Châu Thành (Hậu Giang): chủ động ứng phó thời tiết cực đoan, giảm thiệt hại cho dân nghèo
(TN&MT)- Nhằm góp phần giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo an toàn cho người dân trước các hiện tượng thiên tai như dông lốc, sạt lở đất,… huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai nhiều giải pháp để ứng phó. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Phóng viên báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tấn Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.
PV: Ông có thể cho biết các hiện tượng cực đoan của biến đổi khí hậu (BĐKH) như dông lốc, sạt lở,… đã và đang diễn ra như thế nào trên địa bàn huyện Châu Thành?
Ông Nguyễn Tấn Trung:
Trong vài năm trở lại đây, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang thường xuyên chịu tác động từ các hiện tượng cực đoan của BĐKH, trong đó nghiêm trọng nhất là dông lốc và sạt lở bờ sông, kênh rạch, gây thiệt hại hơn 23,4 tỉ đồng. Cụ thể, từ năm 2020 đến cuối năm 2023, dông lốc xảy ra trên địa bàn huyện đã làm sập, tốc mái 21 căn nhà của người dân, ước tổng thiệt hơn 1,4 tỉ đồng; xảy ra 151 điểm sạt lở bờ sông, kênh, rạch với chiều dài gần 4km. Các vụ sạt lở đã làm mất vĩnh viễn hơn 21.000m2 đất, gây hư hỏng hàng chục căn nhà, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn bụ sụp lún, thiệt hại 22 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2024 đến nay, mặc dù đây là thời điểm của mùa khô, song tình hình sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn huyện đang có chiều hướng gia tăng, gây thiệt hại lớn về đất đai, nhà cửa và nhiều công trình cầu, đường ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt của người dân.
Nhằm chủ động phòng chống thiên tai, hàng năm Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) huyện Châu Thành luôn bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Hậu Giang về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra; đồng thời chủ động, vận dụng linh hoạt phương châm “bốn tại chỗ” để huy động sức mạnh tổng hợp từ các ngành, các cấp và người dân trong công tác phòng chống thiên tai; tăng cường tuyên truyền về tình hình thời tiết, nhất là vấn đề sạt lở đất giúp người dân kịp thời nắm bắt thông tin để chủ động đưa ra các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản; tổ chức khảo sát thực địa, xác định cụ thể nguyên nhân sạt lở để triển khai ngay các giải pháp ứng phó.
Bên cạnh đó, huyện Châu Thành cũng quan tâm công tác khắc phục hậu quả do sạt lở, dông lốc gây ra, kịp thời tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ, động viên các hộ dân bị ảnh hưởng do dông lốc, sạt lở, nhất là những đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, giúp họ sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống; đồng thời hỗ trợ hàng chục hộ dân di dời nhà ra khỏi vùng sạt lở và có nguy cơ sạt lở đất ven sông, kênh rạch đến nơi ở an toàn.
PV: Những năm gần đây, tỉnh Hậu Giang cũng như huyện Châu Thành đã và đang triển khai các công trình, dự án gì nhằm ứng phó hiệu quả với tình trạng sạt lở bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho người dân?
Ông Nguyễn Tấn Trung:
Để giảm thiểu thiệt hại sạt lở đất, trong thời gian qua các cơ quan, đơn vị, địa phương huyện Châu Thành đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân di dời nhà vào trong các tuyến đê bao; cắm bảng cảnh báo những tuyến kênh có nguy cơ sạt lở, vận động người dân hạn chế lấy đất cặ các tuyến sông, kênh rạch; đồng thời thực hiện dự án di dời cấp bách các hộ dân nằm trong khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở đến nơi ở an toàn.
Bên cạnh đó, từ nhiều nguồn vốn tỉnh Hậu Giang và huyện Châu Thành đã triển khai xây dựng một số tuyến đê kè kiên cố nhằm ngăn chặt sạt lở đất bảo đảm ổn định đời sống cho người dân. Hiện nay trên địa bàn huyện đang triển khai 5 dự án xây dựng bờ kè kết hợp với làm lộ giao thông nông thôn tại những khu vực có nguy cơ sạt lở cao dọc theo sông Cái Côn, sông Mái Dầm,… với tổng kinh phí hơn 300 tỷ đồng.
Ngoài ra, hàng năm UBND huyện Châu Thành đều chỉ đạo các phòng, ban chức năng, UBND xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sinh sống cặp các tuyến sông, kênh rạch trồng cây xanh dọc theo các tuyến sông, kênh rạch vừa tạo bóng mát, vừa ngăn ngừa sạt lở; đồng thời dùng thân dừa, bạch đàn, tre,…làm bờ kè sinh thái để góp phần hạn chế sạt lở đất; đồng thời tăng cường công tác cảnh báo dông lốc do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, kịp thời sơ tán và tạm dừng các hoạt động sản xuất để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
Các cơ quan, đơn vị chức năng của huyện Châu Thành cũng tăng cường tuyên truyền, vận động người dân hạn chế tối đa việc xây dựng nhà, kho xưởng sản xuất ven sông, kênh rạch nhằm giảm nguy cơ sạt lở đất.
PV: Hiện nay chuẩn bị bước vào mùa mưa, thời điểm thường diễn ra nhiều loại thiên tai, vậy để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, góp phần đảm bảo an toàn cho người dân, huyện Châu Thành sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp gì?
Ông Nguyễn Tấn Trung:
Nhằm ứng phó hiệu quả với sạt lở, dông lốc, bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản cho người dân, trong thời gian tới UBND huyện Châu Thành sẽ tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo của các cơ quan chuyên môn để thông tin kịp thời cho người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho cộng đồng về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ”.
Cùng với đó, huyện cũng sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, khu vực thấp trũng, có nguy ảnh hưởng triều cường, mưa lớn gây ngập úng cục bộ để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xấu xảy ra; bố trí lực lượng thường trực sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra; triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất; gia cố, bảo vệ diện tích cây ăn trái, rau màu.
Ngoài ra, nhằm giúp nâng cao năng lực ứng phó các hiện tượng thiên tai, đặc biệt là sạt lở đất, huyện Châu Thành kiến nghị đến các Bộ, ngành Trung ương và địa phương tiếp tục hỗ trợ huyện thực hiện đầu tư các dự án xây dựng bờ kè tại các tuyến có nguy cơ sạt lở cao; tiếp tục triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ người dân di dời ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở cao; đồng thời tăng cường hỗ trợ huyện tập huấn nâng cao năng lực ứng phó thiên tai cho Ban Chỉ huy PCTT & TKCN các cấp, lực lượng xung kích cấp xã;...
PV: Trân trọng cảm ơn ông!