các vấn đề phát sinh trong thực tiễn để kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đất đai và các quy định pháp luật khác có liên quan, công bố công khai về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt của địa phương để tổ chức, hộ gia đình, cá nhân biết, tuân thủ.

Đồng thời, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai, Thông báo số 871-TB/TU ngày 4/2/2020 của 2 Ban Thường vụ Tỉnh ủy về rà soát, kiểm tra việc chuyển mục đích sử dụng đất và các Văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, đất bãi bồi ven biển, hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển, tập kết cát trên địa bàn tỉnh.

UBND huyện, thành phố thực hiện việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, giao đất, cho thuê đất, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt, bảo đảm quy trình và hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương; phân công công chức, viên chức theo dõi địa bàn nắm tình hình, chủ động phát hiện và xử lý nghiêm ngay từ cơ sở các vi phạm theo thẩm quyền, kiến nghị cấp thẩm quyền xử lý kịp thời, triệt để vi phạm theo quy định của pháp luật. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 5/7/2021 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh, của UBND tỉnh tại Văn bản số 1498/UBND-KTNN ngày 3/4/2020 về khắc phục, xử lý tình trạng nông dân bỏ ruộng không canh tác để bảo đảm sản xuất, khai thác, sử dụng có hiệu quả diện tích đất nông nghiệp; không để tiếp diễn tình trạng lợi dụng chuyển đổi để vi phạm pháp luật đất đai.

UBND huyện, thành phố cũng xây dựng kế hoạch thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra, khắc phục những hạn chế thiếu sót đã chỉ ra sau thanh tra, kiểm tra tại các huyện, thành phố và các xã theo chỉ đạo của UBND tỉnh; tiếp tục thanh tra, kiểm tra các địa phương còn lại, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền việc chấp hành pháp luật đất đai của Chủ tịch UBND cấp xã trên địa bàn trong công tác quản lý nhà nước về đất đai.

Chỉ đạo các phòng, đơn vị có liên quan và UBND cấp xã thường xuyên rà soát tình hình quản lý sử dụng đất trên địa bàn và tổ chức kiểm tra, đề xuất xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định pháp luật đối với các vi phạm hành chính như: Lấn, chiếm, chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, không đúng đối tượng; phát hiện, áp dụng các biện pháp để ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình nhà ở, hạ tầng hình thành các khu dân cư mới trái phép trên đất nông nghiệp; kiên quyết buộc người có hành vi vi phạm phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

Đối với những vụ vi phạm có tính chất phức tạp, quy mô lớn, kéo dài, tái phạm nhiều lần như: xây dựng các công trình, làm nhà, hàng quán trái phép trong hành lang bảo vệ đê, xây dựng lắp đặt trạm trộn bê tông trái phép trên bãi sông…, tổ chức xử lý giải tỏa các công trình vi phạm; nếu đối tượng vi phạm không tự giác thực hiện thì tổ chức cưỡng chế, việc cưỡng chế phải phối hợp đồng bộ giữa chính quyền địa phương với Công an và các lực lượng liên quan bảo đảm chặt chẽ, nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật.

UBND huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn rà soát, quản lý chặt chẽ và có phương án sử dụng quỹ đất công ích theo đúng quy định của pháp luật, không để bị lấn, chiếm, để hoang hóa gây lãng phí quỹ đất; xử lý các trường hợp thuê đất công ích trái quy định. Hàng năm, tổng hợp, báo cáo việc quản lý, sử dụng và những biến động đối với đất công ích trên địa bàn cấp xã với UBND cấp huyện để theo dõi, chỉ đạo.

UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện việc chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là quyền sử dụng đất và nhà ở theo đúng quy trình, thẩm quyền và quy định của pháp luật, nhất là điều kiện nhận chuyển quyền sử dụng đất đối với đất nông nghiệp.

Chủ tịch UBND huyện, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc để xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn vi phạm công tác quản lý, sử dụng đất đai. Xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, chuyển nhượng đất trồng lúa không đúng đối tượng, giao đất không đúng thẩm quyền tại địa bàn quản lý mà không có giải pháp xử lý, ngăn chặn triệt để, dứt điểm.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch và tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác quản lý sử dụng đất đai (trong đó tập trung thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai của UBND cấp huyện, cấp xã; việc chậm đưa đất vào sử dụng; xử lý, công khai các vi phạm về quản lý sử dụng đất đai của tổ chức, cá nhân theo quy định).

Sở này tổng hợp việc thực hiện Chỉ thị, định kỳ báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện và kịp thời tham mưu UBND tỉnh xử lý các vướng mắc, vi phạm theo quy định.

Trong Chỉ thị, Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho Công an tỉnh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thanh tra tỉnh; các sở, ngành, đơn vị có liên quan; Báo Thái Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình; Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Bình sẽ xử lý nghiêm người đứng đầu nếu buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO