Xã hội

Na Rì (Bắc Kạn): Đa dạng sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo bền vững

Bảo Hà 21/05/2024 - 18:03

Nhằm mục tiêu tạo sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là những hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn, huyện Na Rì (Bắc Kạn) đã triển khai hỗ trợ người dân thông qua các dự án đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững.

1.png
Huyện Na Rì (Bắc Kạn) đã triển khai hỗ trợ người dân thông qua các dự án đa dạng hóa sinh kế.

Năm 2023, huyện đã thực hiện 9 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng gồm 4 dự án chăn nuôi, 2 dự án trồng dong riềng, 3 dự án hỗ trợ công cụ, dụng cụ phục vụ sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, 7 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị.

Quá trình tổ chức hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế trên địa bàn huyện Na Rì đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần đưa số hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm 2,6% so với đầu kỳ.

Do quy mô các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng không lớn nên khi kết thúc dự án, các hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có điều kiện thoát nghèo vẫn tiếp tục tham gia các dự án tiếp theo. Một số dự án mang lại hiệu quả kinh tế cao như trồng dong riềng, chăn nuôi trâu, bò sinh sản, vỗ béo, chăn nuôi ngựa… đã tiếp tục được duy trì và nhân rộng. Thu nhập bình quân của hộ tham gia dự án chăn nuôi trong thời gian qua cũng tăng lên đáng kể.

Điển hình như Sơn Thành được biết đến là một trong những bản xa nhất và khó khăn của xã vùng cao của huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Những năm qua, tận dụng lợi thế đất đồi rừng rộng, khí hậu và chịu khó học hỏi, bà con dân tộc thiểu số xã Sơn Thành đang từng bước giảm nghèo bền vững từ mô hình nuôi ngựa.

3.png
Xã Sơn Thành đang từng bước giảm nghèo bền vững từ mô hình nuôi ngựa.

Là một trong những hộ nghèo trên địa bàn xã Sơn Thành, hộ gia đình anh Lý Văn Cường dân tộc Nùng, thôn Nà Kèn được nhận hỗ trợ từ dự án nuôi ngựa bạch cho biết: Gia đình anh rất khó khăn, thu nhập phụ thuộc vào vài sào ruộng bậc thang, được sự quan tâm của nhà nước gia đình được hỗ trợ 1 con ngựa sinh sản. Tận dụng diện tích đồng cỏ, đồi rừng của gia đình nên việc chăn thả ngựa bạch khá thuận lợi. Được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông chăm sóc đúng kỹ thuật và chủ động phòng bệnh nên ngựa bạch của gia đình anh Cường phát triển khá nhanh.

Cũng được nhận hỗ trợ từ dự án, chị Lý Thị Dất chia sẻ, chúng tôi rất vui mừng và không biết nói gì hơn khi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương. Hiện nay, ngựa nuôi ngày một lớn, sinh trưởng phát triển tốt, đây sẽ là nguồn thu nhập lớn, giúp gia đình tôi từng bước thoát nghèo.

Bà Nông Thị Việt Hòa, Phó Chủ tịch xã Sơn Thành cho biết, xã có tổng số 771 hộ dân, trong đó tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm tới 98%, chủ yếu là các dân tộc Nùng, Tày. Hiện, cả xã còn 294 hộ nghèo và 120 hộ cận nghèo. Hàng năm xã đã phối hợp cùng MTTQ để rà soát hộ nghèo theo các tiêu chí, họp các hộ dân để có thể lựa chọn và hỗ trợ các hộ nghèo một cách tối đa.

Cũng theo bà Hoa, dự án hỗ trợ ngựa sinh sản cho hộ nghèo là sự hỗ trợ rất kịp thời và hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế thiết thực, là nền tảng để các hộ vươn lên thoát nghèo. Những hộ được nhận bò trong đợt này là những hộ đã được xét chọn đảm bảo đúng đối tượng, đúng các tiêu chí. Bà con khi được hỗ trợ con giống vô cùng phấn khởi, các hộ gia đình đều cam kết sau khi triển khai dự án đều sẽ cố gắng, nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó xã Sơn Thành cũng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, đất đai rộng để trồng cỏ, lúa, ngô, chuối…. nguồn thức ăn phong phú để con ngựa phát triển.

2.png
Dự án hỗ trợ ngựa sinh sản cho hộ nghèo là sự hỗ trợ rất kịp thời và hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế thiết thực, là nền tảng để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Trao đổi với phóng viên, bà Nông Thị Diệp, Trưởng phòng Lao động Thương binh Xã hội huyện Na Rì cho biết: Mục tiêu Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đến năm 2025 của huyện là hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo.

Bà Diệp cho biết thêm, để thực hiện việc hạn chế tái nghèo huyện Na Rì tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và tiếp tục triển khai sâu rộng và thiết thực phong trào “Bắc Kạn chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Theo đó, huyện thường xuyên cập nhật, phổ biến, nhân rộng các mô hình tốt, những kinh nghiệm, sáng kiến hay về công tác giảm nghèo bền vững để tuyên truyền trong nhân dân. Năm 2024, huyện phấn đấu thực hiện mục tiêu giảm từ 3,6% tỷ lệ hộ nghèo trở lên. Phòng LĐTBXH tiếp tục tham mưu UBND huyện hỗ trợ thực hiện xây dựng và mở rộng các mô hình giảm nghèo tại các xã.

Ngoài ra, huyện cũng nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại, du lịch phù hợp theo từng vùng. Tăng cường liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, bổ sung nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương để thực hiện cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi qua hệ thống Ngân hàng chính sách xã hội. Tăng cường đào tạo nghề và chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp… giúp mở rộng sinh kế, cải thiện thu nhập cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện, góp phần để Na Rì từng bước hoàn thành mục tiêu giảm nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Na Rì (Bắc Kạn): Đa dạng sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO